5 cầu thủ Hà Tĩnh liên quan chất cấm là một 'nỗi đau không nhỏ' của bóng đá Việt Nam
Tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam vừa mới ra mắt, cuộc đua vô địch V-League thì gần như hạ màn sớm sau chiến thắng của Nam Định trước đội bám đuổi Bình Dương, ngay cả cuộc chiến trụ hạng cũng khó có thể hấp dẫn ở giai đoạn cuối mùa giải. Thế rồi "nổ" ra vụ ở đội Hà Tĩnh …
1. Dù là những người lạc quan nhất thì cũng khó mà phủ nhận rằng bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm thấp nhất trong cái gọi là triển vọng vươn tầm châu lục. Hoàn toàn không bi quan, nhưng mọi thứ cần phải minh bạch, sòng phẳng trong cách đánh giá về nội lực của chúng ta. Ngay và luôn.
Đội tuyển quốc gia gần hết cửa dự vòng loại World Cup và HLV mới không phải là một cái tên nặng ký, ít nhất là về hồ sơ năng lực cũng như bề dày kinh nghiện. Bóng đá futsal cũng đã tắt cơ hội dự World Cup lần thứ 3 liên tiếp. Còn với bóng đá nữ, hôm qua (9/5) ra mắt "tân" HLV cho mục tiêu SEA Games 2025, là ông Mai Đức Chung.
Có cảm giác bóng đá Việt Nam, nếu không phải tụt dốc hay sa sút không phanh, thì cũng đang loay hoay chẳng biết tiến về trước bằng cách nào. Đó là một trạng thái rất tệ. Nó giống như một cầu thủ đang chơi cực hay trên sân, nhưng sau một cú vào bóng ác ý của đối phương, thì dù rất đau nhưng vẫn phải tiếp tục ở lại trên sân vì… đội nhà đã hết quyền thay người. Ra sân cũng không xong, ở lại cũng chẳng giải quyết được gì. Tiến thