Anh Khoa rớt nước mắt trong ngày phát động giải Fair Play 2017
(Thethaovanhoa.vn)- Trong ngày phát động mùa giải thứ 6 sáng 4/8 tại trụ sở Báo Pháp luật TP.HCM, rất nhiều người đã cảm thấy nghẹn ngào trước những lời “gan ruột” của Trần Anh Khoa, cầu thủ SHB Đà Nẵng đã giải nghệ sau cú vào bóng rợn người của Quế Ngọc Hải.
- HLV Đức Thắng (SLNA): ‘Mong mọi người đừng khắc nghiệt với Anh Khoa và Ngọc Hải’
- Anh Khoa bình thản đón nhận quyết định giải nghệ
- Nhạc sĩ Trần Tiến và Phạm Anh Khoa cùng du ca vì miền Trung
- HLV Miura nói chuyện riêng với học trò, Anh Khoa trở lại trong năm 2016
Anh Khoa là nạn nhân của thứ bóng đá xấu xí, vấn nạn bóng đá bạo lực trên sân cỏ Việt mà cả xã hội luôn luôn lên án. Việc BTC giải bất ngờ mời nạn nhân, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chấn thương từ sự ác ý của đồng nghiệp đã thực sự truyền tải được ý nghĩa mà giải Fair Play muốn mang đến cho mọi người.
Anh Khoa cho biết: “Lúc bị đạp thì tôi không nghĩ sẽ gãy chân vì không thấy cảm giác gì nhưng ra ngoài đường biên đứng lên thì thấy rất đau, không thể đá tiếp. Về đến khách sạn nhìn bạn bè đi ăn uống, nghỉ ngơi hết, còn chân mình thì bị phù nề, phải ở cùng bác sĩ chăm sóc, lúc đó tôi rất buồn tủi. Khi ở một mình một phòng tôi đã khóc, nhưng rồi sau đó phải tự an ủi bản thân để cố lên.
Hai năm, thời gian đó đã qua rồi, tôi không muốn lên án pha bóng của Ngọc Hải nữa nhưng muốn nhắn nhủ với các đồng nghiệp rằng, khi nhỏ thì chúng ta đam mê bóng đá, đến với nó. Sau này khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì đó là cái nghề, nuôi sống mình và gia đình.
Tôi cảm thấy rất buồn vì mình chưa báo hiếu được gì cho cha mẹ, những người ủng hộ dắt mình đi đá bóng. Nhưng khi nghĩ lại thì cuộc đời mà, vận hạn mỗi người khác nhau, cũng có những xui rủi mình gặp phải”.
“Ban đầu khi nghĩ về chấn thương, tôi thấy tương lai mù mịt, không biết mình sẽ đi về đâu với chấn thương này. Nhưng CLB SHB Đà Nẵng giúp đỡ cho tôi về tiền lương, ăn ở, và còn cho học khóa HLV nên tôi xin cảm ơn CLB đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Qua tai nạn này, giờ đây khi đứng trên lớp dạy các cháu nhỏ, điều tôi dạy cho các em đầu tiên là bài học đạo đức, không cần đá bóng thật hay thật giỏi mà đầu tiên phải thi đấu có đạo đức trên sân. Phải biết bảo vệ đôi chân các đồng nghiệp trước khi nghĩ mình sẽ tiến xa hơn”, Anh Khoa nói thêm.
Ông Mai Ngọc Phước (Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM) cho biết: “Đứng trước nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn mong muốn duy trì giải Fair Play trong bóng đá. Chúng tôi quan niệm cái đẹp mang giá trị vĩnh cửu, nó sẽ đẩy lùi vấn nạn bóng đá bạo lực, sự thực dụng đang lên ngôi.
Những cá nhân tập thể được tôn vinh ở giải thưởng này đều giúp họ phấn đấu tích cực hơn, thúc đẩy họ đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta luôn có những cầu thủ được bạn bè khu vực nể trọng như cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, người luôn mang trong mình tinh thần bóng đá cao thượng mỗi khi ra sân. Giải thưởng này sẽ đáp ứng nguyện vọng của mọi người về xây dựng một nền bóng đá đẹp, tôn vinh lối chơi trung thực, đẩy lùi cái xấu, bạo lực trên sân cỏ”.
Danh sách Hội đồng thẩm định giải thưởng Fair Play năm nay gồm nhà báo Nguyễn Nguyên – Chủ tịch Hội đồng thẩm định, các ông Nguyễn Hữu Bàng, Hồ Nguyễn, Đoàn Minh Xương, Đỗ Hữu Lê Xuân Cường, Công Tuấn.
Sở dĩ giải thưởng được phát động trước thềm SEA Games 29 một phần bởi đội tuyển U22 Việt Nam sẽ tham dự sân chơi quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm nay. Nếu thầy trò Hữu Thắng thành công, chắc chắn họ sẽ chiếm rất nhiều điểm số trong cuộc chạy đua đến giải thưởng này.
Các ứng viên chính thức sẽ được giới thiệu trên giới truyền thông và đây là cơ sở để BTC tổng hợp để 150 đại biểu gồm phóng viên chuyên hoạt động trên lĩnh vực bóng đá, các chuyên gia, giám sát trận đấu, giám sát trọng tài thực hiện bầu chọn dự kiến vào tháng 11/2017. Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 12/2017 hoặc đầu tháng 1/2018. Nét mới của giải năm nay chính là việc BTC phát động sáng tác chiếc Cúp Fair Play – Bóng đá cao thượng nhằm mục đích chọn mẫu cúp để sử dụng cho giải thưởng.
Ông Lê Khắc Hiệp – Đại diện Nhà tài trợ VinGroup cho biết: “Chúng tôi từng được nghe nói rằng bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc nhiều năm trước nên chúng tôi đã xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, đang đào tạo từ lứa tuổi U11 đến U20 hiện nay là gần 200 em đã chuyển giao cho nhiều đội chuyên nghiệp.
Chúng tôi cũng nghe tin rất đáng mừng khi nhiều CLB đã phát triển bóng đá trẻ như HAGL, SHB Đà Nẵng, Viettel, Hà Nội và thành quả ngày nay là chúng ta đã có những thành công nhất định. Thành tích của bóng đá Việt Nam những năm qua tốt, không còn quanh quẩn trong khu vực nữa. Anh Phạm Nhật Vượng từng nói rằng, nếu đào tạo trẻ trong nước để vô địch thì theo tôi không cần làm nữa vì chúng ta không vô địch thì đội trong nước khác cũng vô địch nên muốn có hiệu quả thì phải vươn tầm thế giới.
Bên cạnh những thành tích tốt thì bóng đá chúng ta đang có cả hình ảnh xấu xí, không chỉ thô bạo đâu mà còn gian dối về lứa tuổi rất buồn cười hoặc trọng tài bị phản ứng dữ dội… Bóng đá chuyên nghiệp thế giới thì chả có chuyện như vậy đâu. Những pha bóng bạo lực rất đáng lên án vì nó kích thích sự bạo lực trong con người, bóng đá là môn thể thao được quan tâm nên sức ảnh hưởng của nó lớn lắm.
Sự chuyên nghiệp, fair play trong bóng đá cần được tuyên truyền cho cả xã hội nhằm tôn vinh cái đẹp, hành vi đẹp để lan tỏa ra cộng đồng”.
Việt Hà