ASIAD 2023: Thái Lan vẫn là đại diện tiêu biểu nhất của thể thao Đông Nam Á
5 năm trước, với lợi thế chủ nhà, Indonesia là đoàn thể thao Đông Nam Á số một tại ASIAD khi giành tới 31 HCV và xếp thứ 4 chung cuộc. Nhưng tại kỳ Á vận hội năm nay, vị thế ấy rất có thể sẽ trở về với đoàn Thái Lan.
Cũng tại kỳ Á vận hội trước, Thái Lan xếp thứ 12 với 11 HCV, kế đó là Malaysia (hạng 14, 7 HCV), Việt Nam (hạng 16, 5 HCV), Singapore (4 HCV), Philippines (4 HCV), và Campuchia (2 HCV). Hai đoàn còn lại của Đông Nam Á trên bảng tổng sắp huy chương là Lào (2 HCB, 3 HCĐ), và Myanmar (2 HCĐ).
Thái Lan vẫn là lá cờ đầu của thể thao khu vực
Trước hết, hãy nhìn lại 31 tấm HCV của Indonesia – chủ nhà của ASIAD 2018 – đến từ đâu? Gần một nửa trong số đó (chính xác là 14 HCV) đến từ "quốc võ" Pencak Silat. Môn này không được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD 2023, nên rõ ràng Indonesia đã mất một "mỏ vàng" lớn.
Thực tế thì ngoại trừ kỳ ASIAD 2018 vừa rồi, thể thao Thái Lan vẫn đứng đầu Đông Nam Á tại đấu trường châu lục, kể từ năm 1998 đến nay. Vị trí của họ khá ổn định trong Top 10. Từ vị trí thứ 4 ở Bangkok 1998, thứ 6 ở Busan 2002, thứ 5 ở Doha 2006, thứ 9 ở Quảng Châu 2010, và thứ 6 ở Incheon 2014. Sự ổn định ấy dĩ nhiên không phải xuất phát từ may mắn. Nó lý giải việc tại sao Thái Lan thường xuyên thống trị ở các kỳ SEA Games, kể cả khi họ không phải là nước chủ nhà. Nói cách khác, thể thao Thái Lan đã vươn khỏi Đông Nam Á, và nằm ở tốp khá của châu lục.
ASIAD 2018 là kỳ Á vận hội đầu tiên sau 20 năm, Thái Lan không lọt vào Top 10, dù số HCV của họ vẫn ở mức 2 con số (11). Nhưng rất có thể ở ASIAD 2023 này, đoàn thể thao Thái Lan sẽ lấy lại vị thế của mình. Trong khi thành tích của Indonesia chắc chắn sẽ thấp hơn hẳn thì Thái Lan vẫn còn những nội dung thế mạnh tại Hàng Châu 2023 như cầu mây (4 HCV) và taekwondo (2 HCV) ở ASIAD 2018.
Tại ASIAD 2023, Thái Lan cũng là đoàn thể thao Đông Nam Á mang tới nhiều VĐV nhất với 934 người, hơn gấp đôi Singapore (431), Indonesia (415), gần gấp 3 lần Việt Nam (332), và vượt xa Malaysia (289). Đáng ngạc nhiên hơn, số lượng VĐV của họ thậm chí còn vượt cả chủ nhà Trung Quốc (887), hay các cường quốc như Nhật Bản (773), Hàn Quốc (867), để trở thành đoàn thể thao hùng hậu nhất Á vận hội, xét về số lượng VĐV.
Sức mạnh từ các môn thể thao Olympic
Tất nhiên, số một về lượng VĐV không đồng nghĩa với số một trên bảng tổng sắp huy chương. Và thực tế, người Thái cũng mới có 1 tấm HCĐ sau ngày thi đấu hôm qua. Song chắc chắn, những người làm thể thao nước này đã có những tính toán căn cơ về cơ hội đoạt huy chương của các VĐV, chứ không chỉ kéo đi đông cho… vui.
Các môn thể thao Olympic dĩ nhiên vẫn là điểm mạnh của Thái Lan so với các đoàn thể thao khu vực, dù ở SEA Games hay tại ASIAD. Mới đây, khi đoàn thể thao Thái Lan chỉ về nhì ở SEA Games 32 (giành 108 HCV so với 136 HCV của Việt Nam), người đứng đầu Thể thao Thái Lan Gongsak Yodmani tuyên bố với truyền thông rằng nếu tính về "các môn thể thao quốc tế", thì họ mới là số một khu vực. Khái niệm này là dành cho các môn thi đấu thuộc hệ thống Olympic và ASIAD.
Ông Gongsak cũng đã chỉ ra rằng Thái Lan đã giành tổng cộng 54 HCV ở "các môn thể thao quốc tế này", kế đó mới đến Việt Nam (52) và Indonesia (35). Một bằng chứng khác: Chủ nhà Campuchia giành tới 81 HCV, nhưng chỉ 10 trong số đó là đến từ các môn thể thao Olympic và ASIAD. Nghe thì có vẻ hơi bao biện, nhưng người Thái có lý của họ. Và thực tế, thành tích khi bước ra những sân chơi lớn hơn sẽ minh chứng cho điều đó.
Thực tế thì tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan và phần nào đó là Singapore, thực sự coi trọng các môn thể thao Olympic, xác định đó là trọng tâm chiến lược, đầu tư trong một thời gian dài. Họ đến ASIAD không chỉ với mục tiêu giành huy chương mà còn nhắm tới những tấm vé dự Olympic. Và chính sự duy trì xuyên suốt ấy sẽ là nền tảng cho thành công ở ASIAD.
Đoàn thể thao Trung Quốc đã giành được huy chương vàng đầu tiên tại ASIAD 2023 ở môn chèo thuyền rowing nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ hai mái chèo vào sáng hôm qua (24/9).
Hai VĐV của chủ nhà Trung Quốc, Zou Jiaqi và Qiu Xiuping đã chiến thắng với thời gian 7 phút 6,78 giây. Đứng thứ 2 và thứ 3 là các tay chèo của Uzbekistan và Indonesia. Hai VĐV của Uzbekistan là Luizakhon Islamova và Malika Tagmativa giành HCB trong khi Chelsea Corputty và Rahma Mutiara Putri của Indonesia giành HCĐ. Trong khi đó, Phạm Thị Thảo và Nguyễn Thị Giang về đích cuối cùng, xếp hạng 5/5 với thời gian 7 phút 33 giây 33. Tại kỳ ASIAD lần thứ 18 tổ chức tại Indonesia, rowing chính là môn thể thao mang về tấm HCV đầu tiên cho Thể thao Việt Nam, ở nội dung thuyền hạng nhẹ 4 nữ mái chèo đôi. Tuy nhiên, tại Á vận hội năm nay, nước chủ nhà Trung Quốc không đưa nội dung này vào chương trình thi đấu.