5 môn thể thao độc lạ của SEA Games 31
Sau một năm trì hoãn do đại dịch Covid-19, SEA Games 31 cuối cùng đã khởi tranh ở Việt Nam. Ngoài các môn thể thao quen thuộc như bóng đá, bơi lội, điền kinh, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này chứng kiến những môn thể thao khác lạ.
Rất tiếc những môn như khúc côn cầu dưới nước và đua xe vượt chướng ngại vật đã bị loại khỏi danh sách, nhưng vẫn còn những môn độc lạ khác, theo đánh giá của tờ Channel News Asia.
1. Vovinam
Taekwondo, Pencak Silat, Wushu và Muay Thái là những môn thi đấu tại SEA Games, nhưng không phải môn võ châu Á nào cũng có cơ hội tỏa sáng thường xuyên tại sự kiện này.
Sau gần một thập kỷ, Vovinam Việt Nam sẽ một lần nữa trở lại tại đại hội thể thao khu vực được tổ chức tại quê hương của môn võ này. Kết hợp các từ “Vo”, nghĩa là “võ thuật” và “Vinam” cho “Việt Nam”, môn thể thao này được võ sư Nguyễn Lộc thành lập vào năm 1938, theo Liên đoàn Vovinam-VietVoDao Thế giới.
Võ sư Nguyễn Lộc đã kết hợp thế mạnh của đấu vật truyền thống và các môn võ Việt Nam khác và hệ thống hóa chúng thành một môn phái võ mới. Một loạt các nội dung Vovinam gồm những bài biểu diễn và thi đấu đối kháng sẽ được tổ chức tại Nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội) trong kỳ SEA Games 31 này.
Việt Nam tất nhiên là một thế lực thống trị trong môn võ thuật thể thao này, nhưng chúng ta thường phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Myanmar, Lào, Campuchia và Indonesia.
2. Thể thao điện tử (E-Sports)
SEA Games 31 mới là lần thứ hai, thể thao điện tử nằm trong khuôn khổ tranh huy chương tại một đại hội thể thao được Ủy ban Olympic Quốc tế chấp thuận.
Thể thao điện tử ra mắt ở SEA Games 2019. Khi đó, đã có những câu hỏi về việc liệu nó có thể được coi là một “môn thể thao” hay không. Nhưng vào ngày đầu tiên E-Sports tranh tài ở SEA Games 2019, đối tác thể thao điện tử chính thức Razer đã báo cáo hơn một triệu lượt xem trên các nền tảng phát trực tuyến của họ khi người hâm mộ đăng nhập để xem các VĐV thi đấu. Nước chủ nhà Philippines chiếm ưu thế với 3 HCV, trong khi Thái Lan giành 2 HCV ở đại hội năm đó.
Năm nay, sẽ có 10 game được thi đấu, bao gồm Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và FIFA Online 4, chủ nhà Việt Nam với dàn games thủ trẻ được đánh giá rất cao.
3. Cờ Tướng
Năm nay là lần đầu tiên môn cờ Tướng được đưa vào thi đấu ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Cách chơi cờ Tướng có phần phức tạp hơn cờ Vua, môn thể thao đối trọng xuất phát từ phương Tây, nhưng mục tiêu là giống nhau: Chiếu hết quân quan trọng nhất. Các kỳ thủ chơi trên bàn cờ rộng gồm 9 cột và 10 hàng, thay phiên nhau di chuyển các quân cờ.
Trong lần khởi tranh này, các vận động viên thi đấu tại 4 nội dung gồm: Đồng đội nam cờ nhanh, Đồng đội nam cờ chớp, Cá nhân nam cờ tiêu chuẩn và Cá nhân nữ cờ tiêu chuẩn.
4. Lặn (Finswimming)
Lặn là bộ môn có tốc độ nhanh nhất ở các môn thể thao dưới nước. Lần đầu xuất hiện tại Đại hội thể thao Đông Nam Á ở kỳ SEA Games lần thứ 22 vào năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, các kình ngư nước chủ nhà đã xuất sắc giành đến 13 HCV trong tổng số 16 bộ huy chương.
Finswimming tương tự như bơi lội truyền thống nhưng sử dụng chân vịt, ống thở và các thiết bị cụ thể khác. Indonesia và Việt Nam đã chia phần lớn HCV ở bộ môn này. Thái Lan và Philippines cũng là những đối thủ cạnh tranh huy chương.
Aerobic Gymnastics
Bạn có thể đã quen thuộc với thể dục dụng cụ - Artistic Gymnastics (môn thể thao mà vận động viên biểu diễn tài năng với vòm, xà đơn, xà thăng bằng…), hay thể dục nghệ thuật - Rhythmic Gymnastics (môn thể dục mà VĐV sử dụng dải băng, gậy, vòng, bóng). Nhưng sẽ rất kỳ lạ khi bạn nghe về thuật ngữ “Aerobic Gymnastics” hay còn gọi là thể dục nhịp điệu.
Theo ActiveSG, Aerobic Gymnastics liên quan đến việc các vận động viên thực hiện các động tác phức tạp, cường độ cao theo nhạc. Những động tác này bao gồm một loạt các bước nhảy, đá và thể hiện sức mạnh cũng như sự linh hoạt, xen kẽ giữa video thể dục thẩm mỹ của những năm 1980.
Việt Nam đã thống trị môn thi đấu này tại SEA Games 19 và sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta một lần nữa tái hiện được điều này tại Đại hội diễn ra trên sân nhà.
Khánh Đan (Tổng hợp)