Nhà Glazers bòn rút tiền bạc, khiến MU lụn bại như thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Đã 16 năm gia đình nhà Glazers kiểm soát MU kể từ sau khi tỷ phú Malcolm Glazer mua lại CLB này hồi 2005 với giá 800 triệu bảng. 16 năm MU bị biến thành công cụ làm tiền của các ông chủ Mỹ.
Ngay từ khi nhà Glazers mới mua MU, fan Quỷ Đỏ đã phản đối quyết liệt vì họ nhìn thấy trước ý đồ của các doanh nhân người Mỹ là chỉ muốn dùng MU làm công cụ kiếm tiền chứ không phải mua MU vì yêu thích đội bóng này và muốn đầu tư cho nó.
Để có tiền mua MU, nhà Glazers đã vay hơn 500 triệu bảng với lãi suất cao từ ngân hàng JP Morgan. 2 thập kỷ sắp qua kể từ ngày MU thuộc quyền sở hữu của gia đình Glazers. CLB, mà cụ thể là các fan của Quỷ Đỏ, vẫn phải è lưng gánh nợ còn gia đình Glazers đã bỏ túi hơn 1 tỷ bảng từ tiền bán cổ phiếu (MU phát hành cổ phiếu trên TTCn New York từ 2012), lãi cổ tức, từ cái gọi là “chi phí quản lí” mà họ “sáng tác” ra để rút tiền của MU.
Đã không biết bao lần fan MU phản đối và đòi các ông chủ người Mỹ của họ biến khỏi Old Trafford bởi họ cho rằng gia đình Glazers không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp và tích cực cho MU.
5 năm sau khi gia đình Glazers sở hữu MU, lãi suất tích lũy từ khoản vay PIK (thanh toán bằng hiện vật) 236 triệu bảng đã lên tới 16,25%. Chỉ riêng mùa 2009-10, MU đã phải trả lãi vay là 67 triệu bảng. Và tất nhiên, không có chuyện gia đình Glazers bỏ tiền túi ra để thanh toán những khoản tiền kiểu này.
Năm 2015, MU thông báo bắt đầu trả lãi cổ tức cho các cổ đông hàng năm và 6 anh em Glazers bỏ túi khoảng 100 triệu bảng tiền lãi cổ tức từ đó đến nay. Trong tài khóa gần nhất (tính tới 30/6/2020), doanh thu của MU giảm 118 triệu bảng, MU lỗ 23 triệu bảng vì phải trả lãi cổ tức cho các cổ đông trong đó có an hem Glazers. Nếu không phải chi tiền cho anh em Glazers bỏ túi riêng, họ đã hòa vốn.
Trong những năm đầu khi nhà Glazers sở hữu MU, thiên tài của sir Alex đã giúp họ thành công rực rỡ trên sân cỏ với các khoản đầu tư khôn ngoan. Nhưng sau khi ông nghỉ hưu, gia đình Glazers chọn Ed Woodward, một ngân hàng gia đến từ JP Morgan, thay thế và chính quyết định này khiến MU lụn bại. Họ vừa phải trả những khoản tiền công lớn cho Ed Woodward , vừa phải gánh những khoản vay PIK với lãi suất cao.
Sự bất mãn của các fan Quỷ Đỏ lên đến cao trào cách nay mấy tuần khi Ed Woodward xác nhận MU gia nhập Super League. Họ phản đối gay gắt buộc kế hoạch gia nhập Supe League của MU phải “giải tán” còn MU thông báo Ed Woodward sẽ ra đi cuối mùa này.
Nhưng gia đình Glazers vẫn sở hữu MU, vẫn tiếp tục biến MU thành công cụ kiếm tiền để chia chác và bỏ túi riêng trong khi những khoản nợ của CLB vẫn còn nguyên.
MU nợ vẫn cứ nợ, thậm chí số tiền nợ của MU càng lúc càng tăng. Thành tích sân cỏ của MU thì bết bát. Hơn 7 năm kể từ sau khi sir Alex nghỉ hưu, họ vẫn không thể vô địch Ngoại hạng Anh, cũng không còn là ông lớn ở cúp C1.
Gia đình Glazers thì vẫn cứ ung dung chia chác các khoản tiền được bòn rút từ chính CLB mà họ sử dụng như công cụ kinh doanh còn đội bóng đi về đâu họ gần như… mặc kệ.
Các fan càng lúc càng phẫn nộ. Sau khi biểu tình phản đối vụ MU gia nhập Super League khiến kế hoạch này sụp đổ, họ lại tràn vào sân Old Trafford đòi tống cổ các ông chủ người Mỹ, khiến trận MU – Liverpool phải hoãn.
HT