Argentina 3-0 Croatia: Scaloni hạ gục Croatia bằng ‘đòn hiểm’ như thế nào?
Muốn thắng đối thủ thì phải tìm ra điểm yếu của đối thủ và tấn công vào điểm yếu đó đồng thời không cho đối thủ cơ hội tấn công mình. Argentina đã đánh bại Croatia bằng cách đó.
Argentina làm "cửa dưới" để hạ gục Croatia
Dù được đánh giá cao hơn Croatia trước giờ bóng lăn nhưng Argentina đã làm điều họ chưa từng làm ở các trận trước đó. Đấy là chấp nhận cầm bóng ít hơn hẳn Croatia, tập trung phòng ngự bên sân nhà và rình rập thời cơ trừng phạt sơ hở của đối thủ.
Trận này Argentina chỉ cầm bóng 39%, ít nhất kể từ đầu giải. Họ chơi phòng ngự phản công trong phần lớn thời gian của trận đấu. Cầu thủ Argentina ít khi pressing cao bên sân Croatia mà thường là khi đối thủ đưa bóng đến khu vực 1/3 cuối sân của họ thì họ mới áp sát, vây ráp quyết liệt. Argentina luôn duy trì quân số đông đảo bên sân nhà mỗi khi Croatia cầm bóng để đảm bảo giảm thiểu khoảng trống, không cho đối thủ cơ hội đe doạ khung thành thủ môn Emiliano Martinez.
Tại sao Argentina lại chọn cách chơi như một đội "cửa dưới" trước Croatia? Thứ nhất, chất lượng kỹ thuật của các tiền vệ Croatia cũng như mối đe doạ tiềm tàng từ họ buộc Argentina phải cẩn trọng trong phòng ngự. Thất bại của Brazil trước Croatia ở tứ kết là lời cảnh báo và Argentina càng có lí do để tập trung phòng ngự, tránh nguy cơ bị Croatia tận dụng sơ hở để ghi bàn.
Thứ hai, Croatia tuy có tuyến giữa rất chất lượng nhưng lại không có một tay săn bàn đẳng cấp trên hàng công. Họ không có một tiền đạo mục tiêu thực sự tầm cỡ để các tiền vệ Croatia có thể tiếp bóng và mở ra những cơ hội ghi bàn.
Hãy xem Croatia đã gặp khó khăn thế nào trong khâu ghi bàn trước Ma rốc, Bỉ ở vòng bảng (đều hoà 0-0), trước Nhật Bản ở vòng 1/8 (họ không có nhiều pha dứt điểm nguy hiểm nơi tuyến đấu và bàn thắng gỡ hoà 1-1 của họ đến từ Ivan Perisic, một tiền vệ). Ở tứ kết, Croatia cũng chỉ có thể phá lưới Brazil khi Brazil chủ quan, có quá nhiều cầu thủ dâng cao, để lộ khoảng trống lớn trong vòng cấm.
Vì Croatia không có tiền đạo giỏi săn bàn nên các tiền vệ của họ phải dâng cao nhiều hơn để phối hợp và tìm kiếm bàn thắng. Khi các tiền vệ Croatia dâng cao thì các hậu vệ của họ cũng phải dâng lên để phối hợp và đảm bảo cự li đội hình, tránh để lộ ra quá nhiều khoảng trống giữa hai tuyến sau của đội bóng vùng Balkan.
Nhưng khi hậu vệ Croatia dâng cao thì đồng nghĩa với việc họ để lộ ra nhiều hơn những khoảng trống ở phía sau. Đó chính là những gì Argentina chờ đợi. Họ chấp nhận cầm bóng ít hơn và lùi về sân nhà khi Croatia có bóng rồi từ đó rình rập thời cơ để tung đòn.
Khi có bóng, Argentina bằng con đường nhanh nhất có thể, sẽ triển khai bóng lên phía trên để Messi và/hoặc Julian Alvarez khai thác các khoảng trống phía sau lưng hậu vệ Croatia để ghi bàn.
Chiến thuật này tỏ ra đúng đắn và sai lầm cá nhân trong phòng ngự của hậu vệ Croatia lại càng tạo điều kiện cho Argentina sớm được tạo lợi thế đáng kể ngay trong hiệp 1.
Khi Croatia sập bẫy của Argentina
Argentina đã dùng chiến thuật "ru ngủ" và khiến Croatia mắc bẫy. Chưa có trận nào từ đầu giải mà Croatia cầm bóng nhiều như trận này (61%). Nhưng khi không bị đối thủ gây sức ép đủ nhiều thì các hậu vệ Croatia lại đánh mất sự tập trung cần thiết và họ phải trả giá trước Argentina.
Trong bàn thua đầu tiên, các hậu vệ Croatia đều dâng cao để lộ khoảng trống mênh mông ở sau lưng và Lovren đã tỏ ra mất tập trung, đứng sại vị trí (không đủ cao để bậy việt vị, cũng không đủ gần Alvarez để kịp can thiệp nhanh), tạo cơ hội cho Alvarez thoát xuống, khiến thủ môn Livakovic buộc phải phạm lỗi, chịu phạt 11m.
Trong bàn thua thứ 2, Croatia sau khi phải nhận bàn thua đầu tiên, tiếp tục mất tỉnh táo, lại dâng lên tấn công, bị mất bóng và bị Argentina phản công nhanh. Trong tình huống này, Sosa lại phá bóng quá lúng túng nên lại bị Alvarez trừng phạt.
Khi Argentina đã dẫn trước 2-0 sau hiệp 1 thì chúng ta đều có thể hình dung là họ rất dễ đá ở hiệp 2. Argentina tiếp tục tập trung phòng ngự và chờ đợi thời cơ để tận dụng và họ hiểu Croatia không còn lựa chọn nào khác là phải tăng cường tấn công.
Nhưng khi Argentina đã phòng ngự tập trung thì một Croatia vốn đã bị suy kiệt thể lực nhiều sau 2 trận vòng 1/8 và tứ kết phải đá liên tiếp 120 phút, lại dựa quá nhiều vào hàng tiền vệ để tìm kiếm bàn thắng, quá khó để lật ngược tình thế.
Không những thế, họ còn bị Argentina bồi thêm đòn kết liễu với pha đi bóng đẳng cấp của Messi trước khi chuyền cho Alvarez ghi bàn dập tắt hoàn toàn hi vọng của đối thủ.