Ayrton Senna: 25 năm vẫn còn mãi
(Thethaovanhoa.vn) - Ayrton Senna đã tạo cảm hứng cho cả một thế hệ tay đua, không chỉ có Michael Schumacher và Lewis Hamilton, theo đuổi sự vĩ đại trên chiếc xe Công thức 1 (F1) và đến giờ, quỹ từ thiện của anh vẫn tiếp tục thay đổi cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh tại Brazil.
Sức ép tạo nên những điều thú vị trong suy nghĩ của con người. Đối với Sebastian Vettel vào lúc này, sức ép của tay đua người Đức là việc anh đã không giành được chức vô địch F1 thế giới trong 5 năm qua. Đối với Lewis Hamilton, sức ép là khát vọng chiến thắng liên tiếp.
Còn đối với Ayrton Senna, đó là gánh nặng của cả một đất nước.
Gánh nặng của cả một dân tộc
Nghe có vẻ hơi quá nhưng mong muốn giành chiến thắng của Senna chắc chắn lớn hơn của Hamilton - có lẽ vì vậy mà anh đã đâm vào xe Alain Prost tại đường đua ở Suzuka năm 1990 - trong khi nỗi thất vọng vì để mất chức vô địch năm 1992 và 1993 đè nặng tâm trí đến mức khiến anh quyết định chuyển từ McLaren sang Williams. Mặc dù vậy, trên tất cả quyết tâm, nỗ lực của bản thân, niềm tin vào Chúa làm Senna tin rằng, Chúa sẽ đưa anh đến chiến thắng, rằng trong danh sách đối thủ của anh còn có thêm Michael Schumacher, rằng chiến thắng là nhiệm vụ của anh đối với người dân Brazil. Anh không thể thua. Anh không thể bỏ cuộc.
Trước khi rời Brazil tham dự chặng San Marino Grand Prix năm 1994, Senna có ngồi trò chuyện với chị gái Vivianne để bàn xem anh có thể giúp đỡ nhiều hơn cho người nghèo. Trước đó, tay đua 3 lần vô địch F1 đã dành tặng một số tiền rất lớn vào các hoạt động từ thiện, mặc dù thế, vấn đề giảm nghèo của Brazil rất phức tạp và vì vậy, Senna quyết định hành động nhiều hơn. Họ đồng ý bàn lại vấn đề này thêm nữa khi anh hoàn tất chặng đua đầu tiên ở châu Âu trong tháng 5. Thế nhưng, Senna đã không thể gặp chị gái Vivianne một lần nữa.
Cái chết của tay đua người Brazil đúng ngày 1/5 cách đây 25 năm đã khiến cả thế giới sững sờ và không riêng gì cộng đồng đua xe. Trước đó một ngày, 30/4, cũng đánh dấu 25 năm ngày mất của Roland Ratzenberger, tay đua người Áo đã thiệt mạng ở vòng loại San Marino Grand Prix tại Imola. Tuy vậy, cuộc đua vẫn phải tiếp tục bất chấp những nguy hiểm đeo bám các tay đua, thậm chí là rất nguy hiểm khi các biện pháp an toàn chưa được như hiện nay. Đáng buồn là Ratzenberger không phải là tay đua cuối cùng thiệt mạng sau vô lăng chiếc F1.
Về phần Senna, anh đã không có được tâm trạng tốt nhất khi đến Imola. Việc chuyển sang Williams diễn ra không như kế hoạch do chiếc FW16 khó lái đến khó tin nếu không có hệ thống kiểm soát độ bám đường và hệ thống treo chủ động đã bị cấm ở mùa giải đó. Cộng thêm hai lần bỏ dở ở chặng Brazilian và Pacific Grands Prix khiến anh không được điểm nào trên bảng xếp hạng và kém tới 20 điểm so với Schumacher khi chặng đua mới tổ chức ở Imola. Theo Senna, chiếc Benetton của Schumacher đã sử dụng hệ thống kiểm soát độ bám đường bởi nó vẫn ở trên đường đua dù văng ra ngoài ở góc cua đầu tiên tại Aida.
Sau cùng thì những sự cố diễn ra quanh cái chết định mệnh của Senna được ghi lại không giống với bất cứ tai nạn nào trong lịch sử F1, ngay cả khi những lí do thực về việc chiếc Williams mất lái ở tốc độ 305km/giờ không được biết. Mặc dù vậy, một điều chắc chắn là Senna không ở trong trạng thái tinh thần tốt nhất sau khi anh thấy người đồng hương Rubens Barrichello thoát chết ở buổi chạy thử hôm thứ Sáu và chứng kiến vụ tai nạn của Ratzenberger khi đang ở trong garage của mình. Cảm giác lúc đó của Senna là anh co rúm lại khi tận mắt nhìn thấy thảm họa, trước lúc anh quay đi trong tâm trạng rất sốc vì cái chết của tay đua người Áo.
Ngày Senna đi vào huyền thoại
Cho đến bây giờ, thế giới vẫn nhớ và tri ân Senna. Anh luôn được xem là một trong những nhân vật độc đáo và thú vị mà thể thao được chứng kiến. Cùng với tài năng thiên bẩm, có thể nói Senna đã trở thành một biểu tượng mà ít tay đua từng đạt được. Đáng tiếc, để buộc FIA cần thiết có những thay đổi toàn diện nhằm bảo đảm an toàn cho môn thể thao này, Senna đã phải trả giá. Chính xác thì cái chết của Ratzenberger mới chỉ cảnh báo các tay đua về việc cần có những thay đổi và trong khi Senna ngay lập tức trở thành chủ tịch của Hiệp hội các tay đua Grand Prix, anh cũng không tránh khỏi số phận. F1 và sự an toàn của các tay đua ngày càng được quan tâm bảo đảm, thế nhưng, Senna thì ra đi mãi mãi cùng với những dự định dang dở.
Nên nói thêm là khi được người bạn thân và chuyên gia y tế là Sid Watkins hỏi tại sao anh không rút lui sau vụ tai nạn của Ratzenberger, Senna đã trả lời “Tôi không thể”. Chỉ chừng đó thôi đủ nói lên mục tiêu của Senna, rằng anh không đua xe vì bản thân mình. Anh đua xe vì Brazil.
Khi Michael Schumacher cân bằng thành tích thắng 41 chặng của Senna tại Monza năm 2000, tay đua người Đức đã thể hiện một cảm xúc hiếm hoi là tuôn trào nước mắt. Schumacher và Hamilton đến giờ vẫn là hai tay đua hiếm hoi vượt qua thành tích 65 lần giành pole của Senna, cũng như được xem là những tay đua vĩ đại khi lần lượt giành 7 và 5 danh hiệu thế giới so với 3 của tay đua người Brazil.
Thế nhưng, bỏ qua những con số, điều biến Senna trở thành một huyền thoại là di sản mà anh để lại. Anh đã tạo cảm hứng cho cả một thế hệ tay đua, không riêng gì Schumacher và Hamilton, theo đuổi sự vĩ đại trên chiếc xe F1, trong khi quỹ từ thiện Ayrton Senna Foundation vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thay đổi với cuộc sống của những người kém may mắn tại Brazil. Ayrton Senna Foundation đã giúp đỡ hơn 50.000 trẻ em được đến trường và theo đuổi ước mơ trở thành Pele, Marta hay Senna.
Liệu Senna có giành thêm được danh hiệu thế giới nào nữa với sự nổi lên của Schumacher vào giữa thập niên 90 hay không? Duy có ngày 1/5/1994 sẽ được tất cả nhớ đến như một bi kịch của lịch sử F1, nhưng sau 25 năm, chúng ta có thể nói rằng, ít nhất một tia sáng đã lóe lên từ tuần đen tối của F1.
Mạnh Hào