Ai có quyền chửi bậy?
(Thethaovanhoa.vn) - Một người mang danh thầy hiệu trưởng, được cho là có học hàm Tiến sĩ nhưng lại xơi xơi chửi học viên tại trụ sở trường. Hai clip ngắn vài phút ghi lại nội dung này lập tức khiến cộng đồng bức xúc bởi cách ứng xử của người thầy.
- Cấm chửi bậy ở chung cư: 'Hành chính hóa' văn hóa là bất khả?
- Nhà trường cấm học sinh chửi bậy trên facebook
Theo thông tin xác minh mới nhất, người thầy trong clip là TS. Phan Văn Hưng, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Sáng tạo. Còn người quay clip là một học viên của trường. Theo thông tin từ hai phía, clip ghi lại thời điểm học viên đến đòi lại số tiền đặt cọc của mình do không thể đi Hàn Quốc như thỏa thuận ban đầu. Sau màn chửi bới, hai bên đến trụ sở công an địa phương dàn hòa, học viên đã nhận lại đầy đủ tiền.
Hình ảnh ông Phan Văn Hưng dùng những lời lẽ tục tĩu lăng mạ học viên đươc lan truyền trên mạng. Ảnh cắt từ clip
Về việc học viên không thể đi Hàn Quốc học như dự tính, phía ông Hưng cho hay, trong quá trình học, học viên này vi phạm kỷ luật, nên không đủ điều kiện. Phía học viên, cậu cho rằng những lý lẽ này của ông Hưng và nhà trường là không đúng.
Với hai clip có tổng độ dài chưa đầy 10 phút, có lẽ, thật khó để đưa ra kết luận về sự thật đằng sau khuôn hình. Nhưng, có một điều tất cả chúng ta đều phải thừa nhận: hình ảnh thầy Hưng đứng lên bàn, dẫm vào ghế, liên tiếp văng tục, miệt thị với học sinh là hình ảnh rất tồi tệ.
Bởi, sư phạm là môi trường đặc thù. Tại đó, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Cách hành xử từ hai phía cần có sự tôn trọng tối thiểu dành cho nhau. Hành vi chửi bậy nhắm vào học viên là hành vi phi sư phạm, phản giáo dục và đi ngược đạo lý.
***
Một chi tiết đáng chú ý, nội dung câu chuyện giữa thầy và trò liên quan tới tiền. Cụ thể, trò đòi tiền thầy.
Điều này khiến người viết nhớ lại những cuộc tranh luận triền miên mà dư luận thường xới lên trước ngày 20/11, trong những năm gần đây. Đó là cuộc tranh cãi về việc nên nhìn nghề giáo bây giờ bằng cặp mắt "tôn sư trọng đạo" như trong quá khứ, hay như một dịch vụ giáo dục đơn thuần. Xa hơn, đó là câu hỏi về việc thầy giáo nên được nhìn như "người lái đò" khả kính đưa học trò qua các bến bờ tri thức hay đơn giản là người bán "mặt hàng" tri thức.
Trong câu chuyện tại trường Học viện Kinh tế Sáng tạo, dễ thấy, cả thầy và trò cùng tiếp cận với tâm thế của người bán - kẻ mua. Điều này cũng không quá lạ lẫm với môi trường giáo dục hiện tại. Và ít ra, cũng không phải là khía cạnh đáng để dư luận tranh cãi quá nhiều trong trường hợp này.
Mấu chốt của vấn đề: Thầy và trò (cho dù là người bán - người mua) cần nhìn nhau như những "đối tác" và cùng dành cho nhau sự tôn trọng, hợp tác. Vấn đề nảy sinh khi thầy trò ở hai đầu chiến tuyến. Buồn hơn, nguồn cơn của mâu thuẫn thầy - trò là tiền nong. Để rồi sau những lời qua, tiếng lại, người thầy đã hoàn toàn thiếu kiềm chế và có hành vi khó chấp nhận.
***
Chúng ta trong cuộc sống rất thường xuyên bắt gặp những câu chửi bậy. Vậy, ai có quyền thốt ra những câu chửi ấy?
Bà hàng cá ở chợ chửi bậy vì bị chiếm mất chỗ bán hàng. Ông xe ôm chửi bậy bởi con đường kẹt cứng. Cậu thanh niên văng tục vì tiền làm thêm bị ăn chặn... Việc chửi bậy là xấu và không thể cổ súy. Nhưng, nếu gặp những trường hợp kể trên trong cuộc sống bộn bề, chuyện "xả bức xúc" dạng này ít nhiều có thể khiến người ta hiểu và chấp nhận cho qua.
Nhưng, nếu là góc độ mua - bán giao dịch, không bao giờ, chuyện chửi bậy có thể được chấp nhận. Giống như việc bà bán bún ở đường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chỉ vì thói quen ăn nói bỗ bã mà đã phải khoác thương hiệu "bún chửi" lên cửa hàng của mình.
Cũng giống như, dưới góc độ kinh doanh dịch vụ, thầy giáo Hưng xứng đáng nhận những lời chỉ trích bởi hành vi không đúng mực, với "người tiêu dùng tri thức" .
Clip Hiệu trưởng đứng lên bàn chửi học viên thậm tệ. Nguồn: Youtube.com
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa