70 năm Giải phóng Thủ đô: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội (kỳ 3 & hết) - Tiếp tục phát huy thương hiệu Thành phố sáng tạo
Hà Nội là một thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) từ năm 2019 ở lĩnh vực thiết kế. Với danh hiệu này, Hà Nội đã và đang có nhiều cơ hội thuận lợi để định vị thương hiệu của Thủ đô, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cũng như tiềm năng phát triển, kết nối và hội nhập.
Cần nhắc lại, UCCN được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững. Thông qua việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, các thành phố trong mạng lưới UCCN nỗ lực tích hợp yếu tố sáng tạo vào các chiến lược phát triển đô thị, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
UCCN cho phép các thành phố tận dụng di sản văn hóa độc đáo của mình, không phải như một thực thể riêng biệt, mà là một phần không thể thiếu trong phát triển bền vững. Bằng cách thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, những thành phố này không chỉ bảo tồn truyền thống mà còn đóng góp vào bức tranh văn hóa toàn cầu, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển.
Tích hợp bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế
Thực tế Hà Nội đã và đang làm khá tốt việc tận dụng nền tảng truyền thống của mình để vừa bảo tồn các giá trị văn hóa vừa phát triển kinh tế. Đơn cử như những nỗ lực của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.
Theo đại diện UNESCO tại Việt Nam, "Nổi tiếng với di sản văn hóa phong phú và những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời, Hà Nội đã tận dụng tư cách thành viên UCCN và mạng lưới kết nối để kết hợp các giá trị truyền thống với thiết kế hiện đại mang tính đổi mới. Thành phố cũng đã thu hút nhiều chú ý khi văn hóa sáng tạo được dùng làm kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đi cùng với nó là một tầm nhìn dài hạn về cơ sở hạ tầng".
Cũng theo tổ chức này, từ năm 2019, tư cách thành viên UCCN và cam kết mạnh mẽ của thành phố đã đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn các ngành nghề truyền thống địa phương, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như sơn mài, dệt lụa và gốm sứ đang được tái hiện bởi một thế hệ nhà thiết kế mới. Qua việc thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, Hà Nội đã tạo ra cơ hội cho các nghệ nhân địa phương kết hợp kỹ thuật thủ công truyền thống với xu hướng thiết kế đương đại, làm cho sản phẩm của họ hấp dẫn hơn cả trong nước và quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ nghề thủ công truyền thống mà còn tạo ra những cơ hội thị trường mới và việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch và xuất khẩu".
"Tuy nhiên, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cũng đối mặt với một thách thức đó là tìm ra được điểm cân bằng. Như Hà Nội đã minh chứng, thành công nằm ở việc cho phép các nghệ nhân truyền thống được đổi mới trong khi vẫn gắn bó với gốc rễ văn hóa của họ. Bằng cách cung cấp các nền tảng như Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và tăng cường cơ hội hợp tác giữa các nhà thiết kế và nghệ nhân, các thành phố có thể bảo vệ truyền thống của mình trong khi vẫn tận dụng tiềm năng kinh tế của các ngành công nghiệp sáng tạo" - đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định.
Nói rộng ra, theo GS-TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), trước khi có những ngành văn hóa hiện đại thì công nghiệp văn hóa nên chăng phải bắt đầu từ các văn hóa truyền thống. Vấn đề là làm thế nào để khai thác và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó. Thực tế như các lễ hội, nghề thủ công, các trình diễn nghệ thuật dân gian, thực cảnh Tinh hoa Bắc bộtại chùa Thầy… chứng minh có thể khai thác và phát huy được để đem lại lợi ích kinh tế cho Thủ đô.
Cũng theo chuyên gia này, trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa được Hà Nội đề ra thì thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa là 2 lĩnh vực cần sự tham gia của văn hóa truyền thống nhất. Dần dần chúng ta sẽ phát triển các lĩnh vực còn lại, tuy nhiên những lĩnh vực đó đòi hỏi mất thời gian, tiền bạc và công sức không hề nhỏ, không thể ngày một ngày hai mà có được.
"Thực tế kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước phát triển cho thấy một Hollywood của Mỹ, K-pop của Hàn Quốc… đều có lịch sử lâu dài. Bởi vậy, khai thác công nghiệp văn hóa ngay từ cái chúng ta đang có - đó chính là văn hóa truyền thống mà chúng ta đang sở hữu, là việc cần được đặt ra trong quy hoạch văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới" - ông Lý nhấn mạnh.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế
Cũng liên quan đến thương hiệu Thành phố sáng tạo, trong tham luận Để công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Hà Nội gửi đến Hội thảo khoa quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu", PGS-TS Phạm Thị Thu Hương và PGS-TS Phạm Bích Huyền (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo khác trên thế giới để có những giải pháp cụ thể trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Đơn cử như việc lập bản đồ tài nguyên và nguồn lực văn hóa Thủ đô để xác định các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm và sản phẩm văn hóa chủ lực.Theo đó, các thành phố sáng tạo thành công, trở nên thịnh vượng là những thành phố đã phát huy một cách hiệu quả các nguồn lực văn hóa và truyền thống địa phương độc đáo của họ. Nhiều thành phố đã bắt đầu bằng việc tìm hiểu các tài sản văn hóa, sáng tạo và lợi thế so sánh của địa phương.
Có những thành phố đã định hình lại hướng khai thác, phát huy tài sản đặc sắc của họ, ví dụ Angoulême (Pháp), nơi nổi tiếng về ngành công nghiệp làm giấy đã vạch ra con đường phát triển lĩnh vực mới là truyện tranh và thiết kế đồ họa.
Các chuyên gia cho rằng, với Hà Nội nên chọn 4 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm, chủ lực là: Du lịch văn hóa, thủ công, ẩm thực, thiết kế. Bốn ngành này có thể khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế "thành phố di sản", "thành phố kiến trúc Á - Âu", "thành phố vì hòa bình", "thành phố sáng tạo"... của Hà Nội, chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa lịch sử, vốn văn hóa sáng tạo thành những giá trị vật chất và tinh thần đa diện, làm cho văn hóa Thủ đô thẩm thấu, lan tỏa mạnh mẽ, thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thành phố.
Hoặc một giải pháp khả thi khác cũng được các chuyên gia đưa ra, đó là kiến tạo không gian đô thị - cách tiếp cận đa diện trong thiết kế, quy hoạch và quản lý không gian công cộng là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Với việc được công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, đương nhiên Hà Nội đã đánh giá và xác định thế mạnh của mình là về thiết kế sáng tạo. Thiết kế ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, đó là việc kiến tạo các không gian đô thị, là việc tạo ra những không gian văn hóa nghệ thuật, không gian/tổ hợp sáng tạo. Đây cũng là xu thế phát triển của các đô thị hiện đại.
Đơn cử ở Seoul, dự án Thành phố truyền thông số đã tập trung vào việc tạo ra một không gian hấp dẫn và được trang bị hiện đại để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo. Dự án đã lựa chọn vị trí chiến lược, chuyển đổi chức năng của một vùng bãi rác trước đây trở thành một địa điểm mới, đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng cho đô thị. Mặt khác, Trung tâm tái thiết Seoul được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy các sáng kiến nâng cấp khu vực để khuyến khích việc xây dựng cộng đồng.
Còn với Hà Nội, các chuyên gia đề xuất, Hà Nội có thể giữ lại toàn bộ hoặc một phần những nhà máy cũ và biến nó trở thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn, mà nhằm tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Phần vỏ của nhiều nhà máy ngoài giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… còn có giá trị về không gian cần ứng dụng vào các chức năng có ích khác như không gian sáng tạo, không gian công cộng, không gian văn hóa nghệ thuật. Đây là cơ hội để đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, văn hóa, đô thị.
Rõ ràng, thay vì xây thêm những công trình xây dựng mới, có thể chuyển những nhà máy này thành những mô hình không gian sáng tạo, tổ hợp sáng tạo như bài học thành công của rất nhiều nước trên thế giới. Việc xây dựng mô hình không gian sáng tạo trên nguồn lực di sản công nghiệp dưới sự quản lý, điều phối của Nhà nước hoặc theo mô hình hợp tác công - tư là hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chung của cả nước và đặc biệt là riêng của Hà Nội. Đồng thời, có thể kết hợp mô hình này với việc đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - một trong những thế mạnh đáng kể của Hà Nội.
Các chuyên gia cho rằng, với Hà Nội nên chọn 4 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm, chủ lực là: Du lịch văn hóa, thủ công, ẩm thực, thiết kế.