Australian Open 2018: Vắng sao lớn, liệu có ảm đạm?
(Thethaovanhoa.vn) - Danh sách các tay vợt xin rút lui tại Australian Open 2018 ngày một dài. Sự hụt hẫng đối với người hâm mộ, đối với Ban tổ chức, nhưng lại là một cơ hội để khai phá ra những tài năng đầy triển vọng.
- Australian Open 2018: Serera rút lui, ai sẽ là ứng viên vô địch?
- Tennis ngày 25/2: Federer rao bán kỷ vật tại Australian Open. Murray đạt cột mốc đáng nhớ
- Vô địch Australian Open 2017, Federer trở lại top 10, Serena lên số 1 thế giới
Cách đây 16 năm, làng quần vợt đã vô cùng sửng sốt, khi Thomas Johansson, một tay vợt vô danh người Thụy Điển, đã đánh bại huyền thoại Marat Safin trong một trận đấu kéo dài 4 set, để lên ngôi vô địch tại giải Australian Open. Johansson thậm chí còn thiệt thòi hơn các tay vợt khác, khi không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ giải. HLV của anh, ông Magnus Tideman, đã phải cùng anh bắt một chiếc taxi để tới sân thi đấu, thay vì nhận được hỗ trợ di chuyển từ giải.
Nhưng dẫu sao, cũng phải thừa nhận rằng, chức vô địch năm ấy của Johansson phần nhiều cũng đến từ sự may mắn, khi hàng loạt những ngôi sao hàng đầu đều không thể tham dự giải. Agassi gặp chấn thương cổ tay, Andy Roddick thì trật khớp mắt cá chân, Lleyton Hewitt, Gustavo Kuerten, hạt giống số 1 và số 2 của giải thì đều sớm dừng bước ở các vòng đấu đầu tiên.
Tương tự với năm 2018. Cựu số 1 thế giới người Serbia, Novak Djokovic, người đã phải nghỉ thi đấu tới một nửa các giải trong năm 2017 vì chấn thương, nhiều khả năng cũng sẽ vắng bóng ở Australian Open. Hay Serena Williams, ĐKVĐ đơn nữ, cựu số 1 thế giới Andy Murray, số 1 châu Á Kei Nishikori, hay mới đây nhất là cựu số 1 WTA Victoria Azarenka, cũng đều không thể tham dự vì những lý do về sức khỏe, hoặc là những vấn đề cá nhân.
Trên thực tế, hầu hết người hâm mộ quần vợt ở Úc nói riêng và tất thảy mọi nơi trên thế giới nói chung, đều không thích sự bất ngờ. Nếu như Roger Federer, hay Rafael Nadal dự giải, ai cũng muốn một trong hai con người ấy giành chiến thắng. Có thể, người ta muốn được chứng kiến một kỳ tích, nhưng tốt hơn hết, kỳ tích ấy nên được xuất phát từ một người được yêu mến, hơn là từ một người mà chẳng ai biết đến.
Bằng không, cũng chẳng có gì đáng nói. Như một tia sáng lóe lên, rồi lại vụt tắt. Sẽ chẳng ai nhớ đến Johansson, bởi ngay sau kỳ tích ấy, anh cũng không gặt hái được thành công. Giống như sẽ chẳng ai nhớ đến một Lukas Rosol, người đã đánh bại Nadal vào năm 2012 ở Wimbledon, sẽ chẳng ai nhớ đến một Sergiy Stakhovsky đã từng đánh bại Federer cũng ở Wimbldedon, vào năm 2013. Còn rất nhiều những tay vợt như thế, những người vô danh, nhưng từng làm nên kỳ tích khi đánh bại các tay vợt được nhiều người yêu mến. Nhưng rồi, chẳng mấy ai nhớ tới họ.
Phải chăng, quần vợt sẽ ngày càng nhàm chán, khi Federer, và Nadal, sẽ già đi, và giải nghệ?
Có lẽ là không. Tre già, măng mọc. Đó là quy luật tất yếu. Chúng ta vẫn còn có Alexander Zverev, nhà vô địch Rome Masters năm vừa rồi. Hay Dominic Thiem, Grigor Dimitrov, Karolina Pliskova, Garbine Muguruza,... Họ là những tay vợt rất đáng xem, và đáng để chúng ta kỳ vọng.
Australian Open năm nay chỉ xếp hạng 16 hạt giống thay vì 32 như trước, bởi thế, sự khắc nghiệt chắc chắn sẽ diễn ra từ những vòng đấu đầu tiên.
Lịch thi đấu và truyền hình trực tiếp Australian Open 2018 15/1: Vòng 1, 23h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 16/1: Vòng 1, 1h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 17/1: Vòng 2, 1h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 18/1: Vòng 2, 1h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 19/1: Vòng 3, 3h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 20/1: Vòng 3, 1h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 21/1: Vòng 1/16, 1h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 22/1: Vòng 1/16. Trực tiếp: K+, ESPN 2 23/1: Tứ kết, 1h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 24/1: Tứ kết, 6h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 25/1: Tứ kết, 1h và 6h. Trực tiếp: K+, ESPN 2 26/1: Bán kết đơn nữ, 1h30. Trực tiếp: K+, ESPN 2 Bán kết đơn nam, 6h30. Trực tiếp: K+, ESPN 2 27/1: Bán kết đơn nam, 6h30. Trực tiếp: K+, ESPN 2 28/1: Chung kết đơn nữ, 6h. Trực tiếp: K+, ESPN 29/1: Chung kết đơn nam, 6h. Trực tiếp: K+, ESPN |
Tuấn Tú