Bài 2: Phát triển thương hiệu du lịch biển đảo
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam chú trọng phát triển thương hiệu du lịch biển đảo, làm động lực cho kinh tế biển, góp phần đưa nước ta thành quốc gia giàu và mạnh về biển.
Khai thác các đảo lớnViệt Nam có các huyện đảo gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vỹ, Cát Hải, Vân Đồn, Cô Tô, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Kiên Hải, và Phú Quốc.
Đề án quy hoạch phát triển kinh tế đảo định hướng đến năm 2020 xác định tập trung phát triển du lịch chất lượng cao trên ba huyện đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc nhằm biến các huyện đảo này thành những ô cửa sổ mở ra thế giới.
Theo ông Ngô Hoài Chung, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt cơ chế mới nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao trên ba huyện đảo này. Theo đó, Vân Đồn sẽ có cảng biển, cảng hàng không quốc tế và casino. Với các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao, tiềm năng du lịch sinh thái biển đảo, và mạng lưới các địa danh Hạ Long, Cát Bà và Móng Cái, huyện đảo Vân Đồn được kỳ vọng sẽ trở thành những điểm hút khách hàng đầu.
Bãi Sao, Phú Quốc
Côn Đảo có tiềm năng lớn vì nằm rất gần đường hàng hải quốc tế, vừa có vườn quốc gia Côn Đảo, và khu di tích lịch sử cách mạng. Côn Đảo từng được Tạp chí Lonely Planet bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2017. Còn tạp chí Travel and Leisure cũng mô tả Côn Đảo là một trong những hòn đảo kỳ thú nhất hành tinh. Sự kết hợp du lịch sinh thái biển đảo với di tích văn hoá lịch sử sẽ đưa Côn Đảo thành một điểm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam.
Đặc biệt, đảo ngọc Phú Quốc được thử nghiệm rất nhiều cơ chế đặc thù cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Các nhà đầu tư chiến lược được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt. Cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các ngành dịch vụ phục vụ du lịch như thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông đang được phát triển nhanh. Du khách quốc tế đến Phú Quốc được miễn visa tới 30 ngày. Đây là những nỗ lực nhằm biến Phú Quốc thành một đặc khu kinh tế.
Ngoài ra, rất nhiều các đảo danh khác đang trở nên ngày càng hấp dẫn với du khách, như Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Cát Bà - Cát Hải (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Hướng đến hệ thống đảo nhỏ
Việt Nam còn có hơn 2.700 đảo nhỏ hoang sơ. Theo TS. Dư Văn Toán mô tả mỗi hòn đảo này giống như một chiến hạm bất khả chìm, vừa có vai trò xác lập chủ quyền quốc gia trên biển, vừa là điểm tựa để phát triển kinh tế biển. Cần phải xem các đảo nhỏ xa bờ là các “kho vàng” trên biển để có kế sách khai thác và phát triển hợp lý.
Thế giới đã có rất nhiều mô hình đảo du lịch nổi tiếng, như Hawaii của Mỹ, Aukland của New Zealand, hay quần đảo Maldives. Việt Nam không thiếu tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. Đảo Hòn Tre (Nha Trang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) có thể xem là những mô hình khai thác du lịch hải đảo hiệu quả, Ts Toán nói.
Đảo Hòn Tre, Nha Trang. Ảnh: TTXVN
Ts Toán cho rằng, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các vùng biển ven bờ khó tránh khỏi những tác động ô nhiễm tại chỗ hoặc dịch chuyển từ các hoạt động sản xuất kinh tế và sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, đời sống vật chất của người dân tăng, nhu cầu du lịch ngày càng cao, dẫn tới tình trạng quá tải ở các bãi tắm truyền thống, kể cả ở các khu dịch vụ cao cấp. Nếu không đáp ứng tốt nhu cầu, người dân ắt sẽ đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, các hòn đảo cách bờ từ 20-50km, với thiên nhiên hoang sơ, bãi đẹp, nước trong vắt, xanh thẳm sẽ là cứu cánh cho du lịch biển đảo trong tương lai.
Cơ hội vàng từ APEC Vietnam 2017
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch biển đảo thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 200.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam đã và đang tranh thủ mọi thời cơ phát triển du lịch biển đảo theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Theo Ts. Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, TCDL, năm 2017 được xem là “cơ hội vàng” cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch biển đảo. Với vai trò chủ nhà APEC 2017, tại các phiên họp, Việt Nam luôn tranh thủ giới thiệu thắng cảnh thiên nhiên, con người và cơ sở vật chất của các địa danh du lịch tới các đại biểu tham dự.
Thực tế là không phải đến năm 2017 ngành du lịch mới vào cuộc để tranh thủ thời cơ vàng này. Ngay từ khi xác định đăng cai APEC 2017, Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động chú trọng tới phát triển du lịch, từ việc chọn địa điểm tổ chức các hoạt động, cho tới xác định trọng tâm của các cuộc thảo luận.
Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM 1), ngày 23/2/2017, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Nhóm công tác về du lịch (TWG) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, thể hiện sự chủ động của du lịch APEC trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm hưởng ứng Năm quốc tế về du lịch bền vững 2017 do Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO) phát động. Sắp tới Đối thoại cấp bộ trưởng về phát triển du lịch bền vững trong khuôn khổ APEC 2017 sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 6/2017.Tại hội nghị, Việt Nam sẽ giới thiệu các hoạt động hưởng ứng mục tiêu chung của Liên hiệp quốc về phát triển du lịch bền vững, qua đó thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển du lịch bền vững, Ts. Lê Tuấn Anh cho biết.