AI chưa thể thay thế các nhà báo
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã ứng dụng các kỹ năng công nghệ cao để phát triển, thậm chí có nơi còn nhắc đến việc dùng các “nhà báo robot” (trí tuệ nhân tạo - AI) để thay thế lực lượng lao động. Liệu AI sẽ là tương lai của báo chí?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN cho rằng:
“Nhà báo robot không còn là chuyện lạ lẫm như khi hãng tin AP tung ra những tin tức đầu tiên do máy viết vào tháng 1/2015. Nhiều hãng thông tấn và cơ quan báo chí trên thế giới đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình thu thập, thẩm định và sản xuất thông tin. New York Times, Washington Post, Quartz, Buzzfeed, BBC hay hãng tin Reuters có những hệ thống cực kỳ tinh vi.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đã dùng robot viết tin trong dịp Thế vận hội mùa Đông PyeongChang năm 2018, hãng tin Kyodo của Nhật Bản có cô phát thanh viên kiểu hoạt hình, tự động đọc tin trên màn hình lớn ở những nơi công cộng, Tân Hoa xã thậm chí còn có phát thanh viên trí tuệ nhân tạo trông như người thật và có biểu cảm giống như người thật. Hệ thống GPT2 của hãng nghiên cứu phi lợi nhuận OpenAI mà đứng sau là những nhân vật nổi tiếng như Elon Musk, Reid Hoffman, Sam Altman, còn viết được những bài báo hoàn hảo tới mức công ty này không dám tung phần mềm ra vì sợ bị sử dụng vào những mục đích đen tối.
Tuy nhiên, máy móc mới làm tốt những công việc tỉ mẩn, lặp đi lặp lại - chẳng hạn thông tin thời tiết, thể thao, một số loại tin về tài chính doanh nghiệp, chứng khoán - chứ chưa thể thay thế các công việc mang tính sáng tạo cao. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí để giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất nội dung và nhà báo giảm bớt thời gian cho những công việc lặt vặt, chứ chưa thể thay thế các nhà báo bằng xương bằng thịt.
Mới đây, hãng Microsoft quyết định sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để quản trị trang MSN (theo dạng lựa chọn thông tin từ nhiều nguồn và sắp xếp trên trang chứ không phải viết tin mới) nhưng ngay lập tức đã mắc lỗi khi không phân biệt được một số chi tiết nhạy cảm.
Xét về lâu dài, việc tích hợp AI trong hoạt động của tòa soạn sẽ trở nên phổ biến hơn, từ việc giúp phát hiện thông tin nóng cho đến hỗ trợ thẩm định tính chính xác và viết nhưng tin bài ngắn hoặc tạo ra những hình đồ họa hay video đơn giản, từ việc hỗ trợ phân tích dữ liệu, phát hiện tin giả cũng như gợi ý về các phương án hiệu quả hơn để tiếp cận người dùng, từ việc dịch thuật tự động cho đến chuyển đổi từ thông tin văn bản sang giọng nói và ngược lại, và tự động tổng hợp nội dung cho các bản tin văn bản hoặc âm thanh (dành cho các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói) v.v… Nhưng chắc chắn có nhiều công việc mà công nghệ không thể thay thế con người, ví dụ việc phỏng vấn nhân vật, viết các bài phóng sự và phóng sự điều tra, tổ chức nội dung…
AI sẽ góp phần tăng số lượng tin giả theo cấp số nhân Tin giả và tin chưa được kiểm chứng thì lại là một vấn nạn. Do cạnh tranh để giành lượng truy cập, một số báo đã vội vàng đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí không ít báo mắc bẫy tin giả, để rồi sau đó phải đính chính và thậm chí gỡ nội dung. Nhưng nguy hại hơn là nó làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí, vốn đã bị suy giảm ít nhiều trong những năm qua. Ngoài ra, phải kể đến sự tràn lan của tin giả trên các nền tảng truyền thông xã hội, do các cá nhân hoặc tổ chức tạo ra vì những lý do khác nhau, kể cả lý do gây rối loạn xã hội và làm mất uy tín của chính quyền. Dự đoán trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần tăng số lượng tin giả theo cấp số nhân, bằng đủ mọi loại hình và nội dung thì ngày càng giống thật khiến người dùng khó phân biệt được. Nếu báo chí không chủ động tham gia cuộc chiến chống tin giả, thì fake news sẽ càng làm cho niềm tin của công chúng đối với báo chí suy giảm hơn nữa. |
Huyền Anh