Bản tình ca không còn du mục
(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến hôm nay Those were the days đã tròn 45 năm kể từ ngày tiếng hát của Mary Hopkin cất lên bản tình ca du mục. Ngày ấy, Those were the days trở thành khúc hoan ca khoác chiếc áo hoài niệm. Người ta hát vang nó, vui cười cùng nó, nhưng bên trong, vẫn có chỗ cho những giọt nước mắt chực trào ra.
Those Were The Days (với tựa tiếng Việt quen thuộc Tình ca du mục) cùng vớiChiều Moskva… đã đưa những giai điệu Xô Viết, vượt đường biên, trở thành những ca khúc được toàn thế giới yêu thích. 45 năm là mốc đánh dấu cho sự ra đời của Those Were The Days qua giọng hát của cô gái xứ Wales, Mary Hopkin nhưng kỳ thực nguyên tác của ca khúc này đã gần tròn trăm tuổi.
Từ những con đường…
Those Were The Days thực chất là một ca khúc đặt lại lời từ nguyên tác Dorogoj Dlinnoyui của nhạc sĩ người Nga, Boris Fomin, sáng tác năm 1917. Có một thời gian dài ca khúc này được liệt vào dạng khuyết danh và người ta xếp nó vào kho nhạc dân gian Nga. Tác giả thực sự của nó, nhạc sĩ Boris Fomin cũng có khá nhiều ca khúc được nhớ vào thời điểm ấy. Có điều lúc mới ra đời, Dorogoj Dlinnoyui hầu như chẳng được ai biết đến. Lúc đó lời bài hát đã văng vẳng những hoài niệm, tiếng lanh canh của lục lạc xe ngựa, những đêm đầy trăng sao ôm guitar hát cùng bạn bè và giờ đây khi tuổi trẻ đã qua đi, tất cả chẳng còn niềm vui và cũng chẳng còn nỗi buồn, cuộc sống ảm đạm… Giai điệu mang hồn phách của một tinh thần gypsy (du mục), lời ca thì buồn bã nhưng lúc ấy, không hiểu sao không có hồi âm từ công chúng.
Boris Fomin để yên ca khúc ấy vài năm sau (1924) cho đến khi nhà thơ Konstantin Podrevskyi đề nghị đặt lại lời mới, trau chuốt hơn, dựa trên tinh thần phần lời cũ. Khi phần lời được đặt xong thì năm sau bài hát được đưa cho nữ ca sĩ người Gruzia, Tamara Tsereteli, thể hiện. Tuy vậy, bài hát vẫn chưa thành công như mong đợi. Đến năm 1926 Dorogoj Dlinnoyui (tạm dịch: Men theo con đường dài) mới thực sự được biết đến qua giọng ca được xem là ngôi sao hàng đầu khi đó ở Nga, Alexander Vertinsky. Đĩa hát có ca khúc này bán rất chạy và được rất nhiều người yêu mến. Cũng thời điểm đó, nước Nga chứng kiến nhiều cuộc di dân và nhiều người mang theo trong hành lý cả Dorogoj Dlinnoyui. Từ đó ca khúc này lưu lạc qua nhiều quốc gia đến nỗi bản thân những lưu dân không còn nhớ ai là tác giả bản nhạc này. Ca khúc được hát liên tục tại các hội quán ở Paris hay London, cộng đồng người Nga hải ngoại hát nó như để nhớ lại những năm tháng ở quê nhà.
Trong số những người sống tại hải ngoại ấy, có nhạc sĩ/thi sĩ/kiến trúc sư Eugene Raskin (1909 - 2004), một người Mỹ gốc Nga và ông rất yêu bài hát này. Cho đến một ngày, sau khi nhìn lại cuộc đời mình, nhìn những thay đổi của cuộc sống xảy ra xung quanh, Raskin quyết định đặt lời Anh cho ca khúc với tên gọi Those Were The Days vào năm 1962. Ca khúc này được thu âm đầu tiên vào năm 1963 bởi nhóm tam tấu The Limeliters. Sau đó ca khúc được nhiều người biết đến hơn nhưng vẫn chưa lan rộng. Năm 1965, ca sĩ Paul McCartney của nhóm The Beatles trong một lần đến chơi hội quán Blue Lamp, nơi mà cặp vợ chồng Raskin - Francesca vừa từ Mỹ sang biểu diễn, đã mê mẩn ngay giai điệu gypsy tuyệt đẹp được hát cùng tiếng guitar bập bùng mang đầy không khí Nga. Thế nhưng phải 3 năm sau, khi Hãng đĩa Apple ký hợp đồng ghi âm với cô gái 17 tuổi đến từ xứ Wales, Mary Hopkin, Paul mới biết sẽ phải làm gì với ca khúc ấy. Và phần còn lại đã trở thành lịch sử.
… đến đỉnh cao
Năm 1968, Hãng đĩa Apple được thành lập, loay hoay với những bản hợp đồng mới. Một buổi chiều, Paul McCartney nhận được điện thoại từ siêu mẫu Twiggy: “Này, hãy đến xem một cô nàng xứ Wales đang làm gì ở chương trình Opportunity Knocks kìa, cô ấy có một thanh quản bằng vàng đấy”. Một cuộc thử giọng được tổ chức vào ngay sáng hôm sau và kế tiếp là một bản hợp đồng khá nặng ký. Lúc đó Paul McCartney không ngần ngại đưa ngay Those Were The Days cho Mary Hopkin. Ở tuổi 17, cái tuổi chưa biết đến hoài niệm, Mary Hopkin đã hát bằng tất cả sự trong sáng của mình. Paul McCartney, một cao thủ của làng nhạc, đã phối lại ca khúc theo kiểu folk, kèm thêm dàn giây, kèn tuba, clarinet và đích thân anh đệm guitar cho phần thu âm này.
Tháng 8/1968, phiên bản mới này chính thức trình làng và ngay lập tức trở thành quán quân tại Anh, đồng thời lọt Top 5 tại Mỹ. Một cô nàng tóc vàng mới toanh, hát nhẹ như sơn ca cùng gương mặt thơ ngây như thánh nữ. Those Were The Days lúc này cho dù không mang phần nghĩa của bài gốc nhưng vẫn là sự hoài niệm, kể về người phụ nữ một ngày lạc vào tửu quán quen, nhớ những người bạn cũ, những ngày cũ chẳng bao giờ kết thúc, ngày mà tất cả đều nâng ly cười đùa và quên thời gian trôi…
Cũng cần phải nói thêm rằng phần lời Anh ngữ của Raskin rất hay, hay đến nỗi ông quyết định tự nhận mình là tác giả của cả nhạc lẫn lời. Và vì thế ai cũng tưởng ông là tác giả ca khúc này. Sau này Raskin nhờ vào tiền bản quyền mà trở nên rất giàu sụ, ông mua bất động sản ở khắp nơi, tậu cả xe Porsche, du thuyền…
Nhưng Raskin vẫn không thể bằng Hopkin về mặt danh tiếng. Chỉ với ca khúc này, cuộc đời cô gái tóc vàng đã hoàn toàn thay đổi. Cô được yêu mến khắp mọi nơi. Those Were The Days đã được Hopkin hát bằng 5 thứ tiếng, chưa kể ca khúc này được chuyển ngữ sang 20 quốc gia với nhiều giọng ca khác nhau. Those Were The Days đã đem về cho Hãng Apple 8 triệu đĩa hát được bán ra và đưa Mary Hopkin trở thành ngôi sao sáng nhất lúc ấy. Câu điệp khúc “Those were the days, my friend” trở thành câu cửa miệng của dân sành điệu ngày ấy và sau đó câu hát này trở thành tên một chương trình truyền hình thực tế. Năm 2008, vợ cũ của John Lennon, Cynthia, đã hát lại ca khúc này như để nhớ lại những năm tháng tuyệt đẹp đã từng sống cùng John.
Nhưng Those Were The Days cũng từng gắn với những khoảnh khắc đen tối. Giáng sinh năm 1975, tại Sân vận động Quốc gia, Tổng thống Francisco Marcias Nguema của quốc gia Guinea Xích đạo đã cho tử hình 150 người tham gia cuộc đảo chính bất thành. Từng người đã ngã xuống trong tiếng nhạc của ban quân nhạc đang chơi bài Those Were The Days.
Ca khúc tồn tại 4 phiên bản tại Việt Nam. Đầu tiên là Phạm Duy với Nhớ lúc yêu nhau, ca sĩ Thanh Lan với tựa Tuổi thanh xuân, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trí đã đặt thêm lời mới là Như lá Thu vàng. Còn phiên bản được biết đến nhiều nhất, Tình ca du mục, thì đến nay vẫn chưa biết ai là tác giả thật sự của phần lời rất đẹp này.
Như hai câu cuối của phiên bản tiếng Anh, Bạn của tôi ơi, năm tháng làm chúng ta già đi nhưng cũng chẳng khôn ngoan hơn. Bởi trong trái tim ta, những giấc mơ ngày xưa, vẫn y như vậy, Those Were The Days cũng sẽ như vậy trong niềm nhớ của nhiều thế hệ.
Tình ca du mục (lời Việt) Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời. Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng. Tìm em năm tháng thấy đâu hình bóng nàng. Em thân yêu ơi, biết em giờ đây nơi đâu? Nhắn giúp cho ta chim ơi! Nhắn giúp cho ta mây ơi. Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào. Lần theo dấu vết em đi, Tìm đâu cho thấy em yêu. Tình yêu bốc cháy, trong tim phút giây nào nguôi. Tháng tháng năm năm trôi qua. Gió tuyết mưa rơi sương sa. Tình anh vẫn xanh như lá cây trong mùa Xuân La la la la... Dù cho năm tháng phôi phai hình bóng nàng. Dù thời gian có xóa tan bao ước vọng. Hàng mi đen láy như nhung vì nắng chiều Trên vai em tôi, nỗi buồn dài đôi bím tóc. |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần