Ai Cập cam kết giải quyết tranh chấp quanh đập thủy điện Đại phục hưng
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi ngày 16/10 khẳng định nước này cam kết sẽ nỗ lực để giải quyết tranh chấp liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) do Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh theo hướng đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong bài phát biểu trực tuyến tại Tuần lễ Nước Cairo lần thứ 5 khai mạc ngày 16/10, Tổng thống El-Sisi cho biết Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy những nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu công bằng nói trên.
Ông El-Sisi nêu rõ Ai Cập là một trong những quốc gia đầu tiên tuân thủ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc liên quan đến các dòng sông xuyên biên giới, nhằm tránh gây tổn hại cho các bên khác và đảm bảo sử dụng công bằng các nguồn tài nguyên chung. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và làm việc cùng nhau để tối ưu hóa sự phồn thịnh của lưu vực sông Nile và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, thay vì các hành động cá nhân bất hợp tác.
Những bất đồng sâu sắc về GERD giữa Ai Cập và các bên liên quan đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ai Cập và Sudan đã tiến hành đàm phán với Ethiopia trong gần một thập kỷ qua để đạt được thỏa thuận toàn diện và có tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan đến việc tích nước và vận hành GERD.
Ai Cập, quốc gia chủ yếu dựa vào nguồn nước sông Nile, lo ngại các hoạt động đơn phương của Ehtiopia nhằm tích đầy hồ chứa có dung tích 74 tỷ m3 sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung cấp nước của Cairo.
- Vòng đàm phán mới nhất về đập thủy điện Đại Phục Hưng thất bại
- Ai Cập, Sudan và Ethiopia tháo gỡ bế tắc về Đập thủy điện Đại phục hưng
Nguồn nước sông Nile được coi là sống còn đối với Ai Cập. Với 104 triệu dân, 95% nguồn cung cấp nước của Ai Cập đến từ sông Nile. Ai Cập cần khoảng 114 tỷ m3 nước/năm, nhưng nước này hiện chỉ nhận trung bình 60 tỷ m3/năm, chủ yếu từ sông Nile, do lượng nước mưa và nước ngầm trong sa mạc rất hạn chế. Dân số Ai Cập dự kiến sẽ tăng thêm 75 triệu người vào năm 2050, và điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực về nguồn nước.
Nguyễn Trường/TTXVN