70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam - Xem phim 'Chung một dòng sông': 'Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy'
Phim Chung một dòng sông được chiếu khai mạc trong Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) tại Viện phim Việt Nam. Tôi không thể nhớ đã xem bộ phim này đến lần thứ bao nhiêu, song lần nào xem vẫn để lại trong tôi nhiều cảm xúc về "cái thuở ban đầu" của điện ảnh nước nhà.
1. Chung một dòng sông là bộ phim truyện khởi đầu cho điện ảnh cách mạng nước ta gắn với sự hình thành của Xưởng phim Truyện Việt Nam ra đời sau 6 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập "Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam" (15/3/1953) tại Thái Nguyên.
Do Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (Phạm Kỳ Nam) đạo diễn, phim dựa trên kịch bản đầu có tên "Tình không giới tuyến" của tác giả Cao Đình Báu. Sau nhiều lần được góp ý, sửa chữa đề cương còn sơ lược, tác giả đã cùng Đào Xuân Tùng hoàn thiện kịch bản với tên gọi là Chung một dòng sông.
Nội dung bộ phim xoay quanh tình yêu của Hoài và Vận - hai thanh niên sống ở vùng giới tuyến. Sau Hiệp định Geneve, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai bờ Nam - Bắc. Nhân vật Vận là du kích ở bờ Bắc. Nhân vật Hoài ở bờ Nam làm nhiệm vụ chở du kích qua sông. Họ yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp và hai bên gia đình dự định tổ chức lễ cưới.
Sự cố xảy ra vào đúng ngày cưới của Vận, Hoài khi bị cảnh sát bên bờ Nam cản trở. Khi thuyền của nhà trai từ bờ Bắc sang bờ Nam đón dâu đã bị cảnh sát cấm cản, không cho lên bờ và nhà trai phải ngậm ngùi quay thuyền về. Mối tình của Vận, Hoài bị cắt chia, cản ngăn từ đây. Bộ phim đã khéo lồng vấn đề của đất nước thời điểm đó trong một câu chuyện tình yêu.
Hòa bình lập lại sau Hiệp định Geneve, nhân dân bờ Bắc phấn khởi sống trong cảnh hòa bình thì phía bờ Nam, chính quyền Mỹ - Ngụy đàn áp quần chúng, tung gián điệp phá hoại hòa bình. Gia đình Hoài bị truy bức. Bản thân Hoài bị Xướng (Đồn trưởng cảnh sát đối phương) sàm sỡ, mua chuộc, đánh đập, cấm cản, mưu đồ chia rẽ tình yêu của hai người. Nhưng với sự giúp đỡ của người dân bờ Nam, Hoài đã vượt tuyến sang bờ Bắc gặp người yêu. Tình yêu cho cô động lực lớn lao, Hoài trở về bờ Nam cùng mẹ và dân làng tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Câu chuyện tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của Hoài và Vận gắn liền với vận mệnh dân tộc từ đó.
2. Đánh dấu cho sự ra đời của bộ phim truyện đầu tiên về đề tài chiến tranh cách mạng là cuộc "ra quân" tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ từ các cơ sở: Trường Điện ảnh Việt Nam, Trường Sân khấu Việt Nam, Xưởng phim Truyện Việt Nam... Một ê-kíp Xưởng phim Truyện Việt Nam hình thành đều lần đầu làm quen với loại hình phim truyện, nên không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ buổi ban đầu. Họ vừa làm vừa học hỏi.
Thời điểm này ngoài Phạm Kỳ Nam là đạo diễn duy nhất được đào tạo bài bản ở nước ngoài (Học viện Điện ảnh Pháp), còn lại các nhà làm phim mới từ chiến khu Việt Bắc về và chủ yếu mới có kinh nghiệm sản xuất phim tài liệu, thời sự. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Hồng Nghi phải tính toán trước bối cảnh, không gian, chỗ đặt máy, vị trí của diễn viên... để hạn chế tối đa việc quay lại.
Lần đầu tiên, họa sĩ Đào Đức đảm nhận vai trò thiết kế mỹ thuật phim. Tham gia phần thiết kế mỹ thuật phim là các họa sĩ Vi Ngọc Linh, Nguyễn Công Độ. Quay phim có nghệ sĩ Nguyễn Đắc. Nhạc phim do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đảm nhận...
Diễn viên hầu hết xuất thân từ các lĩnh vực khác. Họ chỉ có tâm huyết, lòng đam mê, khát vọng được cống hiến cho điện ảnh nước nhà, nhưng lại thiếu kinh nghiệm diễn xuất. Dẫu thế, đội ngũ diễn viên đã hào hởi tham gia vào các vai chính/phụ, quần chúng trong bộ phim với với tinh thần vừa làm, vừa học hỏi. Những gương nghệ sĩ năm 1959 sau này đã trở nên thân quen làm nên diện mạo nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, như: Phi Nga (vai Hoài), Mạnh Linh (vai Vận), Song Kim (vai Mẹ Hoài), Huy Công (vai Quảng), Thu An (vai Chị Cạn), Trịnh Thịnh (vai Thư ký Liêu), Danh Tấn (vai Xướng), Trần Đình Thọ (vai Ông Bân), Bích Vân (vai Thởi gián điệp), Văn Phức (vai Bố Vận), Văn Hòa vai Quận trưởng), Đỗ Thụy (vai gián điệp), Ngô Nam (vai Cảnh sát sẹo), Hòa Tâm (vai Cảnh sát 1)...
Sau khi kịch bản phim được chấp thuận, bộ phim được thực hiện trong khoảng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 2 năm 1959. Đoàn làm phim từ Hà Nội vào Quảng Bình quay bối cảnh đôi bờ Bến Hải tại sông Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đồng Hới. Máy móc làm phim được đò chở, còn anh em làm phim, diễn viên thì bơi theo sau.
Diễn viên phần lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau chưa qua đào tạo. Một số diễn viên mới vào học khóa đầu của các trường sân khấu, điện ảnh, xưởng phim, nên hầu như chưa có kinh nghiệm diễn xuất, thoại, nhiều khi còn đứng quay lưng vào máy quay.
Cả ê-kíp Chung một dòng sông đã tập trung cao độ, chịu đựng mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn... để quay cho được những thước phim sinh động nhất về đôi bờ giới tuyến. Bất chấp thời tiết miền cát trắng khắc nghiệt khi quay buổi trưa, cát nóng phả vào mặt, vào người bỏng rát, chân trần giẫm trên cát bỏng và có lúc, diễn viên phải cởi áo bọc chân chạy trên cát cháy. Họ đã bên nhau suốt 4 tháng trời cùng ăn ở, cùng lao động, cùng sống với người dân học hỏi cách sống, sinh hoạt, đánh cá, dệt lưới, hun thuyền...
Nghệ sĩ Huy Công vào vai Quảng (Trưởng Công an) thành công, bởi ông đã học cách đi của người dân, cứ men theo mép biển, chỗ nước tạt lên cát. Ngày đó, nghệ sĩ Trịnh Thịnh cùng anh em trong Xường phim đang đi lao động XHCN ở Thanh Hóa. Ông được đạo diễn Phạm Kỳ Nam gọi về và giao ngay cho vai Thư ký Liêu.
Lúc đó, NSND Trần Phương vào vai một thanh niên trong đoàn người bờ Bắc tham gia đấu tranh cho dân hai bờ Bến Hải được đoàn tụ. Nói về một thời làm phim không thể quên, "chàng A Phủ" Trần Phương phải thốt lên "Chúng ta đã có một thời làm phim vô cùng hồn nhiên"...
Phi Nga - lớp diễn viên điện ảnh khóa I (1959-1962) hóa thân vào vai chính đầu tiên khá tự nhiên, chân chất, giản dị. Chị Phi Nga mới vào trường, chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Lúc đầu, đầu đạo diễn dự định giao cho chị một vai phụ. Sau khi thử vai chỉ một lần duy nhất, Phi Nga đã được nhận vai chính. Có lẽ sự thuyết phục ở chị là bởi cách diễn xuất truyền cảm, tự nhiên, chân chất, giản dị. Với khuôn mặt tươi sáng, nụ cười nhỏ nhẹ, duyên dáng, vai diễn của Phi Nga chân chất, hồn nhiên, hài hòa từ hình thức thể hiện với chiều sâu nội tâm. Qua diễn xuất của chị, nhân vật Hoài hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với tâm hồn trong sáng, đôn hậu, cốt cách, quả cảm, can trường. Đạo diễn đã rất tinh tế khi mời chị - người con miền Nam tập kết ra Bắc - vào vai Hoài trong hoàn cảnh hạnh phúc lứa đôi bị cản trở, mang nỗi đau chia cắt hai miền.
Là diễn viên kịch nói sân khấu quen thuộc với đông đảo khán giả, vai Vận là vai chính điện ảnh đầu tiên của nghệ sĩ Mạnh Linh. Cả hai diễn viên Mạnh Linh - Phi Nga đã cộng hưởng diễn xuất làm nên bản tình ca đẹp, vượt giới tuyến.
Chung một dòng sông công chiếu chính thức vào ngày 20/7/1959 kỷ niệm 5 năm sự kiện ký kết Hiệp định Geneve. Phim được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ nhất năm 1959. Bộ phim đoạt Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (1973).
Sau nửa thế kỷ công chiếu đầu tiên, Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng phim Phương Nam đã hợp tác phát hành 50 phim kinh điển của Điện ảnh Việt Nam dưới định dạng DVD, trong đó Chung một dòng sông là bộ phim đầu tiên được chọn để ra mắt...
3. Nhận xét về "đứa con đầu lòng" của nền điện ảnh sơ khai, những nhà phê bình điện ảnh đã thẳng thắn chỉ ra những điểm "chưa đủ" của bộ phim: Nội dung còn sơ sài, cốt truyện còn lỏng lẻo, tính cách không rõ, tâm lý nhân vật, tuyến nhân vật còn một chiều, chất lượng âm thanh chưa tốt...
Đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi cho rằng "Tính tư tưởng của tác phẩm thì khá phong phú, nhưng tính nghệ thuật lại chưa đủ". Sau này, trải lòng về vai diễn đầu tiên của mình, nghệ sĩ Phi Nga cũng thành thực tự "kiểm điểm" rằng bản thân còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm...
Nói về sự kiện đầu tiên này, Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa (Giám đốc đầu tiên của Xưởng phim Điện ảnh Việt Nam) cho rằng phim đánh dấu bước tiến quan trọng và triển vọng về loại hình phim truyện trong nước. Nội dung tư tưởng bộ phim được đánh giá là đề cập đến những vấn đề mang tính nóng hổi, thời sự đương thời; hướng đến mọi đối tượng khán giả. Nhà thơ Thép Mới khen ngợi: Chung một dòng sông "rất mạnh dạn đi thẳng và thể hiện - dù chỉ khía cạnh nào - một tình cảm lớn nhất của nhân dân, của thời đại" (báo Nhân Dân 17/7/1959). Khởi đầu tránh sao khỏi bỡ ngỡ, nhưng có một điều chắc chắn là sau khi bộ phim được công chiếu là hàng loạt bộ phim được sản xuất và phát hành, như: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu...
Bộ phim Chung một dòng sông ra đời có ý nghĩa thời sự, đề cập đến vấn đề nóng hổi của dân tộc là tinh thần đấu tranh thống nhất nước nhà. Bộ phim đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo khán giả khát vọng hòa bình, thống nhất nối kết "Quê ta liền một dải/ Từ mũi Cà Mau/ Đến địa đầu Móng Cái" (Học đi em - Tố Hữu).