‘Ai bảo tôi, Tứ... khùng?!’
(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong số không nhiều các tuyển thủ dưới thời HLV Toshiya Miura chơi trọn 360 phút cho đội tuyển Việt Nam, tính đến trước trận bán kết lượt về với Malaysia, Lê Phước Tứ, người hùng còn sót lại từ AFF Cup 2008, là thủ lĩnh không chối cãi của hàng thủ, thậm chí là chỗ dựa cho cả đội.
Sự bền bỉ đáng kinh ngạc của “chuyên gia săn Tây” này khiến người ta phải ngỡ ngàng, bởi ít ai biết, Tứ từng phải mổ nối dây chằng chéo đầu gối, trải qua thời gian dài khác điều trị chấn thương rách cơ đầu đùi liên hoàn...
Phước Tứ bây giờ bớt... khùng rồi, ngược lại, khôn ngoan hơn trên sân khấu bóng đá và trong cả cuộc đời. Phải, làm gì có cuộc đời bình thường, mà chỉ có cuộc sống với cả cám dỗ, vấp ngã và tủi vinh. Với một người như Phước Tứ - lính Quân khu trên Tuyển, chúng ta có thể tin tưởng một cách tuyệt đối.
Một Phước Tứ hoàn hảo trên sân bóng
Sự nghiệp, Phước Tứ, 30 tuổi, đã trải qua không biết bao nhiêu trận đấu lớn nhỏ, ở đủ các cấp độ khác nhau; nếm trải bao vinh nhục, bao gồm cả những lần đốt lưới đội nhà. Khi đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên đăng quang tại một kỳ AFF Cup (năm 2008), Phước Tứ và Như Thành, người dập - kẻ thòng, đã tạo thành bộ đôi trung vệ hay nhất giải đấu. Sức ép kinh khủng tại Kallang Roar (Singapore, trận bán kết lượt về khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 1-0) hay Rajaganmala (Thái Lan, chung kết lượt đi, chúng ta thắng 2-1), không thể đánh gục chàng lính. Phải, Tứ đã là lính Quân khu V, trước khi được triệu tập ra lò Thể Công và sự nghiệp bắt đầu thăng hoa từ đây.
Phước Tứ là một cầu thủ khá toàn diện cả trên sân cỏ lẫn đời sống
Nhưng, một trong những trận đấu hay nhất của Phước Tứ trong màu áo đội tuyển quốc gia, phải là cuộc đối đầu với Malaysia ở Shah Alam mới đây. Trước sự bủa vây của những con hổ đói mồi, Phước Tứ cho thấy bản lĩnh của một cầu thủ lớn, hay ít nhất chỉ là một đàn anh, trong việc chỉ huy hàng phòng ngự, chống đỡ và đáp trả. Nhìn cách Tứ khiến hung thần Safee Sali tắt điện, buộc nhạc trưởng Safiq Salim phải nổi nóng, dính thẻ…, chúng ta không bất ngờ. Bất ngờ ở chỗ, Tứ đã tự điều chỉnh lối chơi, để trở thành hoàn hảo. Không còn là một Phước Tứ hùng hổ lao vào mỏi điểm nóng, đeo bám dai như đỉa đói nữa, mà là Tứ rất khôn ngoan, đĩnh đạc trong từng động tác bóng.
Trước đây, khi đá cặp với Như Thành (trong màu áo đội tuyển quốc gia) hay Đình Luật (cấp câu lạc bộ), Tứ thường chia sẻ nhiệm vụ đánh chặn, như một tiền vệ phòng ngự, nhờ sức mạnh (tranh chấp), tốc độ (đoạn ngắn) và óc phán đoán. Nhưng với hệ thống hàng phòng ngự 4 người như hiện tại của đội tuyển Việt Nam, Phước Tứ và trung vệ trẻ Tiến Thành bổ sung cho nhau thậm chí còn tốt hơn. Thành lên, Tứ lùi lại đón lõng và ngược lại. Đảm bảo rằng, chơi cạnh Phước Tứ, Tiến Thành đã tiến bộ từng ngày. Thực tế đã chứng minh điều đó, kể từ trận đấu đầu tiên vòng bảng, đến khi chúng ta đá các trận bán kết. Đấy là cái lợi của người trẻ và càng lợi hơn, khi họ được đứng cạnh người như Tứ.
Tiếc rằng, Gia Từ (một người trẻ và là đồng đội khác của Phước Tứ ở V.Ninh Bình) đã không rút ra được điều gì, dẫn đến lầm đường, lạc lối. Không có ý so sánh, nhưng khi đàn anh Như Thành, người mà Phước Tứ rất tôn trọng, dính vào những điều tiếng không hay, dẫn đến sự nghiệp lụi bại, Tứ vẫn ở đó, sừng sững như một hòn đá tảng. Khi Đình Luật, người đá cặp khá ăn ý trong màu áo câu lạc bộ, từ XMXT.Sài Gòn đến B.Bình Dương, không ít lần dính “phốt”, thì Phước Tứ như thể miễn nhiễm với thói hư tật xấu tại một môi trường bóng đá đầy cám dỗ… Hỏi, Tứ có xứng đáng để dành trọn niềm tin hay không, có xứng để người hâm mộ đứng cạnh và để cổ vũ hay không?!
Bất luận đội tuyển Việt Nam có vô địch hay không AFF Cup 2014, Tứ vẫn là một tượng đài. Còn nếu vận may mỉm cười một lần nữa, những người Mohican cuối cùng như Phước Tứ, Công Vinh, Tấn Tài và Thành Lương, sẽ đi vào ngôi nhà của những huyền thoại.
Rằng, sống để cho đâu chỉ nhận riêng mình
Kể từ ngày Bắc tiến (năm 2004, khi Phước Tứ tròn tuổi 20), bao năm ăn cơm Thủ đô cho đến khi chuyển vào Nam chơi bóng trong màu áo XMXT.Sài Gòn, rồi B.Bình Dương, Tứ vẫn cố gắng giữ được chất giọng Quảng Nam đặc thù. Thi thoảng, Tứ “khùng” cũng đá đểu bạn bè, đồng đội bằng chất giọng đớt đớt, tinh vi kiểu Bắc, thì cũng rất dễ thương. Nói chung, Tứ, dù ít giao du, nhưng là người dễ mến. Gặp rồi thì khó quên và chơi rồi thì không bỏ được. Cùng với sự thẳng tính như ruột ngựa, mà theo lời Tứ là “mất lòng trước được lòng sau”, thì trung vệ người Quảng Nam còn rất mã thượng, không chấp vặt và đặc biệt, có một tâm hồn đầy vị tha, một tấm lòng đầy trắc ẩn.
Chuyện cũng cũ rồi! Rằng khi Tứ kiếm được bản hợp đồng đắt giá lớn nhất đầu đời về XMXT.Sài Gòn (được cho là 12 tỷ đồng nguyên kiện, năm 2011), anh bắt đầu phân chia, giúp đỡ cho những người thân trong gia đình trước nhất. Kế đến, Tứ tự mình thực hiện các đợt làm từ thiện về với bà con nghèo quê mình. Anh cũng mua được căn nhà 5 tầng ở Hải Châu, Đà Nẵng, nhưng không phải để kinh doanh, mà dành cho các sinh viên nghèo đồng hương ra Đà Nẵng học Đại học. Không thú vui thời thượng, không chân dài, không xe hạng sang, không điện thoại đắt tiền…, Tứ dành cho người vợ hiền (quê Hải Phòng) và cô con gái nhỏ, bằng tình thương và bằng trách nhiệm của người chồng, người cha.
Khi XMXT.Sài Gòn giải thể, Tứ đã toan nghĩ tới đội bóng quê hương QNK.Quảng Nam và thực tế, đã về xứ Quảng để thương thảo hợp đồng. Nhưng vào phút cuối, anh lại phi ra Ninh Bình, bởi “không muốn mình bị tổn thương”, vì những thủ tục rườm rà và chuyện hậu trường dẫn lái. Rồi V.Ninh Bình cũng tiêu tan như ong vỡ tổ, sau án tiêu cực AFC Cup 2014 với trên dưới 10 cầu thủ nhúng chàm, Phước Tứ xuôi Bình Dương, nơi mà ông thầy cũ Lê Thuỵ Hải rất trọng tài năng, đức độ của Tứ. Trời không phụ lòng người, khi tại đất Thủ, Phước Tứ lần đầu tiên có chức vô địch V-League, để hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu. Và giờ, ở tuổi 30 và được liệt vào hàng lão, Tứ vẫn ở đó, chinh phục những cột mốc mới.
“Đây gần như sẽ là kỳ AFF Cup cuối cùng trong sự nghiệp của tôi, nên phải chiến thôi. Mình chơi cho mình trước nhất, nhưng cũng phải kích thích các thế hệ cầu thủ trẻ khác nữa. Đừng bao giờ đánh mất khát vọng”, Phước Tứ chia sẻ với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần.
Có nhiều những mẩu chuyện và cả những kỷ niệm, chỉ
của đàn ông mới có thể nói với nhau, chứ không tiện kể trên mặt báo (bản
thân Tứ chưa từng thích được đăng báo). Tứ “khùng” ít uống, chỉ vài
chai bia là mặt đỏ như Trương Phi và lúc ấy, tính anh cũng nóng như vị
tướng họ Trương. Phước Tứ chuyên môn không phải bàn cãi nữa, song bạn bè và các đồng đội quý anh nhiều hơn, ở tính cách. “Ai bảo tôi, Tứ “khùng” làm gì? Nhưng cuộc sống, chắc lép nhau làm gì, anh nhỉ (cười)? Cứ sống, tận hiến và tận hưởng niềm vui thôi”, đấy là lời trung vệ thép Lê Phước Tứ. |
CCKM
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần