Giá vàng hôm nay 28/1 cập nhật mới nhất diễn biến thị trường
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay ngày 28/1 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng châu Á giảm trong phiên 28/1 khi đồng USD hấp dẫn nhà đầu tư
Tại Việt Nam, chiều ngày 28/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,00- 56,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng tại châu Á giảm trong phiên 28/1, khi các nhà đầu tư đổ tiền vào tài sản an toàn là đồng USD, sau khi các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nêu lên quan ngại về tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ.
Giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống 1.834,59 USD/ounce vào lúc 14 giờ 44 phút (theo giờ Việt Nam). Giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 18/1 là 1.830,8 USD/ounce trong phiên 27/1. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6%, xuống 1.833,5 USD/ounce.
Nhà phân tích của IG Market, Kyle Rodda, cho rằng thị trường có thể đã rất thất vọng khi Fed không có thêm động thái nào về định hướng chính sách hay triển vọng của các biện pháp kích thích, do đó các tài sản rủi ro xuống giá, còn đồng USD tăng giá và vàng chịu sức ép.
Fed nhận định tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế và việc làm tại Mỹ khiêm tốn trong những tháng gần đây, nhưng giữ nguyên lãi suất và chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp vừa qua.
Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên giá vàng là gói kích thích kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD chưa được đảng Cộng hòa "bật đèn xanh" do những lo ngại về quy mô.
Đồng USD ở gần mức cao nhất trong hơn một tuần đạt được vào phiên trước, khi các thị trường chứng khoán giảm điểm.
Tuy nhiên, nhà tư vấn về Nam Á của Metals Focus, Harshal Barot, cho rằng nếu các thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang mua vàng trở lại. Theo ông, sẽ có thêm các biện pháp tiền tệ và tài khóa được thực hiện trên toàn cầu. Có những lo ngại về giá trị của các thị trường chứng khoán, nợ công, do đó tình hình kinh tế vĩ mô vẫn rất có lợi cho vàng.
Trong phiên này, giá bạc giảm 1,4%, xuống 24,9 USD/ounce và giá bạch kim giảm 1,4%, xuống 1.051,14 USD/ounce. Giá palladium giảm 0,3%, xuống 2,296,55 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/12 trước đó trong phiên.
Giá vàng giảm 100 nghìn đồng/lượng
Giá vàng trong nước sáng 28/1 giảm theo giá vàng thế giới.
Mở cửa sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,05 - 56,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 120 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, niêm yết ở mức 56,1 - 56,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất hơn một tuần qua trong phiên giao dịch đêm 27/1 bởi lo ngại của giới đầu tư về gói kích thích kinh tế của Mỹ, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên khi thị trường chờ đợi quyết định chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
- Giá vàng hôm nay 27/1 cập nhật mới nhất diễn biến thị trường
- Giá vàng hôm nay cập nhật mới nhất diễn biến thị trường
Chuyên gia thị trường cao cấp thuộc RJO Futures, Bob Haberkorn cho rằng trước thời điểm Ủy ban Thị trường mở của Fed đưa ra thông báo, thị trường cổ phiếu giảm thấp và đồng USD bắt đầu hồi phục một chút, điều này tạo áp lực đè nặng lên thị trường vàng. Ông Haberkorn nhận định rằng gói cứu trợ 1.900 tỷ USD là khá tham vọng và ông không nghĩ Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được sự hỗ trợ đủ để thông qua khoản cứu trợ lớn này.
Đồng “bạc xanh” tăng trở lại mức cao nhất trong hơn một tuần qua, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Kết thúc cuộc họp hai ngày 26-27/1, Fed cam kết sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch COVID-19. Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ có xu hướng ảnh hưởng mạnh tới lãi suất trái phiếu chính phủ, và sẽ làm tăng sự hấp dẫn của vàng.
Tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 28/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.147 VND/USD, tăng 3 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.841 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.452 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá đồng USD biến động nhẹ và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh.
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 22.940 - 23.150 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 22.970 - 23.170 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.507 - 3.611 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại Vietinbank, giá đồng bạc xanh được điều chỉnh giảm 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua, niêm yết ở mức 22.918 - 23.165 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này niêm yết ở mức 3.517 - 3.627 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 11 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Thị trường chứng khoán “lao dốc” theo phương thẳng đứng khi mở phiên sáng 28/1
Nối tiếp đà giảm từ phiên 27/1, mở cửa phiên sáng 28/1, thị trường chứng khoán lao dốc theo phương thẳng đứng, sắc đỏ phủ kín bảng giá điện tử.
Theo đó, tính đến thời điểm 9 giờ 22 phút, VN - Index giảm tới 51,3 điểm xuống 1.045,87 điểm. Toàn sàn có 1.046,75 điểm. Toàn sàn có tới 425 mã giảm giá; trong đó có 75 mã giảm sàn và chỉ có 9 mã tăng giá.
HNX - Index giảm 12,27 điểm xuống 208,84 điểm. Toàn sàn có tới 132 mã giảm và cũng chỉ có 9 mã tăng giá. Chỉ số UPCoM – Index giảm 2,39 điểm xuống 72,07 điểm. Toàn sàn có 121 mã giảm giá và chỉ có 26 mã tăng giá.
Thị trường sẵn đà giảm mạnh khi phiên hôm nay thị trường cũng đón nhận thêm thông tin phát hiện 2 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh.
Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, 30 mã cổ phiếu trong rổ cổ phiếu VN30 đều ở chiều giảm giá. Các mã giảm mạnh như ROS, SBT, SSI, VRE giảm xuống giá sàn. Các mã lớn khác như VIC, VHM, VNM, VJC, HPG, SAB, MSN.... đều có mức giảm rất sâu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không còn mã nào tăng giá, tất cả các mã đều ở chiều giảm giá; trong đó, KLB và PGB giảm xuống giá sàn. Các mã ngân hàng khác cũng có mức giảm rất lớn đều ở mức hơn 3% đến gần 12%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau giảm sàn và cũng không còn mã cổ phiếu nào ngành này có thể giữ nổi sắc xanh. Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, hàng loạt mã giảm giá mạnh như PVB, PVC, PVD, PVS, BSR, OIL, PLX....
Đến 9 giờ 40 phút, VN – Index giảm còn giảm gần 48 điểm, trong khi HNX – Index giảm hơn 12 điểm.
Trước đó, chứng khoán Âu - Mỹ cùng giảm mạnh trong phiên 27/1 do những lo ngại về định giá cổ phiếu và triển vọng kinh tế Mỹ.
Chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống trong phiên 27/1, trong bối cảnh có những lo ngại về việc định giá cổ phiếu đang cao quá mức và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra đánh giá thận trọng cho triển vọng nền kinh tế này.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,1% xuống 30.303,17 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 2,6% xuống 3.750,77 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 2,6% và khép phiên ở mức 13.270,6 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,3% xuống 6.567,37 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1,8% xuống 13.620,46 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 1,2% xuống 5.459,62 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1,6% xuống 3.536,38 điểm.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, các nhà đầu tư chứng khoán tại châu Á thận trọng trong phiên 27/1, khi họ đặt kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế trong dài hạn, nhưng đồng thời cũng quan ngại trước mắt về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và các biến thể của virus cũng như tốc độ tiêm chủng vaccine diễn ra chậm.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,3%, chốt phiên ở mức 28.635,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,1%, lên 3.573,34 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,3%, xuống 29.297,53 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 17,75 điểm, hay 0,57%, xuống 3.122,56 điểm.
Nhóm P.V