Ra mắt 'Một chiến dịch ở Bắc Kỳ': Một Việt Nam 'nguyên bản' của thế kỷ 19
(Thethaovanhoa.vn) - Sự trớ trêu của lịch sử đã khiến tâm huyết của bác sĩ Charles Edouard Hocquard phải đi hết quãng đường vòng suốt gần 130 năm để có thể trở lại với Việt Nam - nơi khai sinh ra nó.
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Hocquard là cuốn sách thuộc dạng ký sự - du ký, với nội dung ghi lại những câu chuyện về con người, cảnh vật và nhiều nét phong tục tập quán tại Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 19. Cuốn sách cổ khá đồ sộ này (dày ngót 600 trang, cộng cùng hơn 200 bức ảnh) vừa được Công ty Văn hóa Đông A cùng NXB Văn học chuyển ngữ và ấn hành.
Từ ông bác sĩ thích chụp ảnh…
Thực tế, cái tên Charles Edouard Hocquard vốn đã khá quen thuộc với giới nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam, khi một số nội dung của cuốn sách của ông vẫn thường được trích dẫn và giới thiệu trong những công trình gắn với Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19. Sinh năm 1853, Hocquard tốt nghiệp ngành y và làm việc trong quân đội Pháp từ năm 22 tuổi. Để rồi, năm 1884, ông tình nguyện sang Đông Dương, phục vụ trong quân đoàn viễn chinh Pháp, trên cương vị một thiếu tá quân y.
Đó cũng là giai đoạn mà người Pháp đang tiếp tục thực hiện những cuộc “bình định” ở khu vực Bắc và Trung Kỳ. Và, dù tên sách là Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, thực tế cho thấy Hocquard tham gia tới 4 chiến dịch dài ngắn khác nhau, trong đó có những trận giao chiến ác liệt. Tuy nhiên, khá thú vị, tác giả không kể nhiều về các trận đánh trong ký sự của mình. Thay vào đó, chiếm dung lượng lớn lại là những ghi chép theo kiểu “tai nghe, mắt thấy”, được ông lượm lặt hoặc tìm hiểu được trên những nẻo đường đã qua về đất nước, con người, tín ngưỡng, hoạt động sản xuất hay cách tổ chức xã hội tại Việt Nam.
Đặc biệt, đi kèm với lượng ghi chép ấy là những câu chuyện được ghi bằng nhiếp ảnh - khi thú chơi này đã sớm đến với ông từ lúc còn ở Pháp trước đó. Tới Việt Nam, Hocquard đã đem theo đầy đủ những dụng cụ máy chụp, buồng tối, đèn, chân máy, hóa chất… của mình, giống như vũ khí cần có của một người lính bộ binh, để rồi chụp hàng trăm bức ảnh trong gần 2 năm rong ruổi tại các tỉnh Bắc và Trung Kỳ.
Những bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của một xứ sở mới từng giúp Hocquard nhận huy chương vàng tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885, trong khi những câu chuyện Việt Nam (kèm ảnh) của ông được đăng tải rải rác trên một tạp chí dưới cái tên Ba mươi tháng ở Bắc Kỳ. Tới năm 1892, chúng được tập hợp và xuất bản thành sách với tên gọi Một chiến dịch ở Bắc Kỳ.
... Tới một Việt Nam sinh động trong quá khứ
Phần nào, cách viết của Hocquard trong cuốn sách cũng giống với cách ông chụp ảnh: Thấy sao viết vậy, ít bình luận nên tương đối khách quan, tùy thời gian điều kiện mà phác vài nét ký họa hoặc mô tả dưới nhiều góc độ khác nhau. Và, cũng với con mắt quan sát của một nhà nhiếp ảnh, rất nhiều thứ đã “lọt vào” ngòi bút của Hocquard, với những chi tiết tưởng như vụn vặt, hiếu kỳ nhưng lại vô cùng sống động và chưa từng xuất hiện trong những bộ sử chính thống.
Bởi thế, với một hệ thống mênh mông những câu chuyện được khắc họa bằng cả ảnh chụp lẫn ngòi bút, người đọc sẽ có rất nhiều lựa chọn để tiếp cận với Một chiến dịch ở Bắc Kỳ.
Đó có thể là câu chuyện về những con người rất bình thường - vốn dĩ luôn mờ nhạt trong những bộ địa chí, hội điển, biên niên sử... Với Hocquard, ta biết thêm về bọn trẻ bụi đời lêu lổng, từ khi Pháp chiếm Hà Nội bỗng có nghề làm “bồi” cho Tây; về những cô “me Tây” đam mê cờ bạc, chỉ qua một đêm là trở về nhà với bộ quần áo rách rưới trên người; về những thầy lang theo học bác sĩ Hocquard cách tiêm vắc xin và chữa đau mắt nhưng đã rất biết quảng cáo tài chữa bệnh của ông thầy Tây để “thầy được tiếng còn trò được miếng”.
Đó có thể là những đô thị cổ Hà Nội, Huế, Nam Định trong giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến, với những kiến trúc nay đã trở thành quá khứ như chùa Báo Ân, cửa Nam thành Hà Nội, cửa Nam Quan ở Lạng Sơn, cung Bảo Định ở Huế... hay những khu phố cổ như Hàng Mắm với “vịt ướp và cá khô treo trên trần nhà, mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”.
Đó có thể là cái nhìn độc đáo với những phong tục tập quán An Nam được ghi lại rất cụ thể và tỉ mỉ như nhuộm răng đen, ăn trầu, búi tóc của đàn ông, nón quai thao của đàn bà, chỏm của trẻ con, thói đi chân trần, quần áo nâu của người Kinh, quần áo chàm của người Tày... Và, trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Pháp, người ta bắt gặp những xung đột tức cười, khi các sĩ quan viễn chinh Pháp cho rằng hàm răng đen của người Việt dù đều tăm tắp cũng khiến mồm trông như... miệng cống, còn vị quan An Nam thì khen phụ nữ Pháp đẹp nhưng lại chê hàm răng trắng như... răng chó!
Riêng với Hà Nội, nơi tập trung tinh hoa của Bắc Kỳ, người ta không khó để bắt gặp những lời khen và thiện cảm mà tác giả dành cho sự khéo tay của người bản xứ. Ông chăm chú quan sát “những nghề nho nhỏ thực hiện ngoài trời” như hát xẩm, xiếc uốn dẻo, cắt tóc, lấy ráy tai, xoa bóp... rồi thích thú nhận xét “thủ đô xưa của Bắc Kỳ là một trong những thành phố thú vị nhất của trái đất này”. Nhận mấy bộ quần áo may đo, ông hài lòng khuyên “các bạn nào sắp sang Bắc Kỳ mà muốn sắm quần áo thì hãy ráng đợi để bàn việc ấy với thợ may Hà Nội”. Rồi, đó là lời nhận xét kinh ngạc “thật là một tác phẩm kỳ vĩ” khi nhìn thấy tượng thần Trấn Vũ, hoặc lời ca tụng “người An Nam thật khéo phối hợp các màu chỉ thêu” khi nghĩ đến việc xuất khẩu các hàng mỹ nghệ này sang châu Âu...
“Thẳng thắn, lần đầu tiếp xúc với sách, tôi vẫn giữ cho mình chút định kiến về cách nhìn đậm màu… thực dân mà nhiều tác giả Pháp để lại trong những gì viết về xứ An Nam thuộc địa. Thế nhưng lần này, màu sắc ấy không quá nhiều” - dịch giả Đinh Khắc Phách chia sẻ.
Quả thật, đọc những gì được viết, ta ngờ rằng với những người như Hocquard, bên cạnh tham vọng mở mang thuộc địa mà người ta đặt lên vai những đạo quân viễn chinh còn có một động cơ mãnh liệt là khám phá một vùng đất xa xôi ở Viễn Đông, vốn hoàn toàn xa lạ với phần đông người Pháp khi ấy.
Vốn là một cuốn sách viết cho người Pháp đọc, hẳn bác sĩ Hocquard không thể ngờ rằng có ngày, người Việt Nam đón nhận tác phẩm của ông, với sự trân trọng vượt lên những định kiến hẹp hòi từng phổ biến một thời...
Giữ nguyên “màu thời gian” của cuốn sách Trong lần xuất bản đầu tiên tại Pháp (năm 1892), 230 bức ảnh của cuốn sách đều được sử dụng dưới dạng các bản in từ tranh khắc gỗ, do công nghệ giai đoạn này chưa cho phép sao chụp ảnh trực tiếp. Để đảm bảo giá trị xưa của cuốn sách, phía Đông A đã thử nghiệm, chọn ra phương án tối ưu nhất để giữ nguyên các bản khắc tinh xảo này trong sách, đồng thời bổ sung thêm một số phụ bản. Ngoài ra, trong quá trình dịch thuật, dịch giả Đinh Khắc Phách và phía biên tập cũng đã công phu đối chiếu và bổ chú để độc giả hiểu thêm về các thông tin được Hocquard cung cấp. |
Hoàng Nguyên