5 điều khắc cốt ghi tâm của người làm chủ tiền tài, không bị đồng tiền chi phối: Của cải nhiều vô kể, nhưng đời người chỉ có 1
Tiền không phải vạn năng, nhưng tiền có thể giải quyết hầu hết vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Cuộc sống con người không thể thiếu đi tiền, nó là thứ hiện hữu khiến con người cảm thấy an tâm và hạnh phúc. Nhưng làm thế nào để không bị tiền chi phối? Bạn hãy tìm cho mình một phương pháp quản lý tài sản hợp lý khi chưa quá muộn.
1. Sử dụng đồng tiền chân chính
Khổng Tử từng nói: “ Giàu với sang ai chẳng cầu mong.”
Phú quý và tiền tài là thứ ai cũng mong muốn sở hữu, là vấn đề được con người đề cập đến hàng ngày. Nhưng đồng tiền vốn là con dao hai lưỡi, nếu bạn vì sự cám dỗ của nó phản bội giới hạn trong các nguyên tắc đạo đức, bạn sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Người xưa có câu: "Người quân tử yêu thích tiền tài, nhưng sử dụng tiền phải đúng chuẩn mực đạo đức". Bạn có quyền được kiếm tiền, nhưng cách thức bạn kiếm tiền phải liêm chính không thẹn với lương tâm. Bạn có thể tính toán lợi ích, nhưng bạn không thể đánh mất đạo đức của mình. Thế gian thiện ác nhiều vô bờ, bạn không nên chỉ vì vài đồng bẩn mà khiến cho tâm hồn liêm khiết bị vấy bẩn.
Nếu bạn thực sự muốn giàu sang, bạn phải biết cách tận dụng tối đa sự linh hoạt biết tiến biết lùi trong bộ não để tạo ra tiền tài, thay vì suốt ngày mưu cầu danh lợi một cách mù quáng nhằm thỏa mãn những tham vọng vô đáy của mình.
Của cải ít phụ thuộc vào sự siêng năng, của cải trung bình phụ thuộc vào đức hạnh, của cải nhiều phụ thuộc vào số phận. Nếu bạn là người cần cù, chăm chỉ trong công việc, thường xuyên tích đức làm việc thiện, nguồn tài nguyên giúp bạn làm nên của cải hẳn sẽ dồi dào và rộng mở.
2. Không nên mưu cầu tiền tài
Nhà thơ nổi tiếng Đào Uyên Minh nói rằng: “Không vì nghèo hèn mà lo buồn, không miệt mài truy cầu phú quý.
Làm người, chúng ta không nên mù quáng theo đuổi hư vinh và đừng u phiền vì nghèo khó. Trong cuộc sống, tại thời điểm thích hợp chúng ta sẽ sở hữu thứ thuộc về bản thân, khi thời điểm không thích hợp chúng ta không nên cưỡng cầu.
Duyên tiền tài trong cuộc đời con người như những mắt xích chặt chẽ được ông trời an bài kỹ lưỡng. Vì vậy, bạn nên hài lòng với tài sản hiện có và đừng mưu cầu quá nhiều trong vấn đề tiền bạc, thứ thuộc về bạn ắt hẳn sẽ là của bạn, thứ không thuộc về bạn mãi chẳng phải của bạn.
Tiền là điểm tựa mang lại niềm tin và cảm giác an toàn cho con người trên thế giới này. Vì thế, bạn hãy làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều tiền hơn để cho bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Nếu bạn ngày đêm lo nghĩ về tiền bạc thì chỉ khiến sức khỏe hao hụt, cảm giác hạnh phúc giảm sút và trong lòng bạn sẽ dần trỗi dậy con quỷ tham vọng chi phối lý trí của bạn.
3. Không nên hống hách khi giàu có
Trong tuyển tập “Tăng Quảng Hiền Văn” có nói: “Lữ khách không thể rời mắt khỏi hành trang, tiền bạc không khoe khoang trước mặt người khác.”
Khoe khoang của cải của mình, không những không được lợi mà còn dễ mang đến tai họa. Bởi ngoài cha mẹ và người thân ra, chẳng mấy ai chân thành mong bạn có được cuộc sống tốt hơn.
Khi bạn tốt hơn những người khác, họ sẽ sinh lòng ghen tị và muốn phá hủy cuộc sống của bạn, một khi ai đó có ý đồ xấu với bạn, bạn sẽ không biết rắc rối gì sẽ xảy ra. Chúng ta không nên thách thức bản chất con người, vì bạn chắc chắn sẽ là người thua cuộc sau cùng.
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình là bạn nên sống và làm việc một cách khiêm tốn. Ngoài ra, người khác nhận thấy sự giàu có của bạn, tuy bạn có nhiều bạn bè nhưng tình bạn đó xuất phát từ lòng trục lợi mà chẳng phải lòng chân thành. Thế nên, nhằm trở thành một người thông minh và sáng suốt trong các vấn đề tiền bạc, chúng ta không nên khoe khoang hay chảnh chọe vì tiền tài.
4. Những điều nên tránh để không gặp rắc rối tiền tài
Tục ngữ có câu: “ Lễ nghĩa có ba điều kiêng, vay mượn có ba điều kỵ”.
Bạn không thể cho người khác vay tiền một cách tùy tiện, đôi khi có lòng tốt giúp đỡ họ nhưng cái nhận lại là sự tổn hại.
Thứ nhất, chúng ta không nên cho những người không quen biết vay tiền. Tiền cho vay hoặc là khó lấy lại, hoặc là bị lừa gạt.
Thứ hai, chúng ta không nên cho người nghèo vay, chỉ nên giúp đỡ họ trong những trường hợp khẩn cấp vì việc cho vay tiền chỉ tạo điều kiện cho họ có cớ lười biếng và dập tắt ý chí cầu tiến trong họ.
Thứ ba, chúng ta không nên cho người không đáng tin vay mượn. Khi vay tiền lời hay ý đẹp nào cũng có, nhưng sau đó không trả lại được, hành động này khác nào chúng ta "tiêu tiền mua kẻ thù".
Phép lịch sự là điều cần thiết trong giao thiệp, nhưng có ba loại người khi giao thiệp chúng ta không cần thiết phải tuân theo phép tắc.
Thứ nhất, người chỉ biết nhận mà không trả lễ. Những kẻ không trả lễ, tham lam lợi vặt, không biết đối nhân xử thế thì chúng ta phải tránh xa.
Thứ hai, người muốn vơ vét của cải. Những người tìm đủ mọi cách để kiếm tiền mừng trong các dịp lễ, khó tránh khỏi khiến người khác ghét bỏ và phản cảm, chúng ta không cần thiết nể nang họ.
Thứ ba, những người không cùng tư duy. Khi chúng ta gửi phong bì đỏ, đối phương sẽ nghĩ là để lấy lòng, điều này vô tình khiến họ xem thường và hạ thấp chúng ta.
5. Sức khỏe quan trọng hơn tiền tài
Tôi đã từng nghe một câu nói: “80% khó khăn trong cuộc sống có thể được giải quyết bằng tiền, và 20% còn lại cũng có thể được giải quyết bằng nhiều tiền hơn”.
Tiền rất quan trọng, nó có thể giữ gìn sức khỏe cho người cao tuổi và bảo vệ sự phát triển của trẻ nhỏ. Nhiều người vì kiếm tiền phấn đấu làm việc chăm chỉ, thức khuya làm thêm giờ, làm việc trong lúc ốm đau, không dám nghỉ ngơi, vì sợ nếu dừng lại sẽ bị thực tế vùi dập. Nhưng sức lực của con người có hạn, một khi kiệt sức và ốm đau bạn và gia đình sẽ là người phải chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Trên đời này, tiền bạc nhiều vô kể, nhưng cuộc đời chỉ có một, bạn hãy nhớ rằng, không có gì trên đời quý hơn sức khỏe. Bạn có thể nỗ lực làm việc chăm chỉ, nhưng bạn không thể liều mạng kiếm tiền không màng đến sức khỏe của chính mình. Hãy đối xử tử tế với bản thân, chăm sóc tốt cho bản thân và có một cơ thể khỏe mạnh để thực hiện những kế hoạch tương lai khác.