70 năm Giải phóng Thủ đô: Làng, phố, Hà Nội qua một không gian rộng
16 nămsau ngày đi 4678 bước quanh Hồ Gươm, Đi ngang Hà Nội, rồi Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội,… đến năm 2024 này Nguyễn Ngọc Tiến lại có bước đi mới đến với Làng làng phố phố Hà Nội (NXB Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam). Cuốn sách với vô số câu chuyện, chi tiết lịch sử - văn hóa càng giúp hiểu vì sao vỉa tầng văn hóa của Hà Nội dày dặn, đa dạng, sinh động, phong phú đến vậy.
Hầu như với bất cứ vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào cũng có thể đặt câu hỏi và tìm được câu trả lời từ quá khứ tới hiện tại qua sử liệu, ghi chép của người Việt và người Pháp, ký ức cá nhân, ký ức cộng đồng; giai thoại, ca dao, tục ngữ lưu truyền trong dân gian; hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, hội hè…Từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác và so với những gì Nguyễn Ngọc Tiến trình bày trong các cuốn sách anh đã xuất bản, dù đọc nhiều, tìm hiểu nhiều cũng khó ai đủ tự tin để nói đã hiểu biết hết về Hà Nội.
Ví dụ gần 20 năm hầu như trưa nào cũng lững thững đi từ Hàng Trống sang Bảo Khánh, tôi thắc mắc tại sao ngay bên Bờ Hồ lại có con đường xuống dốc, mà không thể trả lời. Qua Làng làng phố phố Hà Nội thì biết có dốc Bảo Khánh vì xưa "Hàng Trống là mặt đê còn Bảo Khánh là sườn đê. Hồ Lục Thủy (nay là hồ Hoàn Kiếm) nằm ngoài đê" (tr.156).
Với Làng làng phố phố Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã khảo cứu lịch sử - văn hóa Hà Nội qua không gian lịch sử -văn hóa rộng hơn, không giới hạn trong không gian nội đô, ngoại thành vốn đã có từ trước. Lựa chọn là cần thiết, ngày nay Hà Nội đã mở rộng gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã, bức tranh lịch sử - văn hóa đa diện hơn, đa sắc hơn, trong đó có vùng văn hóa không kém đặc sắc như Xứ Đoài, rồi Thường Tín, Mê Linh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thanh Oai… Đặc biệt sự mở rộng đưa tới tỷ lệ vượt trội về số lượng giữa các làng với đô thị, và cư dân đa dạng với các sắc tộc Việt, Mường, Dao, Tày…Điều này là thách thức, bởi Nguyễn Ngọc Tiến thường khảo cứu lịch sử - văn hóa trong sự kết hợp giữa sách, tư liệu lưu trữ với tư liệu ghi chép, suy ngẫm sau các chuyến điền dã nhằm bảo đảm sự chuẩn xác, hấp dẫn, tính thuyết phục, giá trị của tác phẩm.
Nhìn vào mục lục, Làng làng phố phố Hà Nội như tập hợp của các bài viết khác nhau, nhưng đọc sẽ thấy cuốn sách được tổ chức bài bản hướng vào nhóm đề tài cụ thể. Với bố cục này mỗi bài viết là một cá thể đơn lẻ có thể đọc riêng từng bài, có thể đọc liền mạch theo hệ thống để nắm bắt chuyện làng làng, chuyện phố phố, chuyện Hà Nội. Đây không phải sản phẩm của "tư duy bài" mà là sản phẩm của "tư duy quyển".
***
Lựa chọn có chủ đích như thế, Nguyễn Ngọc Tiến khảo chứng lịch sử - văn hóa Hà Nội từ cội nguồn sơ khởi là làng Long Đỗ "nằm ở ngã ba sông Tô Lịch và sông Hồng" rồi dẫn dắt người đọc bằng cách mở rộng đến rất nhiều làng ven đô, ngoại ô, làng ở Sóc Sơn, Cổ Loa, Ứng Hòa, làng Mường, làng Dao…
Để khảo cứu chuyện "làng làng" qua phác dựng các nhóm làng có đặc điểm gần gũi về dân cư, tập quán, phong tục, nghề truyền thống,…Nguyễn Ngọc Tiến khổ công sưu tầm tư liệu, tìm hiểu và viết từ làng gốc Long Đỗ tới cách gọi tên làng, lệ làng và điều dân gian thường nói "phép vua thua lệ làng", rồi đình làng, hội làng, làng nghề, làng vùng ngoại ô, làng ở ngoại thành, làng bên sông Đuống, làng Dao xưa kia có tục "phụ nữ sơn đầu"; làng Mường có các truyền thuyết gắn với Tản Viên sơn, phụ nữ có chiếc cạp váy tinh xảo; và làng Nội Bài đã thành thương hiệu quốc tế; làng là nơi ra đời bài thơ Núi đôi; làng làm nghề "buôn chữ", làng làm nghề "đồng nát", làng có đặc sản trám đen, làng "xướng ca", làng đầu tiên trồng hoa và rau Tây… Qua "bàn phím" tỉ mỉ, dí dỏm của Nguyễn Ngọc Tiến, mỗi nhóm làng, mỗi làng đều có dáng vẻ sinh động riêng, thú vị và hấp dẫn.
Chuyện "phố phố" cũng vậy, tác giả lần theo lịch sử dẫn dắt từ thời thành Tống Bình ra đời (TK7) đến các giai đoạn lịch sử về sau để phân biệt phố và phố cổ; lý giải tại sao phố cổ có nhiều nhà ống; mô tả những trận hỏa hoạn kinh hoàng thời kinh đô, đô thị còn nhiều dinh thự, nhà cửa làm bằng tre, gỗ, nứa, lá; rồi sự ra đời của các phố mới, phố ngoài bãi; phố từ làng lên phố; phố đặt tên, gắn biển từ bao giờ. Tiếp nữa là phố có nét độc đáo riêng như phố Tết Trung thu, phố Hàng chợ Tết, phố biệt thự, phố KT (Khâm Thiên) nổi tiếng với cô đầu, nơi Vũ Bằng coi là "cái nôi của văn nghệ Hà Nội" một thời (tr.235); rồi phố ngắn nhất, phố không phải phố, phố có lá me bay, phố mùa, phố vốn có tên nay lại gọi là "phố check in, phố TikTok" vì là địa điểm để vào ngày nghỉ chị em Hà thành đến chụp ảnh kỷ niệm, "nuôi con phây", đưa lên TikTok. Và "phố phố" vẫn lưu giữ ký ức đau thương của 2 mùa Đông lịch sử, là phố "âm phủ" gắn với sự hy sinh của người Hà Nội trong hơn 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành phố vào cuối năm 1946 đầu năm 1947; đó là các phố, các làng phải chịu những trận bom kinh hoàng của máy bay Hoa Kỳ vào mùa Đông năm 1972.
***
Viết sao thì Nguyễn Ngọc Tiến vẫn trở về với trung tâm Hà Nội,và cuốn sách có phần ba nhan đề như vẫy gọi: Hà Nội Hà Nội. Tác giả ngược về thời sơ khai để luận bàn về gốc địa lý và gốc văn hóa, đi từ trả lời câu hỏi Hà Nội "có thanh lịch?", có phải "mảnh đất đáng sống?",… đến công viên ghế đá, cung cấp điện, tách nhập xã phường, lai lịch Thủy Tạ, ẩm thực và nấu nướng, "giò Chèm, nem Vẽ" và bánh khoai phồng, bánh mảnh cộng như đã thất truyền. Cùng với đó là di sản công nghiệp, di sản hồ, sạp bán báo, môn phái võ, tín dụng đen, chuyện Hà Nội có voi; phác dựng lịch sử và văn hóa Sơn Tây - thị xã duy nhất thuộc Hà Nội.
Một chi tiết thú vị là dựa trên chứng cứ lịch sử, Nguyễn Ngọc Tiến cho biết bánh bèo vốn xuất xứ Hà Nội từ TK 15 với tên gọi là bánh bình cao…
Đọc Hà Nội Hà Nội như thấy phảng phất nỗi âu lo của tác giả về những biến dịch vừa hay vừa dở mà Hà Nội đang trải qua. Như anh viết: "Không phải phố cổ, phố cũ đều đẹp, đều hay, không phải phố hiện đại đều thô đều cứng, nhưng một đô thị, dù nhỏ hay to, đều phải gọn gàng, văn minh. Không thể nhân danh phát triển mà được xây dựng tùy tiện, lại càng không được vùi dập, phá bỏ những giá trị phải mất hàng trăm năm mới có được. Tiền có thể mua nhiều thứ, có thể phục hồi cái đã mất, song không bao giờ mua được thời gian" (tr.285-tr.286).
Tổ chức tác phẩm như trong Làng làng phố phố Hà Nội giúp người đọc dễ hình dung, dễ nắm bắt có hệ thống nhưng người viết rất "tốn" tài liệu vì phải đọc, khảo sát, ghi chép, liên tưởng, suy ngẫm nhiều hơn bình thường. Tác giả rất "tốn chữ" vì mỗi bài viết không đơn thuần kể tả thông thường điểm xuyết vài tư liệu lịch sử, mà dài hay ngắn vẫn là khảo chứng lịch sử - văn hóa chi tiết, tỉ mỉ, bàn luận với tác giả khác, đề cập các số phận, nỗi niềm của người từng trải qua, có liên quan. Với vấn đề, sự kiện, hiện tượng còn tồn nghi, tác giả giới thiệu giả thuyết khác nhau để người đọc lựa chọn, chỉ có ý kiến riêng khi chứng lý đã bảo đảm. Và sự tin cậy, sức hấp dẫn của tác phẩm cũng từ đó mà ra.
Tuy nhiên trong lịch sử, các văn bản về luật lệ của triều đình, chính quyền thực dân thường liên quan một số lĩnh vực, các bài viết khác nhau phải dẫn văn bản đó nên nội dung cuốn sách có chỗ lặp lại. Đồng thời việc sử dụng rất nhiều tư liệu, ý kiến, đề cập rất nhiều sự kiện, lĩnh vực,… trong một cuốn sách cũng dễ khiến sơ suất. Ví dụ trang 64 tác giả viết: "Xưa dân ngụ cư không được ở trong làng, phải ở bên ngoài gọi là trại, sau 3, 4 năm, đàn ông mới được coi là đinh của làng, được ngồi trong đình ăn cỗ, bàn việc", tôi ngạc nhiên. Sau đến trang 291 thấy trình bày chi tiết lệ làng sau 3-5 đời dân ngụ cư mới được công nhận chính cư thì hiểu tác giả chưa "quản lý" hết nội dung đã viết. Ví dụ khác là nên ghi chú khi sử dụng biệt ngữ địa phương (như tên gọi phổ biến là cúc tần, không phải là khúc tần)...
Âu cũng là sơ suất khó tránh khỏi giữa bộn bề chữ nghĩa, hy vọng tác giả sẽ khắc phục khi tái bản. Và từ những gì đã đọc, tôi coi Làng làng phố phố Hà Nội tiếp tục là một thành công mới của Nguyễn Ngọc Tiến.
"Không phải phố cổ, phố cũ đều đẹp, đều hay, không phải phố hiện đại đều thô đều cứng, nhưng một đô thị, dù nhỏ hay to, đều phải gọn gàng, văn minh…" - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.