85 năm ngày sinh Yves Saint Laurent: Phong cách vượt thời gian
(Thethaovanhoa.vn) - Sự uyển chuyển về giới tính, việc đưa nghệ thuật đại chúng vào các mẫu thiết kế và sự đa dạng trên sàn catwalk là những dấu ấn trong phong cách của cố họa sĩ thời trang Yves Saint Laurent - người được cả thế giới kỷ niệm 85 năm ngày sinh vào hôm 1/8 vừa qua.
Laurent được gọi là một thiên tài của thời trang. Nhưng có lẽ, miêu tả chính xác nhất về nhà thiết kế người Pháp này phải là “nhà cách mạng” của giới thời trang - khi ông biết tạo ra những bộ trang phục nam để mặc cho... phái nữ, đồng thời có sự giao thoa giữa thời trang và nghệ thuật.
Thêm nữa, ông còn chiêu dụng các người mẫu da màu trình diễn các mẫu thiết kế của mình trên sàn catwalk rất lâu trước khi có trào lưu đa sắc tộc trong lĩnh vực này.
Cột mốc “Le Smoking”
Sinh ra cách đây 85 năm vào ngày 1/8/1936 và lớn lên ở Oran (Algeria), Yves Henri Donat Mathieu-Saint-Laurent là một cậu học sinh nhút nhát, bị các bạn đồng trang lứa bắt nạt vì yếu ớt như con gái. Vì vậy, cậu phải tìm nơi nương tựa trong việc thiết kế quần áo cho búp bê giấy.
Sử dụng những mảnh quần áo thừa của mẹ mình, Laurent đã tạo ra những bộ quần áo thời trang rất tinh xảo thu nhỏ cho các “người mẫu” là búp bê giấy, sau đó thiết kế váy cho mẹ và các chị gái.
Năm 17 tuổi, Laurent chuyển đến Paris và làm việc cho thương hiệu thời trang của chuyên gia Christian Dior. Khi Dior đột ngột qua đời, ở tuổi 21, Saint Laurent được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu này.
Các sản phẩm thời trang mang tên Trapeze mà Laurent thiết kế cho bộ sưu tập mùa Xuân của Dior năm 1958 đã báo trước rằng nhà thiết kế trẻ này là một người tiên phong trong lĩnh vực trang phục nữ.
Xuất phát từ chiếc eo thắt lại đặc trưng từ người tiền nhiệm của mình, các thiết kế của Saint Laurent có kiểu dáng nhẹ nhàng hơn, uyển chuyển hơn nhưng không kém phần duyên dáng để giải phóng vòng eo của phụ nữ.
Sau đó, Laurent rời Dior và thành lập nhãn hiệu mang tên mình vào năm 1961 với đối tác kinh doanh lâu dài và duy nhất trong đời mình - Pierre Berge, người đã khuyến khích khát vọng tiên phong của Saint Laurent.
Năm 1966, bộ sưu tập thời trang cao cấp Thu/Đông của ông có một bộ tuxedo được thiết kế riêng màu đen với một sọc bên hông bằng satin, mặc với một chiếc áo sơ mi trắng xù lông.
Lấy cảm hứng từ chiếc áo khoác “lounge” độc đáo được tạo ra vào những năm 1850 dành cho nam giới trong phòng hút thuốc, Laurent đã nảy sinh ý tưởng mang tính cách mạng về những người phụ nữ mặc tuxedo như trang phục buổi tối. Nhờ vậy, mẫu thiết kế “Le Smoking” ra đời. Và phong cách thời trang mang tính biểu tượng của Laurent đã hình thành, đánh dấu sự xuất hiện của ông với tư cách là 1 trong những nhà thiết kế tiêu biểu của thế kỷ 20.
Sinh thời, Laurent từng nói: “Đối với một người phụ nữ, “Le Smoking” là trang phục không thể thiếu. Qua bộ trang phục này, phụ nữ luôn tìm thấy mình trong thời trang, bởi đó là câu chuyện về phong cách. Thời trang đến rồi đi, nhưng phong cách là mãi mãi”.
“Le Smoking” nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự giải phóng nữ giới trong những năm 1960. Những người hâm mộ cuồng nhiệt phong cách này của ông gồm có Bianca Jagger, người đã mặc một phiên bản màu trắng khi cô kết hôn với thủ lĩnh ban nhạc rock huyền thoại Rolling Stones - Mick Jagger; rồi tiếp đó là nàng thơ của Saint Laurent - nữ diễn viên huyền thoại Pháp Catherine Deneuve.
Đưa nghệ thuật vào thời trang
Là một người yêu nghệ thuật, chiếc váy ca rô Mondrian của Laurent là một sự đổi mới khác. Ra mắt vào mùa Đông năm 1965, chiếc áo len và váy dạ tiệc chữ A bằng lụa của ông đã in dấu ấn với các tác phẩm nghệ thuật đại chúng của nghệ sĩ người Hà Lan Piet Mondrian, qua đó tạo ra một xu hướng mới giữa nghệ thuật và thời trang cao cấp.
Đối với bộ sưu tập Xuân/Hè năm 1988 của mình, Laurent đã tạo ra 4 chiếc áo khoác được thêu phong phú lấy cảm hứng từ bức tranh Sunflowers (Hoa hướng dương) và Irises (Hoa diên vĩ) của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh.
1 trong những chiếc áo khoác hoa hướng dương, do Naomi Campbell làm mẫu trên sàn catwalk, đã được bán cho Phòng trưng bày Quốc gia Victoria, Melbourne (Australia) thông qua đấu giá với giá 382.000 euro (450.993 USD) hồi năm 2019.
Laurent cũng là 1 trong những nhà thiết kế đầu tiên đưa phụ nữ da màu trên sàn catwalk của mình. Iman, Katoucha Niane và Dalma Callado là 1 trong số những người đã làm người mẫu trình diễn cho các tác phẩm của ông.
- Triển lãm Yves Saint Laurent ở Anh: Vẫn là 'vua' làng thời trang
- Yves Saint Laurent bị “tuýt còi” vì dùng ảnh người mẫu quá gầy
- 300 phác thảo của Yves Saint Laurent bị đánh cắp?
“Tôi xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue lần đầu tiên là nhờ trang phục của người đàn ông này” - siêu mẫu Naomi Campbell từng nói với Channel 4 News của Anh. “Tôi nói với anh: Yves, họ sẽ không đưa một cô gái da đen như tôi lên bìa tạp chí Vogue của Pháp. Và anh bảo: Tôi sẽ lo việc đó”.
Năm 1983, ở tuổi 47, Saint Laurent trở thành nhà thiết kế còn sống đầu tiên được ghi nhận với triển lãm hồi tưởng tại Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Năm 2017, đối tác Berge của ông đã mở 2 bảo tàng - ở Paris và ở Marrakesh - trong đó trưng bày hàng nghìn sản phẩm may mặc và bản phác thảo của ông.
Tại buổi trình diễn thời trang cao cấp cuối cùng của mình vào năm 2002, Laurent đã nói: “Tôi luôn muốn phục vụ phụ nữ. Tôi muốn đồng hành với họ trong phong trào giải phóng vĩ đại diễn ra vào thế kỷ trước”.
Laurent đã thua cuộc trong trận chiến với căn bệnh ung thư não vào ngày 1/6/2008. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng này cũng từng chiến đấu với chứng nghiện rượu và ma túy.
Việt Lâm (tổng hợp)