Báo chí văn nghệ trước làn sóng mạng xã hội
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, 22/7, tại TP Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc 2015, thu hút 15 tham luận, để nhìn lại những thế mạnh và chủ yếu là thách thức của thể loại báo chí này. Hiện có hơn 80 cơ quan báo chí về văn nghệ (văn học, nghệ thuật…), chiếm hơn 10% số cơ quan báo chí của cả nước.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ TT&TT) nêu ra nhiều thách thức, khó khăn với báo chí nói chung. Ví dụ như thống kê về vụ trọng án ở Bình Phước, chỉ trong 10 ngày (từ 7 đến 17/7) mà có 1.698 tin bài đơn lập, vậy là quá nhiều, mà nhiều tin bài lại phi nhân văn, khai thác tình tiết vụ án, đời tư… nói chung thiếu định hướng.
Chính dạng thu hút này tác động mạnh mẽ đến báo chí văn nghệ, vốn có đặc thù và phong cách bày tỏ riêng.
“Hiện có khoảng 36% người Việt truy cập mạng, khoảng 30 triệu người dùng mạng xã hội, đây là làn sóng không thể nào ngăn cấm. Nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo về việc hệ thống mạng này có thể liên minh thành “nhà nước ảo”, càng khiến cho báo chí in gặp nhiều thách thức hơn nữa” - ông Trương Minh Tuấn nói.
Dù đa số vẫn còn phát hành đều đặn, nhưng hiện nay chỉ có ấn phẩm báo chí văn nghệ trung ương mới in được trên dưới 5.000 bản/kỳ, còn lại dao động trong khoảng 1.000 đến 2.000 bản/ kỳ, ví dụ tạp chí Sông Hương (Huế) là 2.000 bản.
Thậm chí chỉ có 500-700 bản/ kỳ, như các tạp chí văn nghệ của Ninh Thuận, Nha Trang, Cà Mau, Ninh Bình… mà chủ yếu phát hành theo dạng “trao đổi” trong giới làm nghề với nhau. Rất ít tờ chuyên văn nghệ có kỳ hạn xuất bản 1 tuần/ kỳ, chủ yếu vẫn là 1-2 tháng/kỳ.
Phó Viện trưởng Viện Văn học, ông Nguyễn Hữu Sơn cho rằng một khó khăn khác của báo chí văn nghệ là ít có sự trao đổi đa chiều, trong khi hệ thống mạng thì rất mạnh, rất cởi mở về điều này.
Bởi văn nghệ đâu dễ phân biệt đúng sai rõ ràng, nên không thể chỉ có khen với đánh đơn thuần, vì lịch sử đã cho thấy cái mình tưởng là chắc chắn đúng thì qua thời gian lại không hẳn như vậy. Cho nên báo chí văn nghệ cần trao đổi đa chiều, tăng cường phản biện một cách dân chủ, trung dung thì mới mong tìm kiếm và giữ được độc giả.
Trong bài tổng kết, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương, ông Hồng Vinh nói rằng có 4 mâu thuẫn/thách thức mà báo chí văn nghệ cần vượt qua để phát triển kiện toàn hơn.
1) Trình độ dân trí ngày một cao, đòi hỏi ngày đa dạng, nhưng báo chí văn nghệ chưa thể đáp ứng được; 2) Hội nhập quốc tế là bắt buộc, nhưng làm sao để gìn giữ bản sắc và phát huy bản sắc đó; 3) Sáng tác và lý luận - phê bình chưa tương xứng nhau, nên việc tuyên truyền, quảng bá sẽ rất yếu kém; 4) Trước sự đòi hỏi mới của nhà nước, xã hội, đội ngũ văn nghệ không chỉ mỏng về lượng, mà còn yếu về chất, nên khó đáp ứng được.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa