60 năm 'Love Me Do': Vẫn là huyền thoại của Beatles
Trong quá khứ, người quản lý Brian Epstein đã phải vật lộn để giành được hợp đồng trình diễn cho ban nhạc huyền thoại Beatles, cho đến khi họ được mời thu âm Love Me Do - đĩa đơn được phát hành cách đây 60 năm.
Ngày 5/10/1962, đĩa đơn đầu tay chính thức của Beatles ra đời. Đó là bài hát, Love Me Do, với mặt B là ca khúc P.S. I Love You. Love Me Do đã lọt các bảng xếp hạng và đánh dấu sự khởi đầu của Beatles - ban nhạc mãi ghi dấu ấn trong lịch sử âm nhạc. Nhưng để đến được thành công, Beatles đã phải kinh qua một chặng đường dài.
Chật vật tìm đường phát triển
Chuyện bắt đầu vào năm 1958, khi John Lennon và Paul McCartney viết nhạc cho Love Me Do. Lúc đó, họ vẫn còn là những thiếu niên, quen biết nhau được một năm và thường xuyên ứng tấu những bản nhạc rock'n'roll trong phòng khách của McCartney. Thời điểm đó, họ viết nguệch ngoạc các bài hát trong vở học và mơ ước trở thành ngôi sao. Love Me Do là một bài hát dựa trên ba hợp âm đơn giản, bắt đầu với việc Lennon chơi một đoạn riff harmonica.
Sau đó, họ thành lập một ban nhạc cùng với George Harrison và lấy tên là The Quarrymen rồi khi tham gia một cuộc thi âm nhạc, họ lại đổi tên ban nhạc thành Johnny and the Moondogs. Cuộc thi không đem lại giải thưởng cho ban nhạc nhưng lại giúp họ tìm được tay bass Stuart Sutcliffe. Sau đó, họ đã có được đủ đội hình ban nhạc với Pete Best chơi trống. Sau khi thử các tên khác nhau, cuối cùng ban nhạc mang tên Beatles vào tháng 8/1960.
Sau hợp đồng biểu diễn tại quê nhà Liverpool, các thành viên Beatles đã đến cư trú tại khu đèn đỏ St. Pauli ở thành phố Hamburg, phía Bắc nước Đức. Thời điểm đó, rock'n'roll rất thịnh hành trong các câu lạc bộ ở St. Pauli và những chàng trai hoang dã đến từ Liverpool nhanh chóng trở thành “những kẻ trong cuộc”.
Nhưng sau 2 tháng biểu diễn suốt đêm, các chàng trai của Beatles đã bị tống ra khỏi nước Đức bởi họ không có giấy phép lao động. Thậm chí Stuart và Paul còn bị cho là đã đốt cháy chỗ ở của mình - trong khi George mới 17 tuổi nên không thể xin cấp phép để được chơi ở các câu lạc bộ. Tiếp đó, Stuart đính hôn với bạn gái người Đức, người mà anh đã gặp ở Hamburg. Anh chọn tiếp tục ở lại Đức và rời hẳn khỏi Beatles (Tháng 4/1962, Stuart đột ngột qua đời vì xuất huyết não).
Sau khi trở lại Liverpool, Beatles vẫn hoạt động và bắt đầu tạo được danh tiếng. Thực tế, trong thời gian ở Hamburg, các thành viên đã sáng tác được nhiều nhạc phẩm và học thêm kinh nghiệm để có thể biểu diễn trong nhiều giờ liên tục. Beatles trở thành ban nhạc trình diễn thường xuyên tại The Cavern Club - một quán bar hầm rượu ở Liverpool.
Đồng thời, Beatles tiếp tục quay trở lại Hamburg, tìm cách lan tỏa âm nhạc của mình qua cuộc sống về đêm ở St. Pauli, giữa những kẻ buôn bán ma túy, thủy thủ say xỉn và những kẻ ăn chơi trác táng. Và cũng tại Đức, Beatles đã thu âm những đĩa đơn đầu tiên của mình với tư cách là một ban nhạc đệm, đồng hành cùng ca sĩ Tony Sheridan, để sản xuất My Bonnie.
Vào mùa Thu năm 1961, một chàng trai trẻ bước vào cửa hàng băng đĩa Liverpool do Brian Epstein điều hành và hỏi về một album được sản xuất ở Đức, có tựa đề My Bonnie. Người bán đĩa 27 tuổi lắc đầu: “Cái này của ai vậy?” - người bán đĩa hỏi. “Bạn có thể chưa bao giờ nghe nói về họ. Họ tự gọi mình là Beatles” - khách hàng trả lời.
Sau câu hỏi đầu tiên này, ngày càng có nhiều người đến cửa hàng yêu cầu bản thu âm tương tự. Epstein đã đặt hàng 25 bản sao và được bán hết trong thời gian ngắn. Hiện tượng này khiến Epstein tò mò và ông đã đến một buổi hòa nhạc của Beatles tại The Cavern Club. Lúc đầu, ông thấy khung cảnh câu lạc bộ thật thật kinh khủng. “Tối đen như một ngôi mộ sâu, ẩm thấp và bốc mùi” - Epstein tả về The Cavern Club trong cuốn tự truyện A Cellarful of Noise.
Lúc đó, Epstein muốn rời đi ngay lập tức. Nhưng ông thấy Beatles rất thú vị nên ở lại và đề nghị trở thành người quản lý của họ. John Lennon sau này nhớ lại: “Ông ấy trông có vẻ có năng lực và giàu có”. Và sau lời đề nghị của Epstein, họ bắt đầu “bắt tay” làm việc ngay lập tức.
Trong lần thu âm Love Me Do đầu tiên, các thành viên Beatleas bối rối giữ chặt cây đàn khi George Martin dẫn họ vào phòng thu. Martin nói: Hãy nói thẳng cho tôi biết, nếu có điều gì khiến các bạn không thích. Và George Harrison trả lời: “Chà, tôi không thích cà vạt của ông”. |
“Lọt mắt xanh” nhà sản xuất của EMI Records
Epstein đã “tấn công” các công ty thu âm lớn bằng các bức thư và bản ghi âm của Beatles. Và vào tháng 1/1962, ông đã giành được một cuộc “thử tay nghề” cho Beatles tại hãng thu âm Decca Records. Nhưng Giám đốc điều hành của hãng, Dick Rowe, đã không nhìn thấy tiềm năng của Beatles: “Các nhóm guitar đang không có đường phát triển” - Epstein trích dẫn lời của Dick Rowe trong tự truyện của mình.
Thất vọng, Beatles trở lại cuộc sống về đêm của Hamburg một lần nữa. Họ đã thực hiện hợp đồng biểu diễn đầu tiên của ban nhạc tại Câu lạc bộ Ngôi sao (Star Club). Nhưng sau đó, họ nhận được một bức điện từ Brian Epstein, người vẫn chưa từ bỏ họ: “Xin chúc mừng các bạn. Đang chờ ngày thu âm. Làm ơn, hãy tập luyện các nhạc phẩm mới”.
Đồng thời, lúc đó Beatles còn nhận được tin vui, hãng thu âm EMI Records cũng muốn gặp ban nhạc ở London. Beatles ngay lập tức quay trở lại Vương quốc Anh và thử tài trước George Martin của EMI nhưng nhà sản xuất này không đưa ra bất cứ nhận định nào, chẳng khen cũng chẳng chê. Một lần nữa, 4 chàng trai và Epstein phải kiên nhẫn. Các hợp đồng biểu diễn của họ tiếp tục phát triển về quy mô và mức độ phổ biến. Beatles được tạp chí âm nhạc Mersey Beat bình chọn là ban nhạc xuất sắc nhất Liverpool. Thời điểm đó, các chàng trai Beatles đã cắt tóc và bắt đầu mặc vest.
Cuối cùng, vào cuối tháng 7/1962, hợp đồng thu âm được chờ đợi từ lâu đã đến với công ty con của EMI - Parlophone. Không lâu trước đó, John, Paul và George đã thay thế tay trống Pete Best bằng Ringo Starr. Vào ngày 11/ 9 cùng năm đó, Beatles đến phòng thu để thu âm Love Me Do. Khoảnh khắc này được mô tả trong bộ phim tài liệu The Beatles.
Martin ngay lập tức chia sẻ với các thành viên Beatles về những gì cần phải làm. Ông cũng nói rằng Ringo Starr chưa đủ tiêu chuẩn cho ban nhạc. Do vậy, ông để nhạc sĩ phòng thu Andy White chơi trống và để Ringo chơi maracas và tambourine thay thế.
Sau này, Starr vẫn ấm ức nhớ lại: “Tôi rất thất vọng khi George Martin nghi ngờ tôi. Tôi buồn khi nghe ông ấy nói: Chúng tôi đã có một tay trống chuyên nghiệp. Sau này, ông ấy đã xin lỗi tôi vài lần. George đã già rồi nhưng khi nhớ lại tôi vẫn thấy điều đó thật kinh khủng”.
Phát hành các phiên bản khác nhau
Beatles thu âm Love Me Do vài lần và tiếp tục thu âm các bài hát khác, bao gồm cả bài hát P.S. I Love You. Ca khúc này có phần thổi harmonica nổi bật của John Lennon và phần song ca của ông cùng McCartney.
Ban đầu, ca khúc này chỉ thành công ở mức độ vừa phải, đạt vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng của Anh. Nhưng Martin đã có bản năng đúng đắn, còn sự kiên trì của Epstein đã được đền đáp. Đĩa đơn tiếp theo, Please Please Me, đạt vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ở Anh vào tháng 2/1963.
Ba phiên bản thu âm Love Me Do đã được phát hành, mỗi phiên bản có một tay trống khác nhau. Bản thu âm đầu tiên được cố gắng thực hiện từ tháng 6/1962 có Pete Best chơi trống nhưng không được phát hành chính thức cho đến khi ban nhạc tung ra album Anthology 1 vào năm 1995.
Phiên bản thứ 2 được thu âm 3 tháng sau với Ringo Starr thay thế Best chơi trống và bản này được sử dụng cho đĩa đơn gốc Parlophone. Phiên bản thứ 3, có tay trống Andy White thay cho Starr, được đưa vào album Please Please Me của ban nhạc và trong đĩa đơn Tollie năm 1964. Và khi Love Me Do được phát hành tại Mỹ, nó đã chiếm quán quân bảng xếp hạng.
Như thế, Love Me Do là câu chuyện thú vị nhất của một ban nhạc cũng thú vị nhất mọi thời đại.
“Love Me Do” đạt kỷ lục tại Mỹ Love Me Do là bài hát thứ 4 trong số 6 bài hát của Beatles đạt vị trí số 1 trong khoảng thời gian một năm - một kỷ lục lớntrong bảng xếp hạng của Mỹ. Theo thứ tự, đó là I Want to Hold Your Hand, She Loves You, Can't Buy Me Love, Love Me Do, A Hard Day's Nightvà I Feel Fine. Đây cũng là bài hát thứ 4 trong số 7 bài hát do Lennon – McCartney sáng tác đạt vị trí quán quân năm 1964 (bài còn lại là A World Without Love). |
Việt Lâm (tổng hợp)