55 năm Chiến thắng đường 9-Khe Sanh (9/7/1968-9/7/2023): Bản hùng ca trên miền đất lửa
Cách đây 55 năm, ngày 9/7/1968, lá cờ chiến thắng của quân giải phóng tung bay trên sân bay quân sự Tà Cơn, đánh dấu mốc thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghi binh chiến lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Sau 55 năm, với những kết quả nghiên cứu và những tư liệu mới được công bố, chiến thắng lịch sử này đang ngày càng được nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn và với thời gian, tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện này đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lại càng rõ nét, mang ý nghĩa bước ngoặt và có tác động lớn hơn.
Cuộc quyết chiến tại mặt trận Ðường 9 - Khe Sanh
Thị trấn Khe Sanh là thủ phủ của huyện Hướng Hóa, nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Và Đường 9 - Khe Sanh được coi là “con đường chiến lược cho mọi ý đồ chiến lược”. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đặc biệt quan tâm đến Đường 9 - Khe Sanh và ví nơi này như “cái mỏ neo” ở phía Tây của toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược phía Nam khu phi quân sự. Chính vì vậy, Mỹ-ngụy tập trung xây dựng cụm cứ điểm mà chúng coi là bất khả chiến bại với quân số lên tới hơn 45.000 tên (trong đó có 28.000 quân Mỹ) và coi đây là một trong những “mắt thần” của phòng tuyến Mắc Namara - một phòng tuyến mà địch giăng ra rất kiên cố từ Cửa Việt đến Lao Bảo - hòng chặn, cắt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Chính vì tầm quan trọng của khu vực Ðường 9 - Khe Sanh, ngay từ giữa năm 1966, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đã quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên, mở mặt trận Ðường 9 - Bắc Quảng Trị. Từ đây, mặt trận này đã thu hút, ghìm chân một bộ phận quan trọng binh lực của đối phương.
Đến cuối năm 1967, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến quan trọng theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ chiến lược, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đưa sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ chuyển sang bước phát triển mới.
Theo kế hoạch tác chiến được Bộ Chính trị thông qua (tháng 12/1967), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, bao gồm hai đòn chính nhằm vào hai hướng chiến lược khác nhau. Thứ nhất là đòn tiến công tập trung của bộ đội chủ lực tại chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Bắc Quảng Trị), nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động đối phương ra vòng ngoài, thực hiện nhiệm vụ nghi binh, đồng thời tổ chức đánh tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm và diệt” của đế quốc Mỹ. Thứ hai là đòn tiến công tổng hợp (kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, binh vận) nhằm vào các đô thị, nơi có cơ quan đầu não, hậu cứ an toàn của địch để giành thắng lợi quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh.
Ngày 6/12/1967, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, với nhiệm vụ tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, tiêu hao một bộ phận quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, thu hút địch ra Đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đánh địch. Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử giữ chức Tư lệnh kiêm Phó Bí thư Đảng ủy. Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận.
Đêm 20, rạng ngày 21/1/1968, quân ta nổ súng tiến công căn cứ Khe Sanh cùng toàn bộ tuyến phòng thủ Đường 9 của đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở đầu cho cuộc đọ sức quyết liệt, kéo dài trong cả Xuân Hè năm 1968. Ngay lập tức, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) tập trung lực lượng, bom đạn đối phó với ta. Vào thời điểm đỉnh cao, đế quốc Mỹ dồn 40% lực lượng cơ động ra “mặt trận vùng giới tuyến”, khiến tình hình chiến sự nơi đây như “thỏi nam châm cực mạnh” thu hút sự quan tâm của cả chính quyền, các hãng truyền thông cùng đông đảo nhân dân Mỹ.
Khi mọi sự chú ý đổ dồn vào Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, thì vào đêm Giao thừa và đêm mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 30 và 31/1/1968), quân và dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công đồng loạt các đô thị trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não địch, khiến đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn “sững sờ, choáng váng”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger sau này nhận xét: “Hà Nội đã “chơi trò đấu bò”, lừa con bò tót Mỹ hung dữ ra vòng ngoài rồi dùng lực lượng quân sự của họ bất thần đánh ập vào toàn bộ các đô thị phía trong là nơi Mỹ sơ hở, làm cho bộ chỉ huy Mỹ không kịp trở tay”.
Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Chỉ tính riêng từ ngày 21/1 đến ngày 31/3/1968, đế quốc Mỹ đã sử dụng 24.000 lần máy bay chiến thuật, 2.700 lần máy bay chiến lược B-52, ném xuống khu vực Khe Sanh trên 100.000 tấn bom đạn, chưa kể số máy bay vận tải làm nhiệm vụ tiếp tế cho các căn cứ; pháo binh của địch còn bắn hơn 100.000 quả đạn...; tạo nên một cuộc “phô trương” hỏa lực lớn nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, quân địch vẫn bị Quân giải phóng tiến công, bao vây, lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng.
Do thất bại nặng nề trên chiến trường cùng sự phản ứng dữ dội trong công chúng, chính phủ Mỹ buộc phải tìm cách xuống thang chiến tranh. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa) trở ra, đồng thời sẵn sàng cử đại diện đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa để bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ không dễ dàng từ bỏ chính sách chiến tranh xâm lược của mình. Sau khi đẩy lực lượng Quân giải phóng ra khỏi các đô thị, giành quyền kiểm soát thêm nhiều vùng nông thôn, từ ngày 1/4/1968, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tiếp tục tung nhiều đơn vị thiện chiến (kể cả Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 vốn được coi là “niềm hi vọng lớn nhất của lục quân”) vào Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, nhằm cứu nguy cho lực lượng tại chỗ, đồng thời quyết tâm giành thắng lợi hòng tạo thế mạnh trong đàm phán.
Về phía ta, để đập tan âm mưu và hành động của địch, Quân ủy Trung ương một mặt điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy; mặt khác điều động thêm một số đơn vị chủ lực mạnh (trong đó có Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong) vào phối hợp với lực lượng tại chỗ trực tiếp tham chiến.
Ngày 26/6/1968, trước những khó khăn và tổn thất lớn, đế quốc Mỹ tuyên bố rút khỏi căn cứ Khe Sanh cùng nhiều cứ điểm quan trọng trên tuyến phòng thủ Đường 9. Đến ngày 15/7/1968, chiến dịch quân sự trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè năm 1968 kết thúc thắng lợi. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, quân và dân Việt Nam trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch; bắn rơi, phá hủy 480 máy bay các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác. Hãng tin Reuters, ngày 2/7/1968 cho rằng: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.
Đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Có thể nói, chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè năm 1968 mang tầm vóc, ý nghĩa hết sức to lớn, là mốc son trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta. Đây là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Không chỉ là một đòn nghi binh chiến lược, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh còn nhằm thu hút, giam chân, tiêu diệt một lực lượng lớn quân Mỹ và tạo ra sự chú ý đặc biệt cho giới cầm quyền chóp bu Sài Gòn cũng như Washington, góp phần tạo nên yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho quân dân toàn miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Nhà báo Mỹ Neil Sheehan thừa nhận: “Kế hoạch của Quân giải phóng rộng lớn và táo bạo vượt quá mức tưởng tượng của những người nước ngoài (Mỹ) và người phục vụ họ (chính quyền Sài Gòn)”.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã góp phần giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đội quân viễn chinh và cả chính phủ Mỹ. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức một chiến dịch tiến công có quy mô lớn và dài ngày; bộ đội chủ lực thực hành chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng đột phá vào tuyến phòng ngự vòng ngoài vững chắc chủ yếu của quân đội Mỹ, trực tiếp đương đầu với lực lượng tinh nhuệ nhất của quân Mỹ như Sư đoàn lính thủy đánh bộ và Sư đoàn kỵ binh không vận. Rút kinh nghiệm từ thất bại của người Pháp, Mỹ muốn thiết lập một “Điện Biên Phủ đảo ngược” ở Khe Sanh, sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội hòng đè bẹp ý chí chiến đấu và khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Quân và dân ta đã chủ động lựa chọn cách đánh, thực hiện thành công vây hãm, tập kích, truy kích tiêu hao, tiêu diệt và đẩy quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vào tình thế khốn quẫn, buộc phải rút bỏ Khe Sanh.
Chiến thắng ở Đường 9 - Khe Sanh đã phá vỡ một phần tuyến phòng thủ mạnh của địch, giải phóng một địa bàn có vị trí quan trọng, góp phần bảo vệ tuyến chi viện Bắc-Nam; làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và thay đổi biện pháp chiến lược từ “tìm diệt” sang “quét và giữ”; đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho nội bộ giới cầm quyền Nhà Trắng ngày càng chia rẽ sâu sắc, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phản chiến của tầng lớp nhân dân Mỹ.
