Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 64): Tượng đài ở Sài Gòn thời Pháp thuộc
Sài Gòn là vùng đất bị thực dân Pháp chiếm đóng trước nhất, là lãnh thổ bị xác định là thuộc địa sớm nhất và cũng là đô thị được quy hoạch theo cách thức phương Tây đầu tiên. Do vậy, tượng đài cũng sớm trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc một đô thị hiện đại có sức phát triển bậc nhất ở khu vực đương thời.
Đài tưởng niệm đầu tiên là công trình do Hội Địa lý (một tổ chức rất gắn bó với công cuộc chính phục thuộc địa) xin phép dựng để kỷ niệm công tích của Đoàn thám hiểm ngược sông Mê Kông vào Tây Nam Trung Quốc do Doudart de Lagrée dẫn đầu. Chuyến thám hiểm kết thúc năm 1867 thì nhân vật này chết năm 1868. Và đến năm 1877, 10 năm sau chuyến thám hiểm, đài tưởng niệm đã được dựng tại Sài Gòn.
Vì đài tưởng niệm này được xây đúng tại tại địa điểm dự kiến lấp kênh để làm đường Charner và xây Tòa thị chính (Dinh xã Tây) nên phải chuyển ramột quảng trường nhìn ra bến cảng… lúc này đã mang tên kẻ chỉ huy Hạm đội Pháp Tây Ban Nha đã nổ súng ở Đà Nẵng (1858) rồi kéo vào đánh chiếm Sài Gòn (1859) là Đô đốc Rigault de Genouilly. Một bức tượng đồng đúc từ chính quốc về viên đô đốc này đã được dựng tại đây. Như thế là tại khu vực quảng trường (nay mang tên Mê Linh) người Pháp đã dựng 2 tượng đài đầu tiên của Sài Gòn để tưởng niệm một cuộc thám hiểm địa lý và một cuộc đánh chiếm thuộc địa.
Để dễ gọi và phân biệt những tượng đài của thành phố, dân Sài Gòn thường đếm các nhân vật có trong mỗi tượng đài. Tượng Đô đốc Gigault de Genouilly được dân quen gọi là "tượng một hình". "Tượng hai hình" là tượng bộ đôi nhân vật Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Hoàng tử Cảnh đứng bên nhau và được dựng ngay trước Nhà thờ Đức Bà. Vị trí và diện mạo tượng đài này nhằm thể hiện điều mà Toàn quyền Paul Doumer ngay khi mới sang nước ta (1897) đã gợi ý cần có một tượng đài tôn vinh những nhà truyền giáo đã tiên phong đến xứ sở này và can dự vào những sự kiện để tạo dựng vương triều mà nước Pháp đang "hợp tác". Vừa tới Sài Gòn, ngày 28/4/1897, Doumer đã trực tiếp chủ tọa cuộc họp để khởi động dự án. Và chỉ một tháng sau khi Doumer kết thúc nhiệm kỳ để về nước, bức tượng do nhà điêu khắc Pháp Lormier tạo tác và Hoàng đế Thành Thái cũng góp tiền công đức đã được khánh thành trọng thể vào ngày 10/3/1902.
Còn "tượng 3 hình" là Tượng đài "Chiến sĩ trận vong" tưởng niệm những binh sĩ thuộc địa đã chết tại chiến trường châu Âu trong Thế chiến I. Tượng có 2 nhân vật chính là 2 quân nhân đứng trước một tháp cao, trên đỉnh có nhân vật thứ ba là một nữ thần biểu trưng cho chiến thắng với đôi cánh giang rộng giữa bầu trời.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Sài Gòn rộng và đông nhất nước còn có nhiều tượng đài khác. Đó là tượng đài của viên sĩ quan chết trận tại Cầu Giấy năm 1873 là Francis Garnier. Ở ngoại vi Hà Nội bấy giờ, trên chiến trường xưa, ngôi mộ của Garnier được thiết kế nhưmột tượng đài nhỏ nhưng gây ấn tượng, tuy nhiên phần thi hài còn lại của kẻ chết trận đã được chuyển vào Sài Gòn chôn chung với Doudart de Lagrée, cả hai đều là hội viên nổi tiếng của Hội Địa lý Pháp. Và tại công viên trước cửa Nhà hát Lớn Thành phố, một bức tượng toàn thân của Francis Garnier cũng được dựng để tôn vinh kẻ tiên phong trong công cuộc chinh phục thuộc địa.
***
Sau Hoàng tử Cảnh - xuất hiện chỉ như một nhân vật của quá khứ - thìngười bản xứ duy nhất được tôn vinh như một danh nhân là Pétrus Trương Vĩnh Ký. Ông là một nhân vật mà về tài trí không mấy ai nghi ngờ, nhưng về vai trò lịch sử của một nhà bác học theo đạo Thiên Chúa lại cộng tác rất chặt với giới thực dân khiến việc đánh giá về nhân vật này đến nay vẫn mang nhiều dấu hỏi. Tượng được dựng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhân vật (1837-1927) nhưng nó đã từng được một số nhà duy tân vận động làm từ trước đó 30 năm. Năm 1908, tờ Lục Tỉnh tân văn của Trần Chánh Chiếu đã cổ vũ việc làm tượng nhân 10 năm ngày mất của nhân vật (1898-1908). Nhưng phải đến ngày 18/12/1927, bức tượng Trương Vĩnh Ký trong bộ quốc phục do Hãng Durenne đúc tại Pháp và do số đông người bản xứ đóng góp cùng tài trợ của chính quyền mới được khánh thành trọng thể.
Thêm một bức tượng cũng được coi là là tạc người "bản xứ" nhưng nằm trong cộng đồng người Hoa sống lâu năm ở Sài Gòn. Đó là nhà kinh doanh người Hoa Quách Đàm, gốc tỉnh Quảng Đông nhưng khi nhỏ đã sang Nam Kỳ sống và kinh doanh trở nên một trong những người giàu có nhất đương thời. Giàu nhờ kinh doanh nhiều lĩnh vực từ mua bán và chế biến lúa gạo, xuất nhập khẩu hàng hóa đến vận tải thủy… và cuối đời, năm 1924, ông xây chợ Bình Tây nổi tiếng trên đất Sài Gòn. Và chính tại không gian ngôi chợ lớn này, bức tượng toàn thân chủ nhân Quách Đàm được dựng lên trang trọng ở trung tâm.
Cùng với tượng Trương Vĩnh Ký, tượng Quách Đàm có chung một số phận, nó không bị phá bỏ sau khi chế độ thuộc địa của Pháp chấm dứt, nó còn tồn tại một thời gian cho đến sau 1975, thì tháo dỡ phần bệ tượng đài, còn các bức tượng nhân vật được giao cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bảo quản như những chứng tích về mỹ thuật một thời đã qua.
Nhờ bạn đọc tìm kiếm
Nói về tượng đài ở Sài Gòn, còn có một chi tiết xin được nêu để bạn đọc tìm kiếm giùm: Ngày 5/4/1934, một hạm đội của Mỹ gồm 8 chiến hạm do Thống tướng Parker ghé vào cảng Sài Gòn. Báo chí (Hà Thành ngọ báo, Nam Phong, Chatecler…) đưa tin rất nhiều và cho biết trong chương trình thăm thành phố, đoàn sĩ quan và thủy thủ Mỹ có đến viếng tượng đài "Chiến sĩ trận vong" (tượng 3 hình) và "tượng Tổng thống Hoa Kỳ G.Washington"…Liệu có ai biết thêm về bức tượng này?