Báo nước ngoài: ASIAD là nơi phát triển cầu thủ trẻ. U23 Việt Nam nên đá tấn công nhiều hơn
Trực tiếp bóng đá Asiad: Đài Loan vs Indonesia (19h00)
(Thethaovanhoa.vn) – Cây bút McIntyre của Fox Sports cho rằng ASIAD là giải đấu để các cầu thủ trẻ phát triển, chứ không phải là nơi đặt nặng về thành tích. Cây bút này cảnh báo rằng lối đá phòng ngự có thể khiến các tài năng của U23 Việt Nam mất cơ hội ra nước ngoài thi đấu.
- U23 Việt Nam: Đối thủ U23 Pakistan không quá mạnh, nhưng chớ xem thường
- Đối thủ của U23 Việt Nam nhận thêm thất bại nặng nề trước thềm ASIAD 2018
- Với U23 Việt Nam, cuộc chơi chỉ bắt đầu từ vòng knock-out
"Với lịch sử dài hơn nửa thế kỷ và tổ chức 465 nội dung thi đấu trên 40 môn thể thao khác nhau, ASIAD chắc chắn là một sự kiện đặc biệt và là một trong những giải đấu lớn nhất bên cạnh Thế vận hội. Nếu bạn chơi một số môn thể thao khác nhau– Sepak takraw, Kabbadi, đua thuyền rồng hoặc Bridge thì đây là sự kiện đỉnh cao dành cho môn thể thao đó và khoảnh khắc chiến thắng mang một ý nghĩa to lớn.
Nhưng nếu bạn chơi bóng thì đây sẽ là một trải nghiệm rất khác. Môn bóng đá ở ASIAD sẽ dựa theo thể thức của Olympic, nghĩa là sẽ có các cầu thủ U23 và chỉ có ba cầu thủ quá tuổi được phép thi đấu. Ngoài ra, đương kim vô địch Asian Cup sẽ không tham dự vì Australia không đủ điều kiện tham gia ASIAD. Bên cạnh đó, 25 quốc gia tham dự sẽ có những lối chơi cũng như tham vọng, chỉ tiêu đặt ra khác nhau ở môn bóng đá tại ASIAD.
Đơn cử như Hàn Quốc, đội tuyển này đã chọn cầu thủ xuất sắc nhất Châu Á, Son Heung-min cùng hai cầu thủ trên 23 tuổi khác là tiền đạo Hwang Ui-jo ở giải VĐQG Nhật Bản (J-League) và thủ môn đã góp mặt ở World Cup 2018 là Cho Hyun-woo. Những cầu thủ này sẽ phấn đấu đoạt HCV ở ASIAD để tránh được nghĩa vụ quân sự.
Quốc gia có nền bóng đá hàng đầu của châu Á, Nhật Bản đã tập trung hoàn toàn cho việc chuẩn bị Olympic Tokyo 2020 mà họ đăng cai. Do đó, họ đã cử đội U21 của mình cùng với HLV Hajime Moriyasu tham dự ASIAD. Ông Moriyasu nói rằng mục tiêu của Nhật Bản là phát triển các cầu thủ trong điều kiện tốt nhất có thể để chuẩn bị cho Olympic.
Trong khi đó, Hồng Kông đem tới ba cầu thủ trên 33 tuổi, bao gồm cả tiền đạo 37 tuổi Jordi Torres, người có số tuổi gấp đôi một số cầu thủ mà anh sẽ đối mặt khi ASIAD khởi tranh ở Indonesia tuần này.
Indonesia, nước chủ nhà, còn đem tới tiền đạo 37 tuổi, Alberto ‘Beto’ Goncalves. Điều này dường như gây tức cười bởi đây là giải đấu mà người ta vẫn nghĩ dành cho các cầu thủ trẻ.
Những quốc gia nhận ra rằng mục đích cuối cùng không phải là vô địch giải hạng hai cấp độ trẻ (ám chỉ ASIAD) đã khôn ngoan lựa chọn những cầu thủ dưới 23 tuổi cho toàn bộ đội hình của mình. Đó là Saudi Arabia, Thái Lan, Trung Quốc và Iran.
Nếu loại bộ ba cầu thủ Hàn Quốc với lý do “ngoài bóng đá” thì đội tuyển xứ Kimchi ở ASIAD có đội hình với phần lớn cầu thủ đủ điều kiện tham dự Olympic. Saudi Arabia và Iran cũng vậy.
Hãy nhìn lại một lần nữa. Tất cả các quốc gia ở châu Á đã tham dự World Cup – trừ Australia ra vì họ đã bị loại – đã gửi một đội hình mà không một cầu thủ nào từ 21 tuổi trở lên (trừ trường hợp Hàn Quốc vì những cầu thủ muốn né nghĩa vụ quân sự).
Đây mới là cách tiếp cận chính xác đối với sự phát triển của bóng đá ở cấp độ trẻ và điều cốt lõi của ASIAD không đơn thuần là việc giành chiến thắng trên sân cỏ. Nhật Bản đã tuyên bố rằng họ sẽ hài lòng nếu lọt vào Bán kết. Rõ ràng, sẽ chẳng cuộc diễu hành trên đường phố Tokyo nếu đội bóng của nước này thắng (hoặc đốt trụ sở LĐBĐ Nhật Bản nếu họ thua). Người Nhật cho rằng thành tích ở ASIAD không phải là vấn đề. Tuy nhiên một loạt các quốc gia khác, gồm cả nước chủ nhà, đã chọn lựa cầu thủ tham gia vì kết quả trước mắt, chứ không phải là hướng đến mục tiêu thành công lâu dài.
Suy cho cùng, như tôi đã nói nhiều lần ở giải vô địch U23 châu Á đầu năm nay, việc đội nào vô địch giải đấu là không quan trọng.
Nhiều quốc gia không đưa đến những cầu thủ giỏi nhất của mình, thay vào đó, họ tập trung vào điều quan trọng hơn là nuôi dưỡng và phát triển thế hệ tiếp theo của ĐTQG.
Giành chiến thắng chỉ là phần thưởng thêm cho của việc đào tạo thành công các cầu thủ trẻ mà thôi. Điều cần tránh là việc không phân tích thấu đáo mục tiêu tham gia, cách tiếp cận giải ASIAD này.
Son, Hwang và những chân sút lớn tuổi khác của Hàn Quốc không muốn hy sinh sự nghiệp CLB của mình vì ước muốn vô địch ASIAD. Họ tham dự giải này để có thể né nghĩa vụ quân sự và tiếp tục thi đấu, kiếm thêm nhiều tiền trong tương lai.
Như tôi đã lưu ý khi U23 Việt Nam gây cơn sốt ở giải U23 châu Á hồi đầu năm, lối chơi và cách tiếp cận, mục tiêu đề ra của các đội bóng tham dự quan trọng hơn kiểu tư duy “phải thắng bằng mọi giá”.
Đối với những cầu thủ còn lại ở ASIAD, mục tiêu của họ là gây sự chú ý ở trên sân cỏ và thực tế vẫn cò nhiều tuyển trạch viên quan tâm các trận đấu ở giải này. Vì thế, những cầu thủ có cơ hội ra nước ngoài nhiều nhất chính là những cầu thủ tấn công.
Vì lí do đó, tôi đã không tán thành chiến thuật đá phòng ngự của U23 Việt Nam ở giải vô địch U23 châu Á. Tôi đã nói ở thời điểm đó, cách tiếp cận như vậy làm mất đi cơ hội ra nước ngoài thi đấu của các cầu thủ tấn công tài năng.
Mặc dù có làn sóng cường điệu và “phân tích” sai lệch về “câu chuyện cổ tích” của Việt Nam ở giải đấu tại Trung Quốc, nhưng hãy nhìn xem có bao nhiêu người trong số những cầu thủ đó sang nước ngoài thi đấu? Đúng vậy, chẳng có ai cả.
Hy vọng rằng Olympic Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện thứ bóng đá tấn công tại ASIAD như trong những trận giao hữu gần đây. Bởi vì với lối chơi đó, những cầu thủ tấn công của Việt Nam mới phát huy khả năng và có cơ hội ra nước ngoài thi đấu ở những CLB lớn với các giải VĐQG chất lượng cao hơn. Điều này về lâu dài sẽ mang lại lợi ích lớn cho ĐTQG của họ.
Đó là lý do vì sao ở ASIAD, người ta nên tập trung hoàn toàn vào việc xây dựng cho tương lai, tạo nên một sân chơi, nơi những cầu thủ tấn công tài năng có thể có cơ hội tỏa sáng và chơi tích cực hơn.
Các quốc gia có nền bóng đá mạnh nhất châu Á đã cho thấy điều quan trọng không phải là thắng thua và đó là một thông điệp đáng chú ý trước khi ASIAD bắt đầu. Nếu lối đá tiêu cực thiên về phòng ngự, phản công và kéo theo đó là những chiến thắng được ca ngợi như câu chuyện thành công tiếp theo của bóng đá châu Á, thì mọi thứ đã đi sai hướng".
Sơn Tùng
Lược dịch từ Fox Sports