Bàn tròn: Ai là người chiến thắng World Cup?
(Thethaovanhoa.vn) - Các đội bóng? Không phải? Các CĐV? Chưa chắc. Hôm nay, chúng ta sẽ bàn về chuyện đằng sau niềm vui World Cup là những gì, cùng với các nhà báo Đức Hoàng, nhà báo Tất Đức, người đang theo học thạc sĩ ngành quản lý công tại Adelaide, Australia, và nhà báo Hải Minh.
Chỉ FIFA được lợi ở World Cup?
Phạm An: Anh Đức Hoàng hôm trước có viết 1 bài đăng trên báo Lao động về chuyện ai khâu giày cho Messi, đại ý là ngành công nghiệp thể thao đã bóc lột nhân lực ghê gớm như thế nào. Theo các anh, từ đó mà suy ra, thì ai là người chiến thắng thực sự ở World Cup?
Hải Minh: FIFA.
Phạm An: Tại sao là FIFA? Tôi cho rằng cả 1 hệ thống khổng lồ hưởng lợi thậm chí còn lớn hơn FIFA nhiều lần, từ các hãng đồ thể thao, bia rượu…?
Hải Minh: Hưởng lợi thực sự thì chỉ có FIFA thôi, còn với những doanh nghiệp kia, đó là cơ hội, và không phải ai cũng tận dụng được. Họ cũng phải chiến đấu để giành lấy miếng bánh thị phần, thị trường là tự do, còn FIFA là độc quyền.
Tất Đức: Tôi cũng đồng ý với anh Hải Minh: Đó là FIFA. Người ta tính rằng ở World Cup 2010, FIFA chỉ buôn nước bọt đã thu được tới gần 3,2 tỷ USD từ tiền bản quyền truyền hình, tiền tài trợ cũng như nhượng quyền thương mại. Nam Phi, quốc gia tổ chức, thì lại lỗ nặng.
Phạm An: Có lẽ trong đầu các quốc gia tổ chức nên định hình tâm thế trước hết là tổ chức giải phải hiệu quả, để những đồng tiền đầu tư vào nó phải sinh lời, hoàn toàn là một thương vụ, phải không các anh?
“Chính phủ Brazil không lường trước được hệ quả”
Hải Minh: Vấn đề nằm ở chỗ nước nào cũng muốn tổ chức một giải đấu hiệu quả về mặt kinh tế, có lãi, nhưng tại sao chỉ các nước phát triển mới làm được?
Tất Đức: Bởi vì họ có cơ sở hạ tầng sẵn có, họ quản lý đầu tư tốt, nên không bị lãng phí trong quá trình đầu tư. Doanh nghiệp của họ cũng ở trình độ nhất định để có thể nắm bắt cơ hội này. Hãy thử tưởng tượng nếu ở thời điểm hiện tại Việt Nam đăng cai World Cup thì liệu bao nhiêu doanh nghiệp có thể thi đấu thành công trên sân nhà?
Hải Minh: Sâu xa hơn, đó là vấn đề trình độ phát triển và năng suất lao động, và còn quan trọng hơn nữa là chất lượng quản trị công. Rất khó tưởng tượng xảy ra tình trạng tham nhũng trong xây sân bóng ở một quốc gia như Đức, hay Australia, nhưng ở Brazil hay Nam Phi, sắp tới là Nga và Qatar, câu chuyện hoàn toàn khác.
Phạm An: Đó là 1 ý rất hay, để thu lợi được thì anh cũng phải có trình độ, và nguồn tiền đổ vào đó phải được minh bạch, nếu không được quản lý tốt, số tiền đó sẽ bốc hơi vì không nắm được cơ hội, hoặc chỉ "kích thích" tham nhũng.
Đức Hoàng: Các anh có bao giờ nghĩ rằng đây chính là lựa chọn của người Brazil không? Năm 2007, khi nhận quyền đăng cai, tôi nhớ họ ăn mừng rất lớn.
Hải Minh: Thực ra nếu có một cuộc trưng cầu dân ý ở Brazil, đừng nói là năm 2007, mà ngay bây giờ, về việc tổ chức World Cup, thì tôi tin đa số người dân vẫn sẽ ủng hộ. Nền dân chủ có những giới hạn của nó.
Tất Đức: Tôi đồng ý với anh Minh. Người dân vui mừng là đúng thôi. Họ không phải là những nhà kinh tế, không phải những nhà phân tích để cân nhắc lợi hại của một giải đấu tốn kém. Họ chỉ là người dân, những người hâm mộ bóng đá dĩ nhiên họ mừng vì đất nước được tổ chức World Cup, đội nhà có cơ hội lên ngôi vô địch. Tính toán quyết sách đầu tư 1 giải đấu như World Cup là trách nhiệm của Chính phủ. Còn Chính phủ Brazil thì có lẽ đã không lường trước nền kinh tế thế giới lại rơi vào khủng hoảng.
“Logo adidas ở World Cup là một cái giật mình”
Đức Hoàng: Chúng ta có thể quay trở lại với câu chuyện Adidas một chút được không? Hẳn mọi người còn nhớ năm 2012, hãng Dow Chemical (một nhà sản xuất chất độc màu da cam) đã bị lên án như thế nào khi trở thành nhà tài trợ cho Olympic. Những doanh nghiệp như Dow, sản xuất ra thứ chết người, thì bị lên án ngay lập tức. Còn Adidas, bóc lột công nhân các nước thế giới thứ ba, thì các anh lại cho là "quy luật cạnh tranh" gì đó.
Liệu các anh có thể biện hộ cho Dow Chemical theo kiểu đã dửng dưng với adidas không?
Tất Đức: Anh Hoàng, như tôi đã nói vấn đề ở đây không phải là do World Cup, họ không làm cho Adidas mà làm cho Foxconn họ vẫn bị bóc lột, vẫn phải nhận 1 đồng lương chết đói. Nhìn chung đấy là mặt trái của toàn cầu hóa.
Hải Minh: Cần phải nhìn sự việc đa chiều một chút. Adidas có thể bị rủa là “bóc lột”, nhưng đồng thời họ cũng trả lương và mang lại việc làm. Đó là hai mặt của một đồng tiền, mà chỉ nhấn mạnh mặt nào cũng đều sẽ trở nên cực đoan.
Phạm An: Vậy thì chúng ta buộc phải thừa nhận rằng tình trạng hiện nay là không thể tránh khỏi, thưa các anh. Những gì chúng ta lên tiếng về công bằng hay phản ứng có thể được nhìn nhận rằng luôn là một sự bi kịch hóa vấn đề?
Tất Đức: Chúng ta thừa nhận đó là thực tế, chứ không phải chúng ta ủng hộ nó. Ví dụ người lao động Đức (nơi Adidas đóng trụ sợ) rõ ràng không phải nhận những điều kiện làm việc và đồng lương ít ỏi như các nước thứ ba. Vấn đề là chính quyền cần tạo ra nhiều sinh kế, nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân, thay vì họ chỉ có con đường duy nhất là làm việc cho Adidas hay Foxconn.
Đức Hoàng: Tôi nghĩ, nếu nhìn nhận theo hướng khái quát hóa, cho rằng mọi thứ đều là quy luật, thì không có gì để nói: Dưới ánh Mặt trời không có gì lạ. Nhưng cũng giống như người dân và Chính phủ Brazil đã coi World Cup là một cái giật mình (dù nó không trực tiếp tạo ra suy thoái và mức sống khốn khó của họ), tôi cũng có quyền coi những logo của Adidas ở World Cup là một cái giật mình. Tôi không định lên án họ, tôi cũng không đủ sức đề ra giải pháp. Nhưng tôi muốn nhân cơ hội mình "giật mình" để nói về nó, cho những người chưa biết đến được "giật mình". Báo chí chỉ làm nhiệm vụ là phản ánh thôi mà.
Những cái "giật mình" này, kể cả chuyện ở Brazil, từ mại dâm trẻ em đến biểu tình, đều không phải do World Cup tạo ra, nhưng ta phải cảm ơn World Cup vì đó là cơ hội để rất nhiều nhà báo, tổ chức xã hội có cớ để nói đến chúng.
Phạm An: Tôi đồng ý với anh Hoàng. Dù thế nào, tất cả những gì chúng ta phải làm đều phải vì con người, và ngay cả khi chưa đạt được độ lý tưởng, thì cũng phải phấn đấu vì điều đó!
Phạm An
Thể thao & Văn hóa