Ca khúc 'A Day In The Life' của The Beatles: Tỉnh dậy sau cơn u mê
Số phận âm nhạc - thứ tưởng chừng vốn chỉ thuộc về cảm xúc nghệ sĩ – đôi khi lại bị thay đổi hoàn toàn bởi một thứ rất phi nghệ thuật: Hợp đồng! Đó chính là cách ca khúc vĩ đại nhất của The Beatles khởi sinh, A Day In The Life.
Với xuất phát điểm và cảm hứng không thể nhỏ bé hơn, dưới tài năng vô tiền khoáng hậu của bộ đôi Lennon-McCartney, A Day In The Life đã hóa một thông điệp minh triết về nhân sinh và mở ra những khả năng vô tận cho nhạc rock.
Ngã rẽ định mệnh
Cuối năm 1966, The Beatles đang băng băng trên con đường mà họ không biết sẽ sớm bị bỏ rơi. Sau vài tháng nghỉ ngơi, họ trở lại phòng thu EMI, đầy sảng khoái và sẵn sàng để thu âm album mới, biết rõ ràng, với nguồn sáng tạo đang tuôn trào và không vướng chuyến lưu diễn nào trong tương lai gần, họ chuẩn bị bắt tay vào một dự án đáng nhớ.
Đầu tiên trong lịch trình là sáng tạo đáng kinh ngạc của John Lennon mang tên Strawberry Fields Forever với nội dung trữ tình tràn ngập hoài niệm thời thơ ấu. Được truyền cảm hứng từ hình mẫu này, Paul McCartney đã nối tiếp bằng Penny Lane, cũng sử dụng những hình ảnh đẹp như tranh vẽ về những năm tháng xưa cũ của ông. McCartney đã dành nhiều thời gian trong phòng thu để hoàn thiện cả hai ca khúc này, đồng thời đề ra khuôn mẫu chung cho cả album tới: “Tuổi trẻ, mùa Hè vàng và những cánh đồng dâu tây” - như McCartney gọi. Cùng nhau, họ đã tạo ra cái nhìn siêu thực bằng đôi mắt mở to về quá khứ, và có lẽ, về niềm say mê với nàng tiên nâu khi đó. Một ca khúc đầy hoài niệm khác là When I’m Sixty-Four cũng được ghi trong khoảnh thời gian này, chỉ thêm vào gợi nhớ về định hướng ban đầu của album.
Tuy nhiên, định hướng này sắp thay đổi dù họ thích hay không. Hợp đồng yêu cầu phải phát hành ngay lập tức một đĩa đơn mới và nhà sản xuất George Martin tình nguyện tung Strawberry Fields Forever và Penny Lane ra làm đĩa đơn hai mặt. Vì thông lệ ở Anh là không đưa đĩa đơn vào album, The Beatles bắt buộc phải bắt đầu album của họ một lần nữa.
Một khi đã quyết tâm rẽ lối, sáng tác tiếp theo họ mang tới phòng thu là ca khúc mà Ian MacDonald, trong cuốn sách Revolution In The Head đã miêu tả là “thành tựu tuyệt vời nhất của họ”. Làm việc dưới tên In The Life Of…, The Beatles bắt đầu ghi âm kiệt tác bất hủ của họ, A Day In The Life, vào ngày 19/1/1967, và từ đó, tạo tông giọng mới đáng kinh ngạc cho album sau này sẽ là Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band. Và như vẫn nói: Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó!
Ca khúc vĩ đại cả về ca từ, giai điệu và kỹ thuật thu âm “A Day In The Life”:
Vượt qua hiện trạng
Rất nhiều tác giả, nhà phê bình đã viết về lịch sử A Day In The Life với hầu hết nội dung là ý kiến cá nhân của họ. Nhưng để biết về lịch sử trung thực nhất, có chăng nên nghe từ chính các cha đẻ của ca khúc, tiết lộ từng chút theo năm tháng. Gom nhặt từng mảnh ghép, bức tranh sống động đầy màu sắc sẽ hiện lên. Tuy vậy, những ai yêu nhạc The Beatles đều biết: Luôn có bất đồng trong lời kể của John Lennon với Paul McCartney!
Ký ức gần nhất với thời điểm ra mắt A Day In The Life là vào đúng năm 1967 với chia sẻ của John Lennon: “Tôi đã viết ca khúc với tờ báo Daily Mail dựa trên đàn dương cầm ngay trước mặt tôi. Nó đang mở ở mục “News In Brief” hay “Far And Near”, hay gì đó mà họ gọi. Có một đoạn nói về việc phát hiện ra 4.000 cái ổ gà ở Blackburn, Lancashire”.
Nhiều năm sau, vào năm 1980, Lennon bổ sung thêm rằng không phải chỉ có một bài báo ở đây. Bài thứ hai là về vụ tai nạn của người thừa kế Guinness. Người này đã bị “thổi bay não” trong xe khi không để ý rằng đèn giao thông đã đổi màu. Đó là Tara Browne, chắt trai của nhà sản xuất bia Edward Cecil Guinness.
Lennon cũng thừa nhận sự đóng góp rất lớn của Paul McCartney cho ca khúc. Theo ông, sau khi nghe đoạn mở màn “Tôi đọc báo hôm nay” của mình, McCartney đã nảy ra những ý tưởng mới. McCartney có vẻ hơi ngại vì có lẽ ông thấy ca khúc đã đủ hay rồi. “Đôi khi chúng tôi không để người kia can thiệp vào bởi họ không rõ về ca khúc” - Lennon thừa nhận. Nhưng Lennon đã có đoạn mở đầu và kết thúc rất mượt mà mà không biết phải làm thế nào với 8 ô nhịp giữa - một điều rất cần thiết. Và may thay, McCartney lại có một đoạn như thế.
Ký ức của McCartney lại hơi khác một chút. Phiên khúc “thổi bay não” theo ông là họ cùng viết về một chính trị gia. Ít nhất là về phía mình, McCartney không hề nghĩ gì tới Tara Browne dù ông chơi thân với người thừa kế kếch xù này hơn Lennon. Câu “thổi bay não” không liên quan gì tới tai nạn xe cộ mà chỉ thuần túy là về… ma túy. Ngoài ra, McCartney bổ sung thêm rằng đoạn người đàn ông bước lên xe buýt là hồi tưởng về ngày đi học của ông - một chút tàn dư mà Strawberry Fields Forever đã khơi màn.
Cơ bản thì Lennon đã viết A Day In The Life tại nhà ở Kenwood sau khi nhìn thấy bài báo trên Daily Mail, số ra ngày 17/1/1967. Ông liền bắt đầu ngay ca khúc trên đàn dương cầm. Khi gặp vướng mắc, ông liền mang tờ báo chạy tới nhà McCartney ở St. John’s Wood để hợp lực. Như thế, A Day In The Life là một trong những màn hợp tác thật sự cuối cùng của bộ đôi huyền thoại. Họ đã tung hứng với nhau rất ăn ý và hứng khởi. Lennon viết phần mở đầu và kết thúc còn McCartney điền vào khoảng giữa. Tất cả hợp thành một ngày trong đời của một người đàn ông, từ khi lăn ra khỏi giường tới khi chìm vào giấc ngủ, giữa những thực tại cỏn con đời thường như mặc áo, đội mũ, bắt xe buýt, trong một thế giới vô vàn biến động từ những ổ gà nhỏ trên đường, người đàn ông lái xe tới “Quân đội Anh vừa thắng một cuộc chiến”. Và cuối cùng, người bạn Terry Doran cho họ thêm động từ “fill” (lấp đầy) để lấp đầy “ổ gà” duy nhất còn lại trong ca khúc.
- Ca khúc 'Strawberry Fields Forever' của The Beatles: Vùng đất ảo giác nằm ngoài thời gian
- Ca khúc 'Here, There And Everywhere': 'Đứa con cưng' bị ghẻ lạnh của The Beatles
- Ca khúc 'She Loves You' của The Beatles: Tiếng 'Yeah, yeah, yeah' làm thay đổi thế giới
Một ngày trong đời, chỉ là 24 giờ nữa trôi qua, có gì đặc biệt? Bạn sẽ không nói vậy nếu từng đọc Ulysses của James Joyce hay Một ngày trong đời Ivan Denisovich của Aleksandr Solzhenitsyn. Ở đây cũng vậy. Không có gì giống như A Day In The Life từng được thử trước đây trong cái gọi là âm nhạc đại chúng. Những hình ảnh đan xen khiến nó như một bộ phim hơn là ca từ. Cùng với đó là những thủ thuật của nhịp điệu, không gian, hiệu ứng âm thanh đã xóa nhòa ranh giới giữa mơ và thực. Một trong những sáng tác quan trọng nhất của Lennon-McCartney nói riêng và của lịch sử nhạc đại chúng nói chung. Nó như sự kết hợp giữa ca từ của T.S. Eliot với nhạc của Wagner.
Hòa trộn tất cả, ca khúc đưa một ngày bình thường lên thành thông điệp lớn hơn, hiện thân của ý tưởng mà The Beatles hướng tới: Rằng một cuộc sống thật sự có ý nghĩa chỉ có thể có được khi con người nhận thức được bản thân họ, môi trường xung quanh và vượt qua hiện trạng. Nó giống với ngã rẽ mà The Beatles đã bước: Một sự tỉnh thức sau những mơ màng quá vãng xa xôi.
Đẩy giới hạn rock tới vô cùng A Day In The Life là một trong những ca khúc có ảnh hưởng lớn nhất của The Beatles, được nhiều người coi là tác phẩm vĩ đại nhất của ban nhạc nói riêng và là một trong những tác phẩm tham vọng, có ảnh hưởng và đột phá nhất lịch sử âm nhạc. Chỉ với 4 phút 45 giây, ca khúc hẳn nằm trong những sử thi ngắn nhất. Ca khúc xuất hiện trong rất nhiều danh sách ca khúc hàng đầu: Đứng đầu danh sách 50 Ca khúc Anh vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Q, đứng đầu 101 Ca khúc vĩ đại nhất của The Beatles của Mojo và đứng thứ 24 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Thêm một câu chuyện nhỏ thú vị về quá trình thu âm lịch sử của A Day In The Life: Ở đoạn cao trào của ca khúc, The Beatles đã thuê 40 nhạc công, cho họ mặc tuxedo và đội mũ hài, nói với họ rằng họ có 15 khuông nhạc leo từ nốt thấp nhất tới nốt cao nhất trong nhạc cụ của họ. “Hãy nghe tiếng những chiếc trumpet đó – họ đang phát hoảng lên” – McCartney nói. Hợp âm dương cầm cuối cùng kết thúc Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band và đẩy giới hạn rock tới vô cùng. |
Thư Vĩ (tổng hợp)