Bà cụ ở thương xá Tax
(Thể thaovanhoa.vn) - 1. Đã từ rất lâu, người dân và những hộ kinh doanh tại “khu đất vàng” thương xá Tax, nằm tại góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã quen thuộc hình ảnh một bà cụ già thường ngồi ở gốc cây trên vỉa hè, nơi những du khách cả tây lẫn ta bách bộ, mua sắm tại khu vực đẹp nhất của quận 1, TP HCM.
Bà đã ngoài 80 tuổi với làn da nhăn nheo, ngăm đen, dáng người nhỏ thó và xung quanh bà là những loại trái cây nhưng mỗi thứ một ít, vài thanh kẹo cao su, vài bao thuốc lá... Thực sự đó là một hình ảnh khá lạ và đối nghịch với một khu trung tâm mua sắm sầm uất ở phố... du lịch.
Bà cụ bán hàng trong trên vỉa hè thương xá Tax
Bà tên là Trương Thị Lệ, quê ở Cần Đước, Long An và mỗi ngày tầm khoảng 9 giờ sáng, bà lại đến đây bán “mớ” trái cây ít ỏi của mình sau khi làm một chuyến hành trình dài lên tận chợ đầu mối nông sản Thủ Đức từ quận 8 bằng xe buýt vào lúc tờ mờ sáng. Mỗi ngày, bà kiếm được 20 - 30 ngàn đồng tiền lời.
Đôi khi bà cũng được thêm phần tiền từ những vị khách từ chối nhận lại tiền thừa khi mua ít trái cây, bao thuốc lá... của bà. “Tôi không bao giờ xin tiền của ai. Chỉ khi người ta không nhận tiền thối lại thì bà mới dám nhận. Trước đây tôi làm đủ nghề, nay già yếu rồi nhưng ông trời thương nên tôi ít bệnh tật để còn tự nuôi sống mình” - bà nói.
Bà kể, hiện bà đang “ở đậu” nhà người quen ở quận 8. Bà có 3 người con (2 nam, 1 nữ), người con cả năm nay đã xấp xỉ 60 tuổi. Thế nhưng, đã từ lâu lắm rồi, dễ đến 5 - 6 năm qua, chẳng có đứa con nào đến thăm bà và bà cũng chẳng biết những đứa con ấy đang ở đâu, làm gì. Mà bà chỉ nhớ rằng: “Cứ cách vài năm mới về thăm bà, tụi nó lập gia đình rồi ở đâu đó xa lắm. Lần cuối cùng là 5 - 6 năm trước, có đứa ghé thăm bà và nói nghèo lắm không có tiền để lên đây thăm bà nữa rồi đi luôn đến tận bây giờ”.
2. Những người dân, hộ kinh doanh xung quanh thương xá Tax cũng cảm thương cho số phận của một bà cụ thay vì được an hưởng tuổi già, được cháu con chăm sóc vẫn phải “đội nắng, dầm mưa” lo miếng cơm, manh áo. Bên bọc ni lông đựng vài chục ngàn tiền lẻ, là một hộp phở bà đang ăn dở dang và một hộp cháo, bà nói rằng: “người ta mới cho bà, những hộp thức ăn này đủ để bà dùng cả ngày”.
Vào ngày rằm 15 của tháng 7 âm lịch, cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu, tất cả chùa chiền trong thành phố tấp nập phật tử đến viếng chùa, thắp nhang cầu mong cho cha, mẹ, ông, bà của mình mạnh khỏe hoặc mong cho vong linh của ông, bà, cha, mẹ đã “đi xa” được siêu thoát. Có những người còn dẫn cả con, cháu của mình lên chùa lễ Phật để giáo dục truyền thống luôn nhớ về tổ tiên. Và cũng trong những ngày này, nhiều người con, dù có làm việc ở đâu xa xôi, vẫn cố gắng quay về gia đình hoặc chí ít là cuộc điện thoại để thăm hỏi, thể hiện lòng hiếu thuận của mình đối với bậc sinh thành.
Không chỉ như vậy, nhiều phật tử, nhiều bạn trẻ đã tổ chức những chuyến đi làm từ thiện nhân mùa Vu lan. Những món quà nhỏ, những lời hỏi thăm ân cần gửi đến các cụ già neo đơn như tại chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chùa Bình An (quận Bình Tân, TP.HCM)... để các cụ già neo đơn, nguôi ngoai nỗi nhớ con cháu ở tuổi xế chiều.
Cũng trong ngày lễ Vu lan, bà cụ Trương Thị Lệ vẫn ngồi nơi vỉa hè tại thương xá Tax quen thuộc, xung quanh bà là những bịch trái cây, vài bao thuốc lá, vài thanh kẹo cao su... Một dáng người nhỏ, làn da ngăm đen và đôi bàn tay run rẩy, nhăn nheo... vẫn đang phải mưu sinh giữa cuộc sống nhộn nhịp, hối hả của Sài Gòn.
Nhắc đến ngày lễ báo hiếu này, bà đã bật khóc vì đã từ rất lâu không thấy những đứa con mình nuôi nấng từ thuở lọt lòng đến thăm nom.
Anh Đức