Ai có thể làm Chủ tịch VFF?
(Thethaovanhoa.vn) - Sự hiện diện đến có cũng như không gần đây của Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã và đang trở thành “cảm hứng” cho các cuộc chiến với đủ chiêu trò hòng chiếm cái ghế ấy.
- VFF nhờ JFA chuyện Công Phượng, Thái Lan thua trắng Nhật Bản
- Công Vinh bảo vệ VFF, xem trực tiếp Futsal World Cup trên K+
- Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi: 'Không khó mời trọng tài ngoại'
Người ngoài cuộc nếu tinh ý cũng có thể nhận thấy, trong hơn 1 năm trở lại đây, nội bộ cấp cao VFF thường xuyên rơi vào cảnh lục đục. Một số cá nhân bị tấn công trực diện, như Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn. Ông Dũng và ông Tuấn từng là đích ngắm trong vụ “tố cáo nhận hối lộ” của 1 nhân viên dưới quyền hồi năm 2015 rồi sau đó được minh định là thiếu căn cứ. Mới nhất, cả 2 tiếp tục được nhắc tên trong lá đơn của các cựu cầu thủ, cựu trọng tài gửi lên Bộ VH-TT&DL.
Tất cả những câu chuyện trên đều xảy ra trùng với thời gian ông Lê Hùng Dũng ít xuất hiện bên ngoài. Sức khoẻ của ông Dũng là câu chuyện được quan tâm, bàn tán đặc biệt nhiều trong suốt hơn 1 năm qua. Ông Lê Nguyễn Hồng, uỷ viên BCH VFF khi được hỏi về việc này, cũng không ngần ngại cho rằng việc ông Dũng ốm đau ít nhiều khiến chiếc ghế Chủ tịch VFF trở nên được quan tâm, để ý.
Không phải ngẫu nhiên, sự kiện lá đơn của gần 100 cựu cầu thủ gửi Bộ trưởng vừa qua lại lập tức được người trong cuộc liên hệ với cuộc chiến xoay quanh chiếc ghế vắng ông Chủ tịch. Lá đơn nhấn vào các tồn tại của bóng đá Việt Nam hiện nay, như sai sót của trọng tài ở V-League, vấn đề “1 ông chủ nhiều đội bóng”, yếu kém của các quan chức lãnh đạo…Một loạt vấn đề nêu ra đều đúng, thậm chí là “cũ” của bóng đá Việt Nam.
Vị trí Chủ tịch VFF của ông Lê Hùng Dũng (đứng) bỗng nhiên trở nên "hot" trong thời gian qua.Ảnh: V.S.I
Tuy nhiên, V-League là giải đấu của VPF. Khán giả đến sân thưa dần là cũng là chuyện của VPF và bản thân các đội bóng không duy trì được động lực hay thành tích kém cỏi, mà cụ thể là của Becamex Bình Dương, của SLNA, của Sài Gòn FC, của HN T&T hay Long An và Đồng Tháp.
Cũng không thể nói rằng bóng đá Việt đang “tới đáy”, nếu người ta cho rằng bóng đá Việt là các đội tuyển. Các đội U16 và U19 rồi U23 vào VCK châu Á. Chuẩn mực AFF Cup dành cho ĐTVN thì phải cuối năm mới diễn ra, còn giải giao hữu AYA bank Cup mới đây đã vô địch.
Nó là sự hồi phục đáng kể, nếu so với thời gian sau khi chia tay HLV H.Calisto hồi năm 2010, bóng đá Việt Nam trải qua giai đoạn thực sự khó khăn. V.League tràn ngập nghi vấn về những trận đấu tiêu cực, đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng AFF cup 2010, tuyển U23 thi đấu không thành công ở SEA Games 2011, 2013. Các đội tuyển trẻ đuối sức so với các đối thủ trong khu vực.
Trên tờ Tuổi trẻ mới đây có bài báo cho rằng thành tích của các đội trẻ chỉ là nhờ mấy trung tâm đào tạo trẻ như PVF, Viettel, HN T&T, HAGL… Nhưng thực ra, chẳng có nền bóng đá phát triển trên thế giới mà Liên đoàn đi làm đào tạo trẻ cả. 10 năm trước, Liên đoàn thường duy trì đội trẻ của mình bằng cách lấy người của các trung tâm rồi đầu tư ăn tập và cuối cùng họ hiểu rằng đó là một sai lầm.
Một Liên đoàn đầu tư cho bóng đá trẻ là có những trung tâm tập luyện có cơ sở vật chất tốt, có hệ thống thi đấu trẻ tốt, và đội tuyển được đầu tư để cọ sát.
Thực tế hiện nay cho thấy U16, U19 đều đã được tham dự nhiều giải, được đi nước ngoài tập huấn, họ được tập trên một mặt sân đã được nâng cấp chuẩn mực, và hệ thống giải trẻ nói như HLV Đặng Phương Nam (Viettel) thì số trận cho các cầu thủ tiềm năng đã tăng lên đáng kể.
Và sau đúng 13 năm, BĐVN mới lại có một Giám đốc kỹ thuật, ông Gede (người Đức) để phụ trách toàn bộ các đội tuyển trẻ về mặt kỹ - chiến lược.
Hay ở trên một khía cạnh khác, bóng đá Việt Nam phanh phui được 2 vụ tiêu cực lớn thời gian qua, liên quan hoạt động bán độ của cầu thủ. Một ở CLB The Vissai Ninh Bình và 1 ở Đồng Nai.Nếu cho rằng tiêu cực là hạn chế thì không sai, nhưng sẽ chỉ là tồi tệ nếu không tuyên chiến với tiêu cực khi mà nó là vấn đề thâm căn cố đế qua hàng thập kỷ.
Ai thay ông Lê Hùng Dũng?
Những gì nói trên có thể dễ khiến ai đó lầm tưởng chúng ta đang bàn về một báo cáo công trạng bên cạnh một số những hạn chế. Nhưng nếu có trách nhiệm và công tâm, thì sự im lặng trước những nước cờ toan tính để hướng tới cái ghế Chủ tịch của Liên đoàn sẽ là một thiếu sót.
Phương thức này cho thấy nó chẳng có gì mới so với những lần VFF nổi sóng để mở ra một cuộc đổi thay về nhân sự ở Liên đoàn. Trong khi đó đáng ra, ở một tổ chức xã hội nghề nghiệp cần có sự minh bạch thì các cuộc vận động hành lang, đua tranh kiểu này liệu có thể mở ra một thế hệ lãnh đạo VFF đảm bảo BĐVN sẽ phát triển hơn?
Cách thức này có lẽ luôn làm cho VFF là tổ chức hấp dẫn nhưng các nhân sự có nhiều sự lựa chọn hơn thì đều đây đẩy chối. Và nếu cần phải có một Chủ tịch có thể ăn ngủ với BĐVN thì liệu có ai khả dĩ hơn so với các đồn đoán năm 2015, (khi xuất hiện thông tin ông Dũng xin rút lui vì lý do sức khoẻ)? Lúc ấy, tên tuổi một loạt ứng viên đồng thời cũng được đưa ra.
Như ông bầu Võ Quốc Thắng-Chủ tịch HĐQT VPF, ông Lê Quý Phượng, Hiệu trưởng Trường đại học TDTT Thành phố Hồ Chí Minh, hay cả Giám đốc Khu Liên hợp TTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, người trong suốt thời gian nắm quyền gắn liền với những câu chuyện om xòm trong dư luận như cho thuê cơ sở làm địa điểm massage, kinh doanh, karaoke hoặc lâu lâu lại lại tranh thủ “làm giá” sân Mỹ Đình với VFF mỗi lần ĐTQG thi đấu. Dĩ nhiên, cũng không thể không kể đến các thành viên Thường trực VFF, như Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Đoàn Nguyên Đức hay Nguyễn Xuân Gụ.
Trong số này, Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn có vẻ như “trội” hơn 1 chút, khi vừa có thâm niên, chuyên môn làm bóng đá, là người sát sao với các tuyển trẻ thời gian qua, và lại là “người nhà nước”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng có những nhược điểm là không được lòng giới truyền thông, ôm đồm nhiều chức vụ. Bầu Đức từng được đặt nhiều hy vọng, nhưng hiện đang trong giai đoạn khó khăn, đến độ phải “tạm gác bóng đá sang một bên”, như lời chia sẻ của ông Đức hồi năm ngoái. Phó chủ tịch phụ Nguyễn Xuân Gụ đơn thuần chỉ phụ trách mảng truyền thông. Ông Gụ dăm phen bộc bạch cũng nói luôn, là không mơ màng gì chuyện quyền lực, và thi thoảng chỉ giữ vai phản biện nhằm mong VFF tốt hơn.
Loanh quanh đều là những người cũ, nên cũng dễ hiểu cho việc đến thời điểm hiện tại, ngành thể thao vẫn chưa biết quyết đường nào. Người ta biết rằng khi đưa ra nguyện vọng rút lui, ông Lê Hùng Dũng đã được động viên để làm tiếp. Lý do là để ngành có thời gian kỹ hơn, đặng có thể lựa chọn ra một phương án tối ưu. Nhưng vô hình chung, việc này khiến cho cuộc đua tranh quanh chiếc ghế Chủ tịch càng trở nên quyết liệt. Với những người am tường, thì bóng đá Việt Nam ắt còn qua nhiều sóng gió, chừng nào ứng viên thực sự lộ diện, và đường hoàng ngồi lên thay vào vị trí của ông Lê Hùng Dũng hiện nay.
Vĩnh Xuân
Thể thao & Văn hóa cuối tuần