Bà hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên và 'Luật im lặng'
(Thethaovanhoa.vn) - Rốt cuộc thì bà hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên đã bị cách chức. Chủ tịch UBND Hà Nội nói rằng, sau việc cách chức ấy là tiếp tục tiến hành cuộc điều tra và dư luận ủng hộ ông. Họ nức lòng vì cuối cùng, công lý cũng đã được tiệm cận, và bà hiệu trưởng, một ví dụ điển hình về sự tha hóa, dối trá và lạm dụng quyền lực, đã bị mang ra chỉ trích một cách nặng nề.
- VIDEO: Toàn cảnh vụ việc cách Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên
- Công bố quyết định cách chức hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên
- Hiệu trưởng của năm và ông bố của năm
Buổi công bố quyết định cách chức hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Ảnh: Gia Hoàng
Cụ thể: Tại sao một bà hiệu trưởng có thể áp đặt “luật im lặng” lên các học sinh cũng như giáo viên trong trường, để rồi vụ việc tày trời liên quan đến của một cậu bé chỉ có thể được dư luận biết đến khá lâu sau khi xảy ra? Tại sao người ta sẵn sàng sử dụng quyền lực để áp đặt sự giả dối lên tất cả và không sợ dư luận, không ngại bị quả báo? Tại sao điều ấy đã xảy ra không chỉ ở một ngôi trường nhỏ thủ đô mà còn ở nhiều nơi khác, lĩnh vực khác nữa?
Bởi vì người ta im lặng và sợ hãi khi cảm thấy quyền lợi của họ có thể bị mất nếu nói sự thật. Im lặng trở thành đồng lõa. “Luật im lặng” chính là luật mà mafia đã áp đặt lên những ai trực tiếp hoặc gián tiếp can dự đến những tội ác của chúng.
Chỉ có sự dũng cảm của họ, cùng một cơ chế đủ mạnh và hiệu quả để bảo vệ họ, mới có thể đưa tội ác ra ánh sáng. Bà hiệu trưởng không phải mafia, nhưng ban đầu đã khiến nhiều người không thể lên tiếng. Lên tiếng có thể mất danh hiệu, mất thành tích, chỗ làm, chỗ học... lắm chứ. Đấu tranh có thể đồng nghĩa với mất mát. Biết bao câu chuyện đau lòng khác đã xảy ra trong những ngôi trường mà chúng ta không hề được biết, vì sự im lặng có chủ đích của những người quản lí nhằm bảo vệ họ khỏi tai tiếng và kỉ luật.
Biết bao nhiêu sự việc sẽ chìm trong bóng tối và sẽ không ai biết được nếu như không có những người dũng cảm lên tiếng, trên báo chí, trên mạng xã hội. Ông bố phải lên tiếng, đương nhiên, bởi đấy là con anh. Nhưng những giáo viên đã dũng cảm lên tiếng mới đáng nói. Họ không phải là người hùng. Họ chỉ không muốn đồng lõa với sai trái và lạm dụng quyền lực.
Nhưng trong sự việc, bao trùm tất cả vẫn là một không khí bi quan, dù dư luận đã hả hê, vì cái xấu vẫn lởn vởn quanh ta, và bạo lực và đe dọa, chứ không phải lí lẽ và luật pháp đã được thực thi. Và cả sự tổn thương của niềm tin nhiều người. Ai sẽ trả lại cho con cái chúng ta những ngôi trường mà ở đó, chúng được học điều hay, lẽ phải và hành xử văn minh như trong chuyện Totochan và Những tấm lòng cao cả mà chính chúng ta đã mơ ước được như thế?
Ai sẽ bảo vệ chúng ta khi dám nói lên lẽ phải, trước một số đông vẫn chọn cách im lặng để được an toàn, như một ví dụ đơn giản, là buộc những kẻ đi ngược chiều hoặc vượt đèn đỏ không dám lớn tiếng gây gổ đe dọa khi một người bình thường nào đó nhắc nhỏ?
Nếu những người tử tế không lên tiếng, hệ thống pháp luật không thể bảo vệ được họ và các giá trị sống không được tôn trọng, “luật im lặng” sẽ ngự trị.
Trương Anh Ngọc