6 trang tự truyện để trắng của Ái Vân và 'tuyệt chiêu' làm sách
(Thethaovanhoa.vn) - Ca sĩ Ái Vân đã khóc trong buổi ra mắt tự truyện Để gió cuốn đi của cô. Không ai nghi ngờ về gan ruột của cô chất chứa trong cuốn sách được viết theo chính di nguyện của cha mình. Cũng không ai nghi ngờ về việc cô từng bỏ dở tự truyện này sau khi đã chắp bút được chương đầu và 11 đoạn.
- Tự truyện của nghệ sĩ Ái Vân: Sốc với 6 trang sách không có chữ
- Viết tự truyện theo di nguyện của cha, Ái Vân bật khóc, xóa 8.808 chữ
Bởi nhiều người chưa từng thấy một cuốn sách tương tự. Khi lật qua 6 trang trắng, độc giả sẽ có cảm tưởng như đi qua một đám tang của 8.808 chữ bị cắt đi.
Cách làm này nói lên điều gì?...
… Như đã nói, tôi không nghi ngờ về việc 8.808 chữ này đã được viết ra, và chứa đựng những điều cuối cùng Ái Vân không hoặc chưa muốn công bố. Nhưng qua cách làm này, ta đều thấy rõ một “tuyệt chiêu” của những người làm sách.
Họ muốn chứng tỏ rằng 8.808 đó là có thật, vốn là một phần không thể tách rời trong chỉnh thể tác phẩm, để có thể phản ánh trung thực và trọn vẹn nhất về nhân vật, nhưng vì những lý do bất khả nêu trên, tạm thời chưa thể in ra hoặc vĩnh viễn không thể in ra.
***
Không phải lần đầu tiên, tuyệt chiêu này được sử dụng, để chuyển tải những thông điệp khác nhau. Tôi từng nhớ có cuốn sách tiểu sử, tác giả tự để mấy dòng trắng nhằm tưởng niệm khi viết đến đoạn nhân vật đột ngột qua đời.
Điển hình trong việc sử dụng “chiêu thức” này là nhà văn hiện đại nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc - Giả Bình Ao. Trong kiệt tác Phế đô (đã được NXB Văn học dịch và in ấn tại Việt Nam), được ví với Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai thời hiện đại của Trung Quốc, ông đã mô tả đời sống phong tình của một văn nhân nổi tiếng là Trang Chi Điệp, với những cuộc tình liên miên hết với cô này đến cô khác. Trần tục, chan chứa dục tình, nhưng cũng là tận hiến, và tuyệt đỉnh đam mê.
Tuy nhiên, với một cuộc tình, ông chỉ mô tả mang tính khơi mào thậm chí chưa đến màn dạo đầu, rồi sau đó chua một câu: “tác giả tự cắt đi xxx chữ”. Số chữ mà ông thông báo tự cắt đi ấy, nhiều hay ít, vài chục hay vài trăm chữ, tùy thuộc vào... từng trường đoạn, và mức độ “đắm say” của các nhân vật.
Và trên bản in, đoạn cắt này được đánh dấu bằng các ô trống. Số lượng ô trống ít hay nhiều cũng tùy thuộc vào số chữ bị cắt đi, tất nhiên chỉ trong một vài dòng, chứ không đến nỗi để cả... 6 trang như tự truyện của Ái Vân.
Nhiều nhà phê bình cho rằng, việc tác giả thông báo “tự cắt” các đoạn nhạy cảm ấy để tránh bị coi là sách khiêu dâm, khỏi phải gặp rắc rối ở khâu xuất bản (thực tế, “Phế đô” viết năm 1993 nhưng bị cấm lưu hành ở Trung Quốc, mãi đến năm 2009 mới được công nhận).
Nhưng theo tôi, thực ra, Giả Bình Ao không hề viết các đoạn đó trong bản thảo. Ông “phịa” ra việc tự cắt vừa đỡ tốn công lực trong việc viết lách, mà vẫn kích thích người đọc tự... tưởng tượng, đồng thời lại truyền đi được thông điệp mang tính giễu nhại. Và sở dĩ Phế Đô được công nhận, vì đằng sau những cuộc tình đó, là sự mô tả sâu sắc “tâm lý của người Trung Quốc đương đại khi xã hội trải qua sự phát triển quá nhanh”.
Còn Giả Bình Ao cho rằng, ông viết Phế đô năm ngoài 40 tuổi, sau khi ông phải trải qua một loạt những sự cố hết sức đau đớn. Ông gọi đây là “tác phẩm của sự đau đớn.
***
Trở lại với tự truyện Để gió cuốn đi của ca sĩ Ái Vân. 6 trang để trắng, cùng với thông báo tự cắt 8.808 chữ (một con số cũng khá đẹp) chắc chắn sẽ khiến người đọc lại phải dừng lại rất lâu, tưởng tượng rất nhiều về những điều cô đã tự cắt bỏ. Nhà xuất bản “đắc lợi” ở chỗ vừa tôn trọng được quyết định của cô, lại vừa áp dụng được “tuyệt chiêu” để bán sách.
Tuy nhiên, thật hay không thật có lẽ không phải ở những đoạn đã bị cắt đi, mà chính ở những đoạn đã được in trên trang giấy. Hãy chờ xem cuốn sách đi vào lòng công chúng như thế nào?
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa