ABG 5: Việt Nam nhất nhờ quyết tâm và tận dụng tốt lợi thế
(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các Đại hội thể thao cấp châu lục, đoàn Việt Nam giành ngôi vị số 1, thậm chí còn tạo nên một khoảng cách “vời vợi” so với các đoàn còn lại. Thái Lan - đoàn xếp thứ hai - thua chúng ta 16 HCV; còn Trung Quốc – xếp thứ 3, thì kém Việt Nam tới... 40 chiếc.
- ABG5: CĐV 'sốt' vì trận chung kết bóng ném nữ
- Đoàn Thể thao Việt Nam ‘vô đối’ ở ABG5
- Việt Nam giành HCV đầu tiên ở ABG5
Từ lợi thế sân nhà
So với “đấu trường chính quy” Asian Games, Đại hội thể thao bãi biển châu Á – Asian Beach Games (gọi tắt là ABG) vừa thua kém xa không chỉ về “tuổi đời” mà cả về tính chất. Theo đó, ABG cũng tương tự một Đại hội thể thao của châu lục khác là AIMAG (Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, trước đây là Đại hội thể thao trong nhà - AIG), là nơi bao gồm các nội dung thi đấu không được tiến hành tại Asian Games.
Thậm chí, để tạo thêm số nội dung tranh huy chương, người ta bổ sung thêm nhiều môn, phân môn vốn thuộc sân chơi thông thường (như điền kinh hay các môn võ) vào chương trình thi đấu, sửa đổi lại đôi chút về điều luật, thế là thành trở thành... môn thi bãi biển.
Bởi vậy, thực lực của các đoàn tham dự Đại hội vốn tùy thuộc vào điều kiện, sự quan tâm, hứng thú của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đối với sân chơi không chính thống này. Thực tế cho thấy, ngay từ Đại hội đầu tiên (2008) ở Bali, Indonesia tới nay, các cường quốc thể thao hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không mấy mặn mà với ABG.
Thế nên, mặc dù luôn là đoàn mạnh trong nhóm đầu tại Olympic và Asian Games, nhưng tại ABG, Trung Quốc chỉ mới 1 lần duy nhất dẫn đầu vào năm 2012 khi họ đóng vai chủ nhà của Đại hội lần thứ 3 năm 2012 (tổ chức ở thành phố Haiyang).
Sau 5 kỳ Đại hội, gần như chỉ có quốc gia đăng cai (trước Việt Nam là Indonesia, Oman, Trung Quốc và Thái Lan) – vốn phải bỏ nhiều kinh phí tổ chức - luôn đặt mục tiêu cao về thứ hạng trong bảng tổng sắp, từ đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, kèm theo đó là những sự bố trí, sắp xếp về nội dung thi đấu sao cho dễ “gặt hái” nhiều huy chương nhất!
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta có lợi thế đương nhiên về sân nhà, không chỉ bởi quen thuộc hơn với các địa điểm thi đấu, sự cổ vũ của đông đảo khán giả (nhiều môn bị quá tải do không bán vé), sự ưu ái phần nào của lực lượng trọng tài (ở những môn chấm điểm cảm tính), mà còn cả về các môn thi đấu (đá cầu, võ cổ truyền, vovinam là các môn truyền thống Việt Nam), hay đặc thù kỹ thuật (như môn đá cầu thi đấu bằng quả cầu Việt Nam)...
Việt Nam cũng là đoàn cử đông VĐV nhất (gấp rưỡi Thái Lan và gấp đôi Trung Quốc), tham dự đầy đủ 22 phân môn, trong đó khách quan mà nói, có nhiều nội dung thực ra chưa thi đấu đã gần như nắm chắc HCV!
Tới “quyết tâm cao độ”
Ngôi nhất toàn đoàn vốn đã nằm trong dự tính của các quan chức thể thao nước nhà từ trước khi ABG 5 diễn ra, dù trên công luận, họ chỉ công bố mục tiêu “lọt vào top 3” mà thôi.
Hàng loạt lợi thế kể trên là điều kiện CẦN để thể thao Việt Nam có thể “chắc suất” trong nhóm 2 hoặc 3 đoàn dẫn đầu. Thêm vào đó là điều kiện ĐỦ: Sự chuẩn bị chu đáo với hầu hết các đội tuyển đã được đầu tư kỹ lưỡng trong quá trình tập huấn, chuẩn bị hàng năm trời trước khi bước vào giải.
Xin được lấy ví dụ từ đội tuyển đá cầu. Kể từ giải VĐTG lần đầu năm 2000, đá cầu Việt Nam đã chấp nhận “nhún” trước Trung Quốc – đối trọng số 1 tại các giải thế giới, đồng ý thi đấu quả cầu lông ngỗng của bạn, vậy mà vẫn giành ngôi vị nhất toàn đoàn.
Tới ABG 5, việc thi đấu quả cầu đế nhựa tua nilon đã áp dụng tại các giải quốc gia mấy chục năm qua vốn có tốc độ bay nhanh hơn nhiều so với cầu Trung Quốc càng đem về lợi thế tuyệt đối. Chỉ có 6 đoàn đăng ký dự tranh môn này gồm Việt Nam, Trung Quốc, Macau, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan và Ấn Độ (góp mặt là chính). Bởi vậy, không có gì lạ khi Việt Nam giành trọn 7 HCV dù Trung Quốc vẫn đưa sang đội hình mạnh nhất!Việc đưa những môn võ truyền thống như vovinam và võ cổ truyền vào chương trình thi đấu cũng là “một công đôi việc”: Vừa giành thêm 8 HCV (dù về thực lực, Việt Nam hoàn toàn có thể lấy trọn bộ 20 tấm HCV ở 2 môn này), đồng thời có lợi cho công cuộc quốc tế hóa các môn này trong thời gian tới.
Cuối cùng, ở nhiều môn khác như silat, điền kinh, muay, kurash... chúng ta vốn đã mạnh lại càng vượt trội với những tuyển thủ mạnh “chính quy” được chuyển sang thi đấu trên bãi biển, hoặc “phiên” từ môn có luật thi đấu gần giống sang (như các võ sĩ judo thi đấu kurash). Tất cả tạo nên thế mạnh đồng bộ và rồi trở thành “cơn mưa vàng” ở đấu trường này.
Bởi vậy, khi nhìn vào quyết tâm và việc tận dụng mọi lợi thế (so với sự hờ hững của các nhiều đoàn bạn) thì việc chủ nhà Việt Nam chiếm ngôi đầu ABG 5 là điều dễ hiểu. Nó đương nhiên tô điểm thêm cho thành công của một kỳ Đại hội mà chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền của để tổ chức nó.
Chỉ có điều đáng trăn trở: Việc đầu tư rất lớn để giành quá nhiều huy chương như vậy tại đấu trường này dường như lại không gắn với thực chất nâng cao trình độ phát triển của thể thao chính quy Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi vậy, việc nảy sinh ý kiến những trái chiều, thậm chí là phê bình, từ một bộ phận không nhỏ dư luận với ABG 5 xem ra cũng có lý vậy!
Kiều Phong
Thể thao & Văn hóa