Bàn tròn: Nếu Messi 'nhập tịch' Việt Nam?
(Thethaovanhoa.vn) - Thì liệu chúng ta có nên gọi anh vào... đội tuyển Việt Nam hay không, nếu có cơ hội? Bàn tròn hôm nay sẽ thử lạm bàn về giả định thú vị này với khách mời là các nhà báo Đinh Đức Hoàng, Phan Tất Đức và Trần Trọng Hải Minh.
Phạm An: Các anh nghĩ sao về câu hỏi vừa rồi?
Tất Đức: Quan điểm cá nhân của tôi thì việc nào ra việc đó. Nếu anh ta có khả năng cống hiến, chưa cần đến đẳng cấp của Messi thì vẫn nên được sử dụng như 1 công dân bình thường.
Hải Minh: Chúng ta có thể giải thích được điều anh Đức vừa nói dựa trên nhân chủng học: Trước hết, Việt Nam là một xã hội "homogeneous" (tạm dịch là đơn huyết hệ), chỉ những người cùng huyết thống. Các xã hội Đông Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Mông Cổ là xã hội homogeneous điển hình. Từ đó, ưu tiên của người Việt Nam là gia đình, làng xã, nên sự chấp nhận là khó khăn hơn các xã hội đa sắc tộc.
Đức Hoàng: Tôi không “bài ngoại”. Nhưng tôi nghĩ rằng trong giả thiết của anh Phạm An, chúng ta cần phân biệt.
Nếu Messi là một sản phẩm của bóng đá nhập tịch, như người Singapore làm với bóng bàn, như người Algeria làm với bóng đá (phần lớn cầu thủ của họ sinh ra tại Pháp và do người Pháp đào tạo), thì việc sử dụng và tôn vinh anh ta, lại là sự gián tiếp tố cáo rằng chúng ta có một nền bóng đá yếu, một ý chí thiếu tự cường.
Nếu Messi sinh ra tại Việt Nam và do người Việt đào tạo, thì không có gì để bàn.
“World Cup là của đa huyết hệ và toàn cầu hóa”
Tất Đức: Anh Hoàng có cực đoan không, những tập đoàn đa quốc gia hay siêu cường Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng săn đầu người như vậy mà?
Phạm An: Tôi hiểu ý anh Đức Hoàng, nhưng đúng như anh Hải Minh nói, đó có thể chỉ là vấn đề quan niệm của một đất nước. Ví dụ như đội tuyển Thụy Sĩ đến World Cup lần này, ở một thái cực ngược lại so với các nước Đông Á, sở hữu 13 nguồn gốc chủng tộc khác nhau?
World Cup này cũng đi theo xu hướng ấy: 29/32 đội tuyển được xây dựng dựa trên "đa huyết hệ", Argentina và Thụy Sĩ là một cặp đấu đặc trưng của thuộc tính đó.
Đức Hoàng: Thụy Sĩ có thể có tới 13 nguồn gốc chủng tộc, Shaqiri có thể là người gốc Albania, nhưng anh ta trưởng thành từ lò đào tạo Basel là không thể phủ nhận. Và đó là một sản phẩm của bóng đá Thụy Sĩ, không có gì phải nghi ngờ.
Tất Đức: Anh Hoàng, đội tuyển Mỹ hiện nay có 5 người gốc Đức và họ đều được đào tạo, trưởng thành ở Đức. Nhưng màn trình diễn của Mỹ hiện nay vẫn đang thu hút tỷ lệ theo dõi kỷ lục (theo công bố của các kênh truyền hình).
Người Mỹ có thể sử dụng các Giáo sư người Việt, Đức từng có 1 Phó Thủ tướng gốc Việt, Bang Nam Úc tôi đang sống vừa bổ nhiệm 1 người Việt di cư làm Toàn quyền. Vì thế việc sử dụng người nước ngoài hay gốc Việt ở Việt Nam cũng là chuyện bình thường. Tôi cho rằng điều quan trọng là họ phải có giá trị và phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng ta.
Hải Minh: Quan điểm của tôi là ủng hộ 1 sự hòa hợp, ít rào cản phân biệt, không chỉ trên khía cạnh thể thao.
Đức Hoàng: Nếu như giả thiết của anh An đặt ra từ đầu, việc dùng một cầu thủ do nước ngoài đào tạo trong đội hình, có khi lại khiến thanh niên nước ta cảm thấy... tự ti thì sao?
Chưa kể là các cầu thủ trẻ sẽ cảm thấy mình không nên phấn đấu làm gì, giống như các doanh nghiệp trong nước của chúng ta vậy: Sản xuất làm gì khi mà hàng nước ngoài vừa rẻ hơn vừa tốt hơn?
Phạm An: Tôi nghĩ là khi càng tự chủ, người ta mới có thể dấn thân vào các tình huống mà người thiếu tự chủ cho rằng sẽ dẫn đến sự tự ti. Cũng như trường hợp đội tuyển Tây Ban Nha thôi, họ rất tự tin đấy chứ, họ vẫn gọi Diego Costa. Họ làm thế vì họ tự tin.
Với các xã hội heterogeneous (đa huyết hệ), các quan niệm phân biệt không quá nặng nề. Chẳng hạn, chúng ta thấy thủ môn Julio Cesar vẫn có thể tay bắt mặt mừng với "tình địch" (theo báo chí Việt Nam) Ronaldo. Cái đó ở Việt Nam, đàn ông được mấy người có sự rộng lượng ấy? Ở các xã hội đa huyết hệ, người ta chấp nhận nhau rất dễ dàng, và đó là nền tảng cho một thái độ hết sức văn minh mà chúng ta hay bàn: Tôn trọng sự khác biệt.
“Không nên ‘bài’ bất kỳ điều gì chỉ vì xuất xứ”
Hải Minh: Tôi nghĩ về chuyện hàng hóa nước ngoài, cái chúng ta cần phân biệt là tiêu dùng một cách thông minh, chứ không phải mang tính chất "bài" một cái gì đó. Vấn đề của chúng ta là không thể phân biệt đâu là đồ tốt, chứ không phải là “đồ Tàu” hay là không, anh Đức Hoàng.
Tất Đức: Theo tôi thì sự quay lưng lại với hàng Tàu cần phải diễn ra từ lâu rồi mới đúng, nhưng nguyên nhân của nó là vì một số hàng hóa chất lượng kém và sự nguy hại của nó.
Hải Minh: Tôi đồng ý với anh Đức. Tôi nhớ là có từng đọc một truyện ngắn của Nhật Bản ghi lại nhật ký của một phi công 24 tuổi sắp đi làm Kamikaze vào Thế chiến thứ Hai. Đại khái nội dung là anh phi công ấy nói rằng tôi không muốn yêu hay ghét một người chỉ vì dân tộc của anh ta, tôi chỉ có thể yêu ghét một con người cụ thể, nên tôi thấy cái chết của mình thật vô nghĩa.
“Hãy chung sống hòa bình”
Phạm An: Vậy thì nói lan man một chút, chúng ta phải giữ thái độ nào với tình hình hiện nay?
Đức Hoàng: Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn nên ước mơ về một thế giới không biên giới, nhưng trước đó mỗi con người trong chúng ta cần tự cường, cần được giáo dục về ý thức tự cường trước, hơn là một tâm lý phụ thuộc kiểu "thôi người ta làm được rồi mình cứ hưởng thôi cố làm gì".
Tất Đức: Không chỉ “hàng Tàu” kém chất lượng, mà với bất kỳ loại hàng hóa của quốc gia nào khác cũng thế, nếu sự chênh lệch về chất lượng cũng như giá cả không quá khác biệt chúng ta nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ngược lại, khi “hàng Tàu” tốt hơn hẳn, rẻ hơn hẳn thì chúng ta nên chấp nhận nó, đấy có khi cũng là động lực để các doanh nghiệp của chúng ta phát triển.
Phạm An: Như vậy, chúng ta có lẽ đều thống nhất được rằng phải tự nâng mình lên đúng với vị thế đáng được tôn trọng, chứ không phải ở vị trí áp chót trên Bảng xếp hạng về sự tử tế trên Thế giới như hiện nay.
Cũng như đội tuyển Tây Ban Nha, họ gọi Diego Costa vì một kỹ năng vượt trội và khác biệt của anh ta, chứ không phải vì họ yếu kém. Hàng chúng ta sản xuất mà đủ mạnh, thì có lẽ cũng sẽ tự chiếm lại thị trường của chúng ta. Khi nào chúng ta gọi cầu thủ nhập tịch Messi mà đủ tự tin để không phải nơm nớp lo rằng anh ta sẽ làm giảm giá đội tuyển, thì có lẽ chẳng có lý do gì từ chối một món hàng chất lượng hàng đầu như thế.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa