"Tro tàn rực rỡ" - Đốm sáng cuối năm của điện ảnh Việt
Không uổng phí 7 năm dụng công và uy tín của một nhà làm phim từng có nhiều giải quốc tế, Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thắp lên được đốm sáng cho điện ảnh Việt dịp cuối năm 2022, không chỉ vì giải thưởng Kinh khí cầu vàng danh giá vừa giành được tại LHP Ba châu lục tại Pháp. Phim công chiếu toàn quốc từ ngày 2/12.
Sau Cánh đồng bất tận và Biến mất ở thư viện (phim ngắn), thế giới văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ điện ảnh trong Tro tàn rực rỡ - tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên và truyện Củi mục trôi về.
Lấy bối cảnh xóm Thơm Rơm - một làng chài miền Tây nghèo khó, Tro tàn rực rỡ xoay quanh câu chuyện tình yêu đầy khắc khoải của ba người phụ nữ Nhàn, Hậu và Loan khùng.
Mỗi người họ có một số phận khác nhau nhưng đều mang trong mình ngọn lửa khát khao tình yêu rực cháy, bất chấp cái họ nhận lại được từ người đàn ông của mình là sự thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng, trốn tránh. Tình yêu của ba người phụ nữ kiên cường đến mức khiến họ bao dung luôn những lỗi lầm của "nửa kia", cố chấp hòng giữ gìn niềm hạnh phúc mong manh.
Nhưng mặc cho những nỗ lực, cố gắng, họ vẫn không có được thứ mà mình mong muốn.
Nỗi buồn con chữ lan lên màn ảnh
Truyện Nguyễn Ngọc Tư luôn mang nỗi buồn man mác, day dứt và ám ảnh bởi sự nghèo khổ, bế tắc thường lên đến đỉnh điểm. Bộ phim của Bùi Thạc Chuyên chuyển tải được không khí đó qua việc các nhân vật rất ít thoại, khóc cười gần như trong lặng lẽ, lối diễn xuất mang tính tiết chế, tông màu phim xám lạnh như màu tro, nhịp phim chậm rãi.
Ba người phụ nữ trong phim ai cũng có những ẩn ức riêng. Nhàn (Phương Anh Đào đóng) lấy Tam (Quang Tuấn đóng) - người mà cô yêu thương - nhưng hạnh phúc chỉ kéo dài đến khi con gái họ qua đời. Mất mát quá lớn khiến Tam quay lưng với vợ, công việc của một thợ than khiến anh tìm niềm vui trong lửa như thể chỉ có lửa mới đốt hết nỗi bi thương.
Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling đóng) là người vui nhất khi nhà Nhàn cháy, vì chỉ có vậy cô mới có chuyện kể cho chồng nghe. Dương (Lê Công Hoàng đóng) - chồng cô - yêu thầm Nhàn nhưng lỡ làm Hậu có bầu nên phải cưới. Dương tìm quên trong những chuyến đi biển dài ngày để hành nghề đóng đáy hàng khơi. Mỗi khi về nhà, chỉ những câu chuyện liên quan đến Nhàn mới khiến anh đoái hoài đến Hậu.
Trong xóm Thơm Rơm còn có Loan khùng (NSƯT Hạnh Thúy đóng) - người phụ nữ điên dại sau một lần bị làm nhục. Đằng đẵng mấy chục năm, thủ phạm (Khang, do Thạch Kim Long đóng) quay về và Loan bám lấy gã để bắt đền sự ế chồng của mình, nhưng gã dở đạo dở đời kia không dám chịu trách nhiệm với cô.
Phim Tro tàn rực rỡ khắc họa sự hy sinh, bao dung đến mê muội của những người phụ nữ. Người xem càng khắc khoải theo khi nhìn thấy hình ảnh những nhà sàn nhà tranh, cảnh sông nước sình lầy, cảnh biển, cảnh sinh hoạt lao động của người dân hiện lên rất đẹp, nhưng không thơ mộng, mà đậm mùi khổ cực.
Thách thức khán giả số đông
Lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có một bộ phim miêu tả đặc sắc về không gian miền Tây sông nước. Tính văn hóa vùng miền được đặc tả qua cảnh rước dâu bằng ghe, cảnh Dương cheo leo hành nghề đóng đáy hàng khơi ngoài biển, các nhân vật di chuyển bằng xuồng máy hoặc chuyện sư thầy uống rượu, người dân tụ tập xem cháy nhà như đi coi hát.
Có thể nói phim đã làm rất tốt phần "xác" miền Tây này, nhưng hồn cốt miền Tây chưa được rõ nét cho lắm. Ví dụ cảnh người dân xem tivi phát cụ bà hát xẩm, ca sĩ hát nhạc Trịnh - những thể loại âm nhạc còn khá lạ với đa số gu ưa cải lương, bolero của dân miền Tây - cũng làm người xem thấy hơi lạ lẫm.
Người kể chuyện chính của phim là Hậu, nhưng chất giọng Việt kiều, đớt đát của Juliet Bích Ngọc Doling khiến người xem hơi tụt hứng, vì không thấy được chất miền Tây của nhân vật này. Diễn xuất của cô gái 18 tuổi cũng chỉ ở mức tròn vai, vì vậy mà sự chờ đợi suốt 5 năm của Bùi Thạc Chuyên để trao vai này cho cô thì hơi khó hiểu.
Ngoài ra, nếu ai chưa đọc 2 truyện ngắn mà phim chuyển thể cũng sẽ thấy mông lung với câu chuyện đang được anh kể, vì tuyến nhân vật Tam - Nhàn - Hậu - Dương và tuyến nhân vật Loan khùng - Khang-sư thầy chưa được liên kết mượt mà.
Phim Tro tàn rực rỡ đậm chất nghệ thuật, nhưng không phải quá khó xem như nhiều phim trước đây của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Văn của Nguyễn Ngọc Tư bình dị, thì hình ảnh trong phim của anh cũng tối giản. Mọi thứ trong phim đều thể hiện tâm huyết, kỳ công và tài năng của một nhà làm phim chân chính, hướng thượng. Nhưng cũng như nhiều tác phẩm điện ảnh khác được chuyển thể từ truyện nói chung và truyện của Nguyễn Ngọc Tư nói riêng, phim khó làm hài lòng người đọc truyện. Nhất là khi câu chữ của nữ nhà văn này mang tính tự sự, trầm uất, khó nắm bắt.
Phim Tro tàn rực rỡ gợi nhiều cảm xúc, nhưng cũng rất thách thức thị hiếu số đông, vì không có nhiều kịch tính, cao trào, các cú lật chuyện (plot twist), tiết tấu lại chậm rãi… Phim mang tính hiện thực, trọng chi tiết, tiểu tiết, nội dung ẩn chứa nhiều thông điệp, nhiều tầng ý nghĩa, hình ảnh đậm tính ẩn dụ (lửa, nước) nên càng không dễ xem.
Từ đầu năm đến nay điện ảnh Việt đã trượt dài trong tăm tối vì chất lượng phim ngày càng đi xuống. Sự có mặt của Tro tàn rực rỡ thắp lên đốm sáng nhỏ cuối năm cho phim Việt, vực dậy niềm tin cho khán giả rằng điện ảnh Việt vẫn còn đó những tác phẩm nghệ thuật chỉn chu, có tâm có tầm. Với Tro tàn rực rỡ, biên kịch - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đốt lên một đám cháy - như đám cháy đầy ẩn dụ trong phim - để người xem "coi chơi", xem một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa sẽ đẹp đẽ, thuần khiết đến dường nào.
Phim đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên sau 10 năm, kể từ Lời nguyền huyết ngải. Phim có thể khiến người này thích, người kia không thích, nhưng không thể phủ nhận sự tái xuất của anh thật rực rỡ, xứng đáng với sự chờ đợi của những người yêu mến anh và xứng đáng với sự đầu tư 2 năm cho kịch bản, 5 năm làm phim của anh.