Ăn tối cùng di sản…
(Thethaovanhoa.vn) - … chứ không phải là ăn tối cùng người nổi tiếng, với ca sĩ, diễn viên hay một người mẫu chẳng hạn. Bởi, để nói về sự khác biệt giữa bữa tối này với các bữa tối thông thường, người ta chỉ có thể nhắc tới một điểm duy nhất: diễn ra tại các hang động của Vịnh Hạ Long - Di sản Thế giới tại Việt Nam.
- Quảng Ninh bác bỏ đề xuất kinh doanh ăn uống trên Vịnh Hạ Long
- Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long
Và, dù mức phí cao, dịch vụ đặc biệt này có vẻ không đến nỗi ế khách. Bởi, có thời điểm, bữa tiệc đêm ở hang Hòn Trống thu hút tới cả trăm người. Nghĩa là, dù thiên hạ khen hay chê, vẫn có một bộ phận nhất định du khách đang có nhu cầu “ăn tối cùng di sản”.
***
Cũng cần nói rõ, UNESCO hiện chưa có những quy định chi tiết tới mức cấm/cho phép việc tổ chức… đánh chén tại các Di sản. Tổ chức Quốc tế này chỉ đưa ra những tiêu chí khắt khe về việc bảo tồn tính nguyên trạng của các Di sản đã được công nhận.
Dịch vụ ăn tiệc trong hang động vịnh Hạ Long. Ảnh: Đức Hiếu/Tuổi trẻ
Tuy vậy, với loại dịch vụ đang có ở vịnh Hạ Long, làn sóng phản đối của dư luận cũng không hẳn là quá lo xa. Bởi thực tế, kể từ năm 2009 tới nay, Hạ Long vẫn đang nằm trong danh sách được UNESCO khuyến nghị về các vấn đề liên quan tới quản lý di sản, đặc biệt là ở việc lấn biển mở rộng đô thị và khai thác than gây ảnh hưởng tới môi trường.
Và, khi bản thân tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực điều chỉnh để Hạ Long được rút tên khỏi danh sách khuyến nghị , việc “mở tiệc” tại Di sản Thiên nhiên này lại đưa đến những nỗi lo mới về vấn đề môi trường và rác thải.
Nhưng, vượt lên sự lo ngại ấy, vẫn còn một câu hỏi làm người viết băn khoăn: với một điểm đến như hang Hòn Trống, vì sao chúng ta lại chọn phát triển một dịch vụ phụ trợ là… ăn?
Sẽ là dễ hiểu, nếu dịch vụ “ăn tối” ấy được tổ chức tại một di tích liên quan tới văn hóa ẩm thực (hoặc chí ít, là nơi từng diễn ra một… bữa ăn tối nổi tiếng nào đó mà các huyền tích dân gian kể lại). Còn với những gì đang diễn ra tại hang Hòn Trống, dù đau đầu đến mấy, chẳng ai có thể tìm được mối liên hệ nào, ngoài sự khác người theo kiểu “ăn tối cùng di sản”, như đã nói ở trên.
***
Nhiều năm trước, khi tính đến việc mở tour phục vụ du khách tại đền Ngọc Sơn, giám đốc một Nhà hát Chèo tại Hà nội cũng từng chia sẻ rằng anh lo nhất ở khâu… ẩm thực. Bởi, sau khi đi vòng quanh Hà Nội, khách du lịch tới đây lúc chiều tối và ít nhiều đều có cảm giác hơi đói trong lòng.
Để rồi, bên cạnh chiếu chèo, trong không gian của đền Ngọc Sơn, phía tổ chức cũng chỉ dám “rón rén” mời khách thưởng thức chút xôi, oản, chè lam….dưới danh nghĩa giới thiệu tinh hoa quà Việt.
Rồi, trong một cuộc trò chuyện với người viết về việc khai thác các hoạt động phụ trợ tại di sản, PGS Nguyễn Văn Huy cũng từng kể rất nhiều về một buổi biểu diễn nhạc thính phòng mà ông từng tham dự tại Angkor Wat (Campuchia).
Ở đó, với giá vé rất đắt, khán giả được thưởng thức một chương trình rất nhẹ nhàng, lịch sự, với những ấn tượng đặc biệt mạnh khi âm nhạc cất lên trong lòng tháp cổ. Như lời ông, nếu có sự văn minh, chuyên nghiệp và tìm được hướng tiếp cận hợp lý , việc tổ chức các dịch vụ phụ trợ tại di sản không quá khó trong việc đem về nguồn lợi từ khách tham quan…
Chẳng lẽ, chúng ta tổ chức ăn tại hang động trong vịnh Hạ Long chỉ bởi làm vậy thì dễ dàng và nhanh gọn nhất?
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa