Băng đội trưởng giữa Lahm và Ballack: Bước ngoặt của thời kỳ chuyển giao
(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều đội tuyển, đội trưởng chỉ là một vị trí bình thường, thậm chí còn bị xoay vòng (tuyển Pháp giai đoạn đầu thời Laurent Blanc). Nhưng với tuyển Đức, đây là mắt xích quan trọng nhất, phản ánh ý chí của cả đội tuyển.
Thế nên, có thể nói cuộc cách mạng của tuyển Đức được tiến hành từ năm 2004 nhưng chỉ thực sự bước sang giai đoạn mới vào năm 2010 khi Philipp Lahm làm đội trưởng thay Michael Ballack.
Ballack: Kẻ độc tài cuối cùng
Ballack là một đội trưởng điển hình theo kiểu mẫu truyền thống. Ngoài tài năng, tiền vệ này có thừa bản lĩnh. Không bao giờ Ballack nhún nhường các đối thủ và với đồng đội, luôn nhận hết phần khó về mình. Tại trận bán kết World Cup 2002, Ballack đã phạm lỗi để ngăn cản một pha tấn công của Hàn Quốc bất chấp sẽ phải nhận thẻ vàng, ngồi ngoài ở chung kết. Sẽ không có chuyện Ballack nhìn một người ngoại quốc như Arjen Robben đá quả penalty quyết định giống như Lahm hay Bastian Schweinsteiger đã từng ở chung kết Champions League năm 2012.
Nhưng cá tính quá mạnh của Ballack cũng đồng nghĩa cầu thủ này thích ra mệnh lệnh hơn là chịu lắng nghe, muốn là trung tâm, được tất cả cung phụng hơn là phải hy sinh vì người khác. Khi mất băng đội trưởng cho Lahm, ngay trong ngày cưới của đồng đội, Ballack đã tự coi mình là huấn luyện viên (HLV) trưởng, đăng đàn đòi lại vị trí thủ lĩnh. Ballack thậm chí còn nói “khi nào đội tuyển tập trung trở lại, sẽ gặp cậu ta nói chuyện phải quấy”. Với HLV Loew, Ballack cũng chẳng kiêng nể, gọi ông thầy là “kẻ giả dối” khi không được triệu tập vào tuyển Đức nữa.
Tính cách độc đoán, luôn ra vẻ bề trên của Ballack đã khiến không ít đồng đội khó chịu. Lukas Podolski từng bạt tai Ballack sau khi bị đàn anh chỉnh huấn. Christian Lell còn tố Ballack đã có những hành động không phải với bạn gái của mình. Dưới thời Ballack làm đội trưởng, tuyển Đức từng chỉ trích nhau thậm tệ sau trận thua Croatia ở EURO 2008. Tờ Bild còn tiết lộ năm World Cup 2010, Ballack từng đến thăm các đồng đội nhưng bị phớt lờ. Việc ông Loew loại Ballack không chỉ vì lý do chuyên môn mà quan trọng hơn, không muốn giữ một quả bom trong phòng thay đồ.
Lahm: Thủ lĩnh của thế hệ mới
Ballack phù hợp với những đội bóng được tổ chức theo mô hình tháp. Ở đó, người thủ lĩnh nằm ở đỉnh, đại diện cho HLV trên sân, có quyền ra lệnh cho các đồng đội. Nhưng sau khi cách mạng, tuyển Đức lại được tổ chức theo mô hình mạng. Trong mô hình mới, mọi vị trí đều có tầm quan trọng như nhau và người đội trưởng có nhiệm vụ liên kết các mắt xích chứ không phải chỉnh huấn. Ở thời kỳ này, người đội trưởng phải biết lắng nghe, giỏi động viên, khuyến khích chứ không phải cứng rắn đến tàn nhẫn như trước đây. Trong mắt ông Loew, Lahm là người thích hợp nhất với vị trí này.
Khi mới được chọn, Lahm bị nghi ngờ vì tính cách có phần trầm lặng. Nhưng lãnh đội Oliver Bierhoff đã thanh minh: "Lahm không phải là người nhút nhát, thích lẩn tránh. Anh ấy có ý kiến rõ ràng, và thể hiện rõ lập trường riêng". Một bằng chứng là khi Bayern sa sút dưới thời Louis van Gaal, Lahm đã lên tiếng chỉ trích lãnh đạo "thiếu tầm chiến lược, nhất là trong chuyển nhượng". Vì vi phạm quy tắc phê phán của Bayern, Lahm đã bị phạt mức cao nhất nhưng sau đấy, lại được chủ tịch Uli Hoeness khen ngợi vì "tạo cơ sở mới cho việc phát biểu xây dựng đội bóng".
Bên trong vẻ ngoài có phần nhút nhát của Lahm là một tính cách khá dữ dội, biết suy nghĩ chín chắn và quan trọng nhất, hết mình vì tập thể. Năm 2011, Lahm từng tiết lộ không ít chuyện hậu trường của cả tuyển Đức lẫn Bayern như Rudi Voller chỉ cho tập mỗi ngày một giờ hay Felix Magath chỉ dọa dẫm làm cho cầu thủ khiếp đảm. Ban đầu dư luận khá phẫn nộ nhưng sau đấy, họ hiểu Lahm đã suy nghĩ thấu đáo (đã đưa cho lãnh đạo duyệt bản thảo) và cũng chỉ vì bóng đá Đức: làm sao để xây dựng một nền bóng đá dân chủ, ai cũng được tôn trọng, được phát biểu ý kiến.
Thực ra, sẽ không thỏa đáng nếu mô tả Ballack như ác quỷ còn Lahm như thiên thần. Mỗi người sinh ở một thời đại khác nhau nên phải đóng những vai trò khác nhau. Cá tính quá dữ dội của Ballack không hợp với tuyển Đức thời nay nên phải ra đi là lẽ thường. Chỉ có chút gợn khi tuyển Đức đã không đóng cửa bảo nhau, để Ballack phải tranh cãi với Loew và Lahm.
Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa