'Bài hát Việt 2015': Tiếc vì 'Em chẳng phải đồ ngốc' quá... thường!
Nhìn chung chương trình đêm mở màn gọn gàng, sinh động với phần biểu diễn mở đầu của nhóm FB Boiz và phần kết thúc chương trình của Lưu Hương Giang “bao bọc” phần trình diễn 6 ca khúc dự thi.
“Bài hát Việt” làm mới
Việc giảm từ 9 ca khúc trong mỗi live show còn 6 ca khúc như năm nay và có thêm phần nhận xét của 1 đại diện Hội đồng thẩm định sau từng 2 ca khúc được trình diễn làm chương trình đỡ “nặng” và bớt cảm giác đơn điệu. Đây cũng được xem là “bất ngờ” và là sự đổi mới mạnh dạn củaBài hát Việt trong trào lưu truyền hình thực tế.
Tuy nhiên, phần nhận định của các thành viên Hội đồng thẩm định còn “nhạt nhòa” chưa tạo được sự thu hút như phần nhận xét của giám khảo ở vài chương trình như Giọng hát Việt, Vietnam Idol… dù họ từng là gương mặt “có số” ở một vài chương trình truyền hình thực tế khác như Quốc Trung, Huy Tuấn…
Nếu xét đến khía cạnh chính của Bài hát Việt - nơi giới thiệu những ca khúc mới sáng tác - những ca khúc xuất hiện tại Bài hát Việt gần như mặt định là có tính chuyên môn cao bên cạnh việc nỗ lực hòa nhập vào thị trường âm nhạc. Đêm 29/5 Bài hát Việt cũng có những ca khúc đáng chú ý.
Ca khúc Phai của Vũ Cát Tường đoạt giải Bài hát tháng được xem là một ca khúc tròn trịa theo xu hướng “văn minh hiện đại” chứ thật sự chưa phải là ca khúc xuất sắc, gây ấn tượng mạnh cho người nghe. Ca khúc này cũng nhận được giải Nhạc sĩ phối khí hiệu quả (nhạc sĩ Sơn Hải).
Ca khúc để lại nhiều cảm xúc và mang chất Việt có lẽ là Đồng dao mùa Hè của Đinh Kai với giai điệu hồn nhiên, trong trẻo. Ca khúc này do Đinh Kai và Tạ Quang Thắng thể hiện. Chất giọng của Đinh Kai rất phù hợp với giai điệu ca khúc, phần thể hiện của Đinh Kai cũng rất hiệu quả, nhưng chất giọng của Tạ Quang Thắng thì chưa hợp lắm với giai điệu ca khúc và chất giọng của Đinh Kai, tuy đây là tiết mục nhận được giải Ca sĩ thể hiện hiệu quả của Hội đồng thẩm định.
Hai ca khúc Cảm xúc đầu tiên (Nguyễn Tùng) và Sài Gòn tôi yêu (Đoàn Nhược Quý) được cho là “chấp nhận được”. Trong khi đó, ca khúc Lạ (Đạt Nguyễn) giai điệu hơi cũ kỹ và ít cảm xúc.
Ngỡ ngàng với ca khúc “Bài hát Việt”
Nhưng điều gây ngỡ ngàng cho khán giả là ca khúc Em chẳng phải đồ ngốc (Trương Thảo Nhi).
Nếu một số ca khúc trước đây bị đánh giá thấp về mặt tổ chức âm nhạc để hình thành giai điệu vì quá phụ thuộc vào âm điệu lời thơ, chúng được giới sáng tác cho là “hát thơ”, thì ca khúc của Trương Thảo Nhi có thể gọi là “hát nói”. Một ca khúc quá bình thường về ca từ, giai điệu lẫn hòa âm ẩn chứa trong giai điệu và một giai điệu như vậy thì khó có thể nói đến việc xây dựng hình tượng âm nhạc.
Ca khúc có đệm thêm những “eh eh”, “eh oh” rất teen nhưng cũng rất… thường, mặt khác giọng của Trương Thảo Nhi không phải thuộc loại đặc biệt hoặc cá tính, trong ca khúc này hát lời lại không rõ.
Nỗ lực đưa Bài hát Việt đến với đông đảo khán giả trẻ là điều rất thiết thực. Tuy nhiên, việc giới thiệu một ca khúc quá bình thường trong một chương trình đề cao yếu tố tay nghề của người sáng tác như Bài hát Việt dễ đưa đến ngộ nhận về sự nghèo nàn của lĩnh vực sáng tác ca khúc và vô tình “nghiệp dư hóa” chương trình. Ca khúc này xuất hiện trong Bài hát Việt không giúp cho chương trình gần gũi với thị trường mà nó làm cho chương trình giảm tính chuyên nghiệp.
Nguyễn Hoàng
Thể thao & Văn hóa