Bàn tròn: World Cup có thể 'giết' các cầu thủ?
(Thethaovanhoa.vn) - Đã tròn 20 năm kể từ ngày hậu vệ Andres Escobar bị sát hại vì cú phản lưới nhà tại World Cup 1994, khiến Colombia thua Mỹ 2-3 và phải về nước. Liệu áp lực có thể “giết” các cầu thủ hay không là chủ đề của bàn tròn hôm nay, với hai khách mời là nhà báo Hồng Ngọc và nhạc sĩ Hà Quang Minh.
“Bi kịch không phải do bóng đá gây ra”
Phạm An: Trong các anh, ai còn lưu giữ ký ức về vụ hậu vệ Andres Escobar bị bắn chết cách đây 20 năm không?
Hà Quang Minh: Khi nghe tin Escobar bị bắn chết, tôi cảm thấy sợ. Hồi đó lại còn hay được đọc tin là Colombia toàn buôn ma túy này kia, nên càng thấy sợ.
Hồng Ngọc: Tôi nhớ đó là một hậu vệ Colombia đã bị bắn ở quê nhà sau khi dự VCK World Cup thất bại dù được kỳ vọng nhiều với thế hệ của Valderrama, Asprilla... từng thắng Argentina 5-0 ở vòng loại World Cup. Escobar phản lưới nhà trong trận gặp Mỹ, nhưng tôi không nhớ tình huống đó.
Trước VCK World Cup 1994 đó, Pele đã coi Colombia là ứng cử viên vô địch. Nhưng rồi họ thua cả 3 trận vòng bảng, tệ nhất là thất bại trước Mỹ với 1 bàn phản lưới nhà. Kỳ vọng lắm thì thất vọng nhiều.
Phạm An: Phản lưới nhà và bị bắn chết, thú thực tôi vẫn chưa hiểu rằng tại sao người ta có thể hành xử như thế. Tại sao bóng đá không thể là 1 cuộc chơi mà thắng bại không bị đẩy lên đến mức bi kịch như vậy?
Hà Quang Minh: Anh Hồng Ngọc, nếu như hồi đó quả lao lên bắt bóng ngẫu hứng của thủ môn Higuita, quả chân bọ cạp đó, mà trượt bóng để vào lưới ở một trận thuộc VCK World Cup thì không biết có bị “bòm” không nhỉ?
Phạm An: Tôi rất khâm phục Higuita, vì anh ta dám làm những điều mà chỉ có 1 kẻ điên mới làm, sau những gì mà World Cup đổ lên đầu kẻ thất bại.
Tại Brazil năm 1950, thủ môn Barbosa "chỉ" có "tội" là để thua 2 bàn trong trận gặp Uruguay tại Maracana, thế là ông ta bị nguyền rủa cả đời. Chính ông nói: "Kẻ giết người dã man nhất ở Brazil chỉ bị tù 30 năm, trong khi tôi phải chịu án chung thân".
Cú đá phạt đền vọt xà năm 1994 cũng chính thức chôn vùi sự nghiệp của Roberto Baggio.
Hồng Ngọc: Bi kịch không phải do bóng đá gây ra. Bóng đá tạo ra các trạng thái cảm xúc khác nhau. Bi kịch là khi người ta không kiểm soát được các cảm xúc tiêu cực, có thể là trước bất cứ điều gì đó chứ không chỉ là một thất bại bóng đá. Đó là sự khác biệt giữa các xã hội văn minh và kém văn minh.
Hà Quang Minh: World Cup chẳng “giết” ai cả. Chỉ có người mới “giết” nhau thôi.
Mới hôm qua thôi, ở Hà nội có một vụ tự sát vì thua cá độ World Cup lên tới 50 ngàn USD. World Cup không giết ai cả, bóng đá không ép ai tự sát cả. Mà chỉ con người tự dồn nhau vào chân tường thôi.
Tôi nghĩ, bóng đá như RƯỢU vậy. Ta dùng rượu đủ liều thì ta khen Rượu rất hay vì khiến ta hưng phấn, khiến ta vui. Còn ta dùng quá liều, ta tiêu mạng, ai cũng chép miệng "Chết vì rượu".
Hồng Ngọc: Ví dụ của anh Hà Quang Minh về Higuita rất thú vị. Nó đặt ta trước một mâu thuẫn: Tại sao một xã hội có rủi ro như thế với một "tội đồ" của thất bại lại sinh ra một thủ môn ở vị trí cần đặc biệt cẩn trọng lại có lối chơi cực kỳ mạo hiểm?
Phạm An: Luôn có những cá nhân như thế để bóng đá hấp dẫn hơn, anh Hồng Ngọc, những cá nhân "dám" phạm sai lầm. Higuita đáng quý là vì thế, và bóng đá Nam Mỹ một thời đáng xem cũng là vì thế.
“Chúng ta có thể “giết” một sự nghiệp, một con người rất dễ dàng”
Hà Quang Minh: Nhưng tôi hỏi các anh câu này, nhân tên chủ đề anh An đặt. Các anh định nghĩa sự “GIẾT” ở đây là thế nào? Chỉ đơn thuần là dùng súng hay hung khí tước đoạt mạng sống 1 con người hay là cả nghĩa bóng nhỉ?
Phạm An: Tất nhiên là giết theo nghĩa bóng, anh Hà Quang Minh, ‘chết’ vì sức ép, vì kỳ vọng, trong khi bóng đá vốn đơn giản là một trò chơi, một môn thể thao.
Hà Quang Minh: Thế thì người ta mượn bóng đá, mượn World Cup như một cái cớ, giống y cách họ mượn cớ từ rất nhiều thứ khác, để đã, đang và vẫn tiếp tục “giết” nhau đấy các anh ạ.
Phạm An: Vậy sai lầm để mất 1 chiếc Cúp, hoặc mất 1 VCK World Cup, như David Ginola trước World Cup 1994, đâu có thể thực tế là nhẹ nhàng cho qua được, thưa các anh?
Hà Quang Minh: Sai lầm để mất một chiếc cúp như anh An nói khiến tôi nghĩ thế này. “Giết” một ai đó đối với chúng ta quá dễ. Vì chúng ta chỉ cần không đạt được cái sự thỏa mãn cho cái ý thích riêng của mình là mình đã đủ “giết” người rồi.
Nhân nói luôn, ở Việt Nam, ngứa tai là "giết bình luận viên"; chối mắt là "giết nhà báo"; ngứa cái gì đó: "Giết luôn đứa mà mình cho là đã làm mình ngứa".
Phạm An: Các anh có giải thích được vì sao ấn tượng về 1 sai lầm có thể lớn đến mức lưu truyền năm này qua năm khác, và thậm chí không bao giờ buông tha người đã sai lầm, giống như Barbosa ở World Cup 1950?
Hà Quang Minh: Thì đấy, tôi nói ở trên rồi mà. Barbosa cũng bị ‘giết’ bởi vì cái miệng đời thôi mà. Cái “giết” đó là của con người. Con người ta không phải sinh ra nhân chi sơ tính bản thiện đâu. Henry Miller viết "Loài người càng ngày càng tiến vào lãnh địa của cái ác".
“Là con người, thì luôn phải có sai lầm”
Phạm An: Thế chúng ta phải ứng xử thế nào với sai lầm đây? Tặc lưỡi cho qua chăng?
Hồng Ngọc: Những xã hội kém văn minh thì con người có quy tắc sống lỏng lẻo nhưng lại đối xử với nhau khắc nghiệt, vì thế mà sự "giết" hay xảy ra. Các xã hội văn minh có quy tắc chặt chẽ hơn, và người ta cũng bao dung hơn, nên ít có sự "giết" đó. Bởi vì chúng ta đang theo dõi bóng đá nên chúng ta thấy hiện tượng "giết" trong bóng đá nhiều hơn, chứ ở lĩnh vực nào cũng thế. Nó là do cách con người ta đối xử với nhau, không phải do bóng đá.
Hà Quang Minh: Bản thân mình cũng phải tự răn mình đừng giết ai cả. Anh An làm tôi nhớ lại hồi 2012, chỉ vì ức chế với tuyển Pháp, tôi đã từng nói "CĐV Pháp ăn mừng pha đá hỏng của tuyển thủ Pháp chắc là bởi họ biết nếu Pháp vào vòng trong, họ sẽ được thưởng rất nhiều. Chắc họ không muốn chia phần ngân sách ấy cho một lũ ăn hại".
Câu nói ấy cũng là xấu xa về bản chất. Là quá con người và có ác ý rồi còn gì. May cho tôi là tôi không phải người Pháp.
Và nguy hiểm nhất là người ta hay khoác cái áo "Tiêu diệt cái xấu" để giết người khác, phải không anh Hồng Ngọc?
Hồng Ngọc: Như tôi vừa nói ở trên, các xã hội văn minh xây dựng các quy tắc tương đối chặt chẽ, để giúp con người hạn chế sai lầm. Nhưng đồng thời họ cũng đồng nhất rằng đã là con người thì phải có sai lầm, để học cách chấp nhận sai lầm mang tính con người. Họ tìm cách hạn chế sai lầm bằng việc tạo ra quy trình làm việc, hợp tác để giám sát và sửa chữa sai lầm. Còn xã hội kém văn minh thì không xây dựng quy trình đó, nên cá nhân phạm sai lầm nhiều hơn, và để lại hậu quả nặng nề hơn. Nghiêm trọng hơn nữa khi người ta lại không học được cách tha thứ cho sai lầm.
Phạm An: Không sợ sai lầm, và không sợ dư luận phát xét như… ca sĩ Lệ Rơi, phải không các anh?
Hà Quang Minh: Việc người nông dân họ giải trí bằng cái mới mà họ gặp được là hồn nhiên thôi. Cái ác là ở chỗ chúng ta bâu xâu vào đó để coi như thú giải trí cho mình, mang ra cười cợt mua vui trước sự thấp kém của người khác. Dã man quá.
Ngay cả việc ta bàn về Lệ Rơi ở đây, cũng là đang ‘giết’ anh ấy đấy.
Phạm An: Anh Minh cực đoan rồi, chúng ta có bàn là bàn về một hiện tượng xã hội, chứ có bàn về cá nhân anh ta đâu, nhưng thôi, tôi đồng ý, lan man đủ rồi, hãy để cho anh ấy yên!
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa