Ánh Viên và câu chuyện về tấm huy chương thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ánh Viên phá kỷ lục cá nhân, giành HCĐ Cup thế giới qua đó giúp bơi lội Việt Nam tạo nên cột mốc lịch sử, những cụm từ như trên đã được nhắc đến từ suốt đêm qua và trong tương lai còn nhiều lần như thế nữa. Thế nhưng, như chính HLV Đặng Anh Tuấn khẳng định, quan trọng là Ánh Viên vượt qua chính mình.
Lấy tiêu chí này để xét thì thành tích 2 phút 12 giây 33 mà Ánh Viên thiết lập được tại bể bơi ở Moscow hôm qua (11/8) rõ ràng đã khiến nhiều người phải nể phục. Đây chính là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của Ánh Viên ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ, vượt qua cột mốc 2 phút 12 giây 66 mà kình ngư người Cần Thơ này có được tại ASIAD 14.
Trước đó ít ngày, ở giải vô địch thế giới tổ chức tại thành phố Kazan cũng thuộc Nga, Ánh Viên bơi 200m hỗn hợp cá nhân vòng bán kết hết 2 phút 13 giây 29.
Việc Ánh Viên dừng bước ở vòng bán kết nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ tại giải vô địch thế giới (xếp hạng 15) nhưng chỉ 9 ngày sau đó về đích thứ 3 nhận HCĐ cũng ở nội dung này ở Cup thế giới có phần nào đó bất ngờ nhưng nó phản ánh đúng thực tế năng lực của các VĐV. Điều này cũng nằm trong tính toán của HLV Đặng Anh Tuấn.
Ý nghĩa thắng lợi Ánh Viên tại Cup thế giới khác giải VĐTG. Ảnh: V.N
“Giải vô địch thế giới ở Kazan có quá nhiều đối thủ mạnh nên Ánh Viên chỉ có thể thi đấu nỗ lực và tích lũy kinh nghiệm còn Cup thế giới ở Moscow có ít VĐV mạnh nên cơ hội giành huy chương sẽ cao hơn’ – HLV Đặng Anh Tuấn khi trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định như thế.
Là người làm công tác chuyên môn, trực tiếp huấn luyện Ánh Viên, ông Tuấn thừa hiểu giá trị của từng tấm huy chương cũng như thành tích mà cô học trò Nguyễn Thị Ánh Viên làm được. Việc Ánh Viên giành tấm HCĐ Cup thế giới là đáng khen nhưng khích lệ hơn chỉ là ở chỗ thành tích vượt lên chính mình (2 phút 12 giây 33).
Có sự khác biệt đáng kể về số lượng cũng như trình độ của các VĐV dự thi nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ tại giải vô địch thế giới so với Cup thế giới. Trong số 8 VĐV thi chung kết 200m hỗn hợp ở Cup thế giới so với danh sách thi chung kết giải vô địch thế giới chỉ có duy nhất một cái tên quen thuộc là nhà vô địch người Hungary Katinka Hosszu.
Thành tích của 8 VĐV thi chung kết 200m hỗn hợp cá nhân nữ giải VĐTG
VĐV này là nhà vô địch đồng thời của cả hai giải đấu. Tuy nhiên, ở giải vô địch thế giới, Katinka Hosszu chỉ mất 2 phút 06 giây 84 để về đích nội dung 200m hỗn hợp trong khi tại Cup thế giới ở Moscow, thành tích của VĐV Hungary này là 2 phút 10 giây 68.
Ngay kể cả thành tích 2 phút 12 giây 33 đưa Ánh Viên đến với tấm HCĐ Cup thế giới cũng vẫn còn kém người về cuối cùng chung kết nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ ở giải vô địch thế giới là Ye Shiwen (2 phút 11 giây 39).
Kết quả chung kết 200m hỗn hợp cá nhân Cup thế giới tối 11/8
Vui vì những gì Ánh Viên đã làm được và như lời của HLV Đặng Anh Tuấn, mọi việc vẫn đi theo lộ trình cụ thể, phù hợp với Ánh Viên. Nhưng tương tự như trường hợp của Hà Thanh (TDDC) hay Hà Minh Thành, Xuân Vinh (bắn súng), Cup thế giới mà Liên đoàn bơi lội thế giới (FINA) tổ chức thành hệ thống 8 giải tại Moscow, Paris – Chartres, Hong Kong, Bắc Kinh, Singapore, Tokyo, Doha và Dubai.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh khi trao đổi với Thể thao & Văn hóa sáng nay đánh giá: "Về hình thức chúng ta có thể vui mừng với tấm HCĐ của Ánh Viên vì đây là lần đầu tiên bơi lội Việt Nam có huy chương ở tầm thế giới. Nhưng Cup thế giới tổ chức 8 giải trong 1 năm, khác giải vô địch thế giới, giải này cũng không quy tụ nhiều VĐV xuất sắc nhất. Quan trọng là thành tích cá nhân của Ánh Viên được cải thiện".
Quy mô, tính chất hai giải đấu khác nhau, vì thế hãy đừng có sự so sánh nào để tránh tạo ra những áp lực không cần thiết cho Ánh Viên. Với Ánh Viên, cải thiện thành tích cá nhân ở từng nội dung thi đấu là thiết thực nhất và ở khía cạnh này, cô đã làm được. Tương lai ra sao, hồi sau sẽ rõ.
Xin mượn lời của nhà báo Nguyễn Lưu để kết lại bài viết này: “Bất luận thế nào ta cũng vỗ tay khen Ánh Viên với HCĐ tại Cup bơi lội thế giới”.
Thành Đạt