Đồng thời, chiến thắng này còn hỗ trợ tích cực cho mặt trận đấu tranh ngoại giao, trực tiếp là Hội nghị Paris. Trước năm 1968, chính phủ Mỹ vẫn tin rằng sức mạnh quân sự sẽ giành thắng lợi, muốn đàm phán trên thế mạnh, đưa ra những điều kiện vô lí (đòi quân đội miền Bắc rút quân). Nhưng thất bại trong nửa đầu năm 1968, đặc biệt thất bại tại Đường 9 - Khe Sanh đã buộc chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson phải chấp nhận đàm phán không điều kiện. Bộ Quốc phòng Mỹ sau này thừa nhận: “Việc rút lui khỏi căn cứ chính Khe Sanh trên tuyến Đường 9 đã làm giảm vị thế ngoại giao của một cường quốc muốn giành thắng lợi dựa vào sức mạnh vật chất như Mỹ”.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè năm 1968 còn để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học sâu sắc, nhất là bài học về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta, như: nhạy bén, chính xác trong việc chọn địa bàn để mở đòn tiến công của bộ đội chủ lực; không ngừng xây dựng, củng cố phát huy vị trí, vai trò của hậu phương chiến tranh nhân dân; khơi dậy sức mạnh truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh.
Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam từng nhận xét: “Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ một thung lũng nhỏ mang tên Khe Sanh và kết thúc bằng cú Tết Mậu Thân 1968”.
Hướng Hóa - đất thép nở hoa
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã đưa Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng. 55 năm trôi qua, vượt lên từ những đau thương, mất mát do hậu quả của chiến tranh, Hướng Hóa đang đổi thay từng ngày, với nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Đường 9 một thời “hoa lửa”, giờ đây đã nâng cấp và trở thành con đường của hội nhập, phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Những chiến địa ác liệt năm xưa, như: Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Vây… giờ trở thành những địa chỉ đầu tư phát triển hấp dẫn. Hướng Hoá - Khe Sanh ngày nay được mọi người nhắc đến là phố núi trên vùng giáp biên giới Việt - Lào, là “tiểu Đà Lạt” với khí hậu cảnh quan tuyệt đẹp. Hệ thống di tích chiến thắng Khe Sanh đã trở thành nơi thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm.
Kinh tế-xã hội huyện Hướng Hóa có sự phát triển vượt bậc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên 3 lĩnh vực (nông-lâm nghiệp; thương mại-dịch vụ, du lịch; công nghiệp-xây dựng). Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 28.556,9 tỷ đồng, cao hơn 2,26 lần so với bình quân (2015-2020). Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng/36 triệu đồng năm 2020.
Sau đại dịch COVID-19, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thông thương, nhộn nhịp trở lại; tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch của huyện, nhất là du lịch sinh thái, cộng đồng. Chú trọng thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, bình quân hàng năm thu hút trên 120 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 6 lần so với năm 2020; các mô hình, cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng được các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư phát triển mở rộng quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoạt động khá hiệu quả. Đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt gần 9.000 tấn. Tính đến đầu năm 2023, toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, tăng cường, bình quân hằng năm trồng mới 305 ha rừng tập trung, với 13,4 vạn cây. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, những dự án điện gió giúp Hướng Hoá càng nhộn nhịp, sầm uất hơn. Đến nay, tổng số 29 dự án điện gió được đầu tư, trong đó có 19 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng công suất 670 MW và 10 dự án có tổng công suất lắp máy 400 MW đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, như: giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chuyển đổi số, công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập. Huyện có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đã hình thành 2 đô thị: Khe Sanh, Lao Bảo, quy hoạch 2 đô thị: Hướng Phùng, Lìa. Hướng Hoá có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 đô thị văn minh. 100% thôn, bản phủ sóng phát thanh, truyền hình; 95% thôn, bản có kết nối internet, wifi, 3G, 4G; 21/21 xã, thị trấn kết nối hội nghị trực tuyến. Diện mạo huyện miền núi biên giới từ trung tâm cho đến các bản làng xa xôi ngày càng khởi sắc.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có sự phát triển nhanh. Toàn huyện có 65 trường học, cơ sở giáo dục-đào tạo, với 4 bậc học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đội ngũ y tế ngày càng được nâng lên, đạt 7,7 bác sĩ/1vạn dân (gấp 5,5 lần/năm 1997); 21/21 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
55 năm sau ngày giải phóng, dấu tích của cuộc chiến đã dần lùi xa, trong mỗi người dân của mảnh đất dưới chân đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ còn mãi niềm tự hào về một thời oanh liệt. Ghi nhận sự cố gắng nỗ lực ấy, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Hướng Hoá. Đây chính là động lực cổ vũ người dân xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn, viết tiếp những bản anh hùng ca lịch sử...