Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 1): Chuyện tiêm chủng xưa
(LTS) Khi định nghĩa 2 chữ “ký ức”, mọi cách tiếp cận đều nhắc đến 2 chữ “hình ảnh” được lưu vào võng mạc trước khi hằn vào nếp óc. Mô tả hình ảnh ấy chính là ký ức về cái đã qua. Ngôn ngữ là cái có trước nên con người lưu giữ ký ức bằng lời kể (truyền miệng) hay văn tự (sử sách, bia ký hay văn chương). Những họa sĩ là lớp người đầu tiên lưu giữ bằng hình ảnh vẽ lại (cũng theo ký ức đôi khi của người khác như vẽ về đề tài lịch sử). Chỉ từ thế kỷ 19, khi những người tiên phong như Daguerre, Lumière… cùng nhiều nhà sáng chế khác phát minh ra cái máy ảnh và công nghệ nhiếp ảnh thì nhân loại có thêm một công cụ mới để lưu vào ký ức. Sự thần kỳ của nhiếp ảnh là “biến khoảnh khắc thành vĩnh cửu” đã giúp cho người đời sau nhìn thấy cái mà người các đời trước đã nhìn thấy qua tấm ảnh được in và có thể lưu giữ lâu dài cho nhiều thế hệ chiêm ngưỡng. Nếu lịch sử đơn giản chỉ là “sự nối dài ký ức của cộng đồng” thì những sản phẩm của nghiếp ảnh chính là một nguồn sử liệu đáng tin cậy và là 1 trong những công cụ nhận thức về quá khứ hữu hiệu hơn cả. Cũng bởi thế, bảo tồn kho tàng hình ảnh cũng chính là bảo tồn nguồn sử liệu, bảo tồn ký ức của cộng đồng. Trên Thể thao và Văn hóa từ số này, vào hàng tuần, chúng tôi xin mở một chuyên mục do nhà báo QXN đảm nhiệm với những bài viết nhỏ kèm theo hình ảnh minh họa về lịch sử để tạo hứng thú và mối quan tâm của bạn đọc về những hình ảnh của quá khứ như một nguồn sử liệu. Cũng mong các bạn viết cùng tham gia đóng góp bài vở hoặc bổ khuyết những sai sót trong khi sử dụng loại hình tư liệu này… |
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn bút ký nổi tiếng Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, bác sĩ quân y Hocquard, người đã theo đạo quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đã chụp ảnh in hình (bản khắc) một người Việt Nam trẻ tuổi tên là Ngô Đại.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Đây là người được Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ giới thiệu với viên bác sĩ người Pháp là “thầy thuốc của nhà nước” được cử đến gặp để xin học cách chủng đậu và một vài cách phẫu thuật của Tây y. Thư giới thiệu đề ngày 3/6 năm Kiến Phước (25/7/1884).
Ta biết rằng bệnh đậu mùa là 1 trong những dịch phổ biến nhất ở xứ nhiệt đới như nước ta. Trong chính sử có ghi chép về những trận dịch gây thiệt hại về người. Hoàng tử Cảnh, con trưởng của Gia Long, cũng chết vì bệnh đậu mùa và Tự Đức cũng từng bị bệnh mang theo di chứng…
Ứng phó với dịch bệnh, cư dân chỉ có cách tuân thủ quy định của hương ước làng xã để tránh dịch bệnh truyền từ làng này sang làng khác hay dùng một số phương thuốc Nam chủ yếu để phòng dịch còn khi đã phát dịch thì chỉ có bó tay giao cho số phận hay cầu cúng…
Kể từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, Hoàng đế Minh Mạng cũng từng nhờ thầy thuốc Tây Despiau đến Ma Cao mua thuốc về nhờ tiêm chủng. Còn học cách chủng đậu thì Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ là người đầu tiên như trên đã kể. Phải 4 năm sau, tháng 4 Mậu Tý (1888) sử cũng chép, Triều đình Huế nghe theo lời khuyên của viên Khâm sứ Herto phái quan thầy thuốc đến sứ quán học phương pháp “trồng đậu” .
Đó là thời điểm dịch đậu mùa bùng phát bắt đầu ở Quảng Ngãi từ tháng 11 năm trước đến thời điểm này đã có 13.934 người cả đàn ông và đàn bà chết… Tình trạng đó khiến Phòng thần Nguyễn Thân đem ra bàn với Viện Cơ mật, nhờ công sứ Pháp ở các tỉnh điều thầy thuốc Tây y chữa trị và huấn luyện cách “trồng đậu để đỡ tai hại cho dân”.
Đến triều Thành Thái, năm 1895, được các thầy thuốc Pháp hợp tác đã tổ chức để các thầy thuốc triều đình tổ chức tiêm chủng, theo cách nói bây giờ là “dịch vụ” với giá 5 xu mỗi liều, được dân chúng hưởng ứng, có tới 40.000 người đến chủng. Sau sự kiện này bác sĩ Grall, giám đốc Sở Y tế Trung và Bắc Kỳ quyết định lập một cơ quan tiêm chủng cho cả 3 kỳ nhưng phải đến 20/5/1903 mới thành lập và hoạt động sau khi dịch đậu mùa hoành hành suốt 2 năm 1902 và 1903 với những hậu quả “làm cho rất nhiều người chết” và “số tử vong trẻ con lên đến con số khủng khiếp”.
Đến triều Duy Tân (tháng 1 Ất Tỵ 1915) thì hoàng đế ban dụ quy định việc phòng dịch cho người và gia súc…
Với một thuộc địa ở vùng nhiệt đới, đông dân, nên nước Pháp đã thiết lập một hệ thống các chi nhánh của Viện Pasteur được hình thành để nghiên cứu và ứng phó với các bệnh dịch nhiệt đới ngày một hiệu quả, kết hợp cả chống bệnh chó dại và cung cấp vaccine cho ngành thú y. Sản xuất và cung cấp vaccine cùng với tổ chức tiêm chủng trở thành một phần chức năng của ngành y tế Đông Dương, tuy chưa khắc phục được triệt để, nhưng góp phần thuyên giảm tác hại (nhất là về sinh mạng) của dịch bệnh ở nước ta.
Ngay từ năm 1904, một cơ quan chuyên nghiên cứu về vaccine đã được lập ở Thái Hà Ấp, Hà Nội và ngay năm 1905 đã sản xuất được hơn 480 ngàn liều cho Bắc Kỳ, gần 100 ngàn liều cho Trung Kỳ. Đến năm 1913, Viện Vệ sinh và Vi trùng Bắc Kỳ được thành lập. Năm 1925, trên cơ sở thỏa thuận của chính quốc, các cơ sở của Viện Pasteur của Pháp lập trên lãnh thổ Đông Dương được tổ chức thành một Viện Pasteur chung có các chi nhánh ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang… nâng cao năng lực phòng chống dịch cho người và gia súc.
Năm 1928, riêng Viện Pasteur ở Hà Nội đã sản xuất được hơn 14 triệu liều vacccine chống bệnh đậu mùa, một con số khá lớn so với dân số cả Đông Dương lúc đó mới trên dưới 20 triệu dân….
Do vậy, hình ảnh tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh trở nên khá phổ biến trên các ấn phẩm đương thời…
QXN
Tài liệu tham khảo
ĐNTL, t. 9, sđd, tr. 406, 418;
Những người bạn cố đô Huế, (bản tiếng Việt) của BAVH t. 8, 1921; tr.283-314, 296-297, t. 13, 1926, tr.132-142;
Bùi Thị Hà. Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến năm 1945. Luận án tiến sĩ sử học, HN, 2019