64% các cặp vợ chồng thừa nhận tiền bạc là thách thức lớn nhất trong hôn nhân: Khi tài chính không hanh thông, liệu tình yêu có còn là điều quan trọng nhất?
Khi bước qua giai đoạn đầu ngọt ngào của tình yêu, các cặp đôi bắt đầu phải đối diện với những biến cố. Trong đó, tiền bạc chính là một trong những ngưỡng cửa cực kỳ quan trọng. Nó có thể khiến bạn hạnh phúc nhưng cũng có thể khiến vợ chồng phải ly tán.
Bi kịch hôn nhân từ tiền bạc
Với mọi người, mua căn hộ đầu tiên là khoảnh khắc tự hào và phấn khích, nhưng với Lucy, ngôi nhà nhốt cô vào cơn ác mộng tài chính, dưới bàn tay bạn trai.
11 năm sau, Lucy, 28 tuổi, một trợ lý điều hành, vẫn đau đáu với sự hủy hoại đó. Cô đến ở với Jame từ khi mới 17 tuổi. Những ngày đầu mọi việc đều suôn sẻ. Cô làm việc chăm chỉ để trả tiền cho căn hộ đầu tiên, nhưng nhanh chóng biến mình thành nạn nhân bị bạo hành tài chính.
"Anh ấy mất việc, liên tục rút hàng trăm bảng khỏi ngân hàng. Anh ấy khẳng định đó là tiền của mình, vì đó là tài khoản chung", Lucy nhớ lại. Cô gửi tiền vào ngân hàng tiết kiệm, còn người yêu tiêu.
James đối xử với Lucy như một người hầu. Cô đi làm xa, về nhà sau khi anh đi chơi hàng giờ. Chàng trai cô yêu sẽ nằm trên ghế sofa, chờ Lucy dọn dẹp, nấu ăn.
Năm 2019, cô kết thúc mối quan hệ, chuyển đến một căn phòng trống để cuộc đời của mình không còn bị chôn vùi.
***
Tôi và vợ đi tới hôn nhân chỉ sau năm tháng quen nhau. Lúc đó tôi 33 tuổi, vợ 28 tuổi, độ tuổi không còn sự nông nổi.
Gặp vợ, tôi nghĩ mình đã tìm được người cùng đi chung quãng đường dài phía trước. Tôi ghi nhớ câu nói: "Em thế nào cũng được, cơm canh dưa cà cũng xong". Nhưng cuộc đời với tôi lại chưa đẹp đến vậy.
Chúng tôi sống với bố mẹ, không phải vì tôi là con trai một, đơn giản tôi chỉ muốn ở với bố mẹ. Tôi muốn ngày nào cũng được nhìn thấy bố mẹ bình an. Thực tế, tôi biết mình chẳng ra gì, nhớn nhác, ham chơi, hay ngụy biện, nhưng tôi cũng biết mình không rách nát.
Vợ tôi ngoại hình bình thường, có thể ngoài xã hội gọi là ưa nhìn, vợ cũng hay nói thế. Tính vợ bướng, lỳ đòn, cứ cãi nhau là lầm lì cả tuần, cả tháng. Bố mẹ tôi dành dụm cả đời cho anh em tôi hai mảnh đất, bố mẹ có một mảnh để dưỡng già. Nhà chúng tôi đang ở rất rộng rãi và thoải mái. Chúng tôi chỉ cần làm việc để làm giàu chứ không phải lo lắng vấn đề gì nữa.
Lúc tôi cưới, gia đình mang nợ vì đứa em dại, phải bán hai mảnh đất của bố mẹ và em để trả nợ. Tuy chưa đến nỗi phải ra đường, đói rách, kiếm cơm qua ngày, nhưng số nợ đó tương đối lớn, đủ để làm cho mọi người căng thẳng và mệt mỏi. Cũng từ đây, vợ chồng tôi phát sinh mâu thuẫn. Tôi làm tư nhân, tự làm tự ăn, tiền hàng tháng không cố định, lúc nhiều lúc ít, thậm chí có những tháng không có tiền tiêu.
Nói thật, số nợ của em mình, tôi chẳng giúp được gì ngoài mấy đồng tiền lãi. Sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, tôi cũng chẳng còn gì để đưa cho vợ tích lũy, thi thoảng tôi chỉ mua những món quà, vài cuộc đi chơi, ăn uống. Vợ cũng đàng hoàng, sòng phẳng, hàng tháng đưa cho mẹ tiền sinh hoạt. Nếu cuộc sống dừng lại ở giới hạn này và lấy đà để bước tiếp thì không còn câu chuyện gì để nói. Vợ tôi cần hơn thế, tóm lại là cần hàng tháng tôi phải đưa tiền để tích lũy.
Đây là chuyện rất bình thường với mỗi một gia đình, tôi hiểu điều đó, nhưng phải áp dụng vào đúng hoàn cảnh và gia đình cụ thể. Trong khi tôi cũng không dư giả, dù ít nhiều đang phải giúp em, rồi phải trang trải sinh hoạt, chi tiêu hàng tháng. Đòi hỏi này của vợ thực sự làm tôi rất mệt mỏi, dù chúng tôi không thiếu thốn.
Vài ba tháng vợ chồng lại cãi nhau vì tiền và lợi ích. Vợ đi du lịch vài ba ngày, rồi về nhà ngoại. Hầu như tôi luôn là người mở đầu câu chuyện, có những giải thích, phân trần, níu kéo, hầu như là tôi phải chủ động. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi sợ mình sai mà bản thân không biết. Giờ đây, bố mẹ tôi cũng không chấp nhận con dâu nữa, tôi mệt mỏi. Chúng tôi không thể gắn kết thêm. Tôi luôn nghĩ xa tôi, vợ sẽ khổ. Với con người và tính cách của vợ: Người có tiền họ không cần, chỉ vui chơi qua đường. Người yêu thương thật sự họ cần một sự quan tâm tương xứng, rồi vợ lại vấp ngã một lần nữa thôi.
Giải quyết ra sao để bảo vệ tổ ấm
Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm và dễ gây bất hòa. Tranh cãi về tiền bạc cũng đi kèm nhiều cảm xúc, từ đố kỵ, sợ hãi đến xấu hổ.
Một khảo sát chỉ ra 64% các cặp vợ chồng không tương thích về tài chính, thường xuyên mâu thuẫn trong chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
45% người đã kết hôn trong khảo sát của công ty công nghệ tài chính Bread Financial thừa nhận từng vấp phải vấn đề này. Còn trong khảo sát gần đây về "Couples & Money" của Fidelity Investments, 1/5 số cặp vợ chồng nói rằng tiền bạc là thách thức lớn nhất trong mối quan hệ của họ.
Hậu quả, từ những xích mích kể trên có thể khiến một số người nảy sinh hành động không minh bạch như che giấu việc mua hàng với bạn đời và có quỹ đen, khái niệm được gọi là "ngoại tình tài chính". Thậm chí, kể cả khi không tạo ra gian lận thì bất hòa trong tiền bạc cũng vẫn có thể dẫn tới căng thẳng trong các mối quan hệ, khiến các cặp đôi tranh cãi, thậm chí ly hôn.
Để giải quyết các tranh cãi liên quan đến tiền bạc, các chuyên gia tâm lý khuyên mỗi đôi vợ chồng hãy nhìn vào những cảm xúc đằng sau đó để hiểu bản thân và hiểu nhau hơn, từ đó đưa ra cách giải quết phù hợp.
Những cặp đôi mới cưới
Thế hệ Gen Z và Millennials là nhóm dễ xảy ra tranh cãi với bạn đời về tài chính hơn các cặp vợ chồng lớn tuổi. Để giải quyết vấn đề, bạn hãy bắt đầu với câu hỏi đơn giản về cách đối phương quản lý tài chính trước khi đến với nhau.
Lawrence Sprung, chuyên gia kế hoạch tài chính ở New York (Mỹ), người đồng sáng lập và cố vấn tài sản tại Mitlin Financial, nói rằng những câu hỏi đơn giản sẽ tiết lộ nhiều về cách chi tiêu tiền trong tương lai.
Một số điều các cặp đôi mới cưới nên thực hiện.
Công khai sổ sách: Mỗi người cần cung cấp cho bạn đời về các khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng hoặc dự định tiết kiệm để nghỉ hưu (nếu có). Hành động này giúp cặp đôi dễ dàng lên kế hoạch giải quyết và định hướng cho tương lai.
Lựa chọn thời điểm chia sẻ: Bạn nên lựa chọn thời gian phù hợp, tìm kiếm địa điểm đủ yên tĩnh để có thể tập trung chia sẻ thay vì bị gián đoạn bởi những yếu tố bên ngoài.
Sắp xếp tài chính: Trong cuộc trò chuyện này, bạn cần xem xét ai là người sẽ xử lý các vấn đề tài chính hoặc quyết định cách phân chia trách nhiệm. Nhưng vẫn cần đảm bảo cả vợ và chồng đều có quyền truy cập tài khoản chung.
Cặp đôi kết hôn lâu năm
Theo Cục điều tra dân số Mỹ, khoảng 20% phụ nữ chọn kết thúc cuộc hôn nhân sau 10 năm. Lý do phổ biến là theo thời gian, các cặp đôi ít cởi mở về tiền bạc. Nhưng để hôn nhân bền vững, cả hai cần bàn bạc các vấn đề dưới đây.
Xem xét lại ngân sách gia đình: Việc cần làm là dành thời gian để quan sát tổng thể về tài chính, ít nhất mỗi năm một lần, bao gồm báo cáo tài khoản thẻ tín dụng, tiết kiệm, đầu tư và hưu trí cuối năm để hoạch định chi tiêu phù hợp.
Tối đa hóa nguồn lực: Cả hai cần tận dụng tối đa khoản thu nhập kết hợp. Dù chọn hợp nhất tài khoản hay không, bạn cũng cần xây dựng khoản tiết kiệm chung để dự phòng cũng như trang trải sinh hoạt phí cần thiết.
Megan Ford, chuyên gia tài chính có trụ sở tại Athens, Georgia khuyên nên cặp đôi nên phác thảo các khoản chi phí chung, mỗi đối tác cần đóng góp bao nhiêu các khoản chi phí đó. "Việc chia 50/50 không phải lúc nào cũng dễ dàng nếu thu nhập không đồng đều hoặc một trong hai không làm việc. Đó là lý do bỏ tiền mặt vào các quỹ khẩn cấp là cấp thiết", Megan nói.
10 năm 'vắt sức' cống hiến nhưng sếp không tăng lương, hỏi ra mới biết: Muốn thành công, bạn buộc phải thấu đáo 5 tư duy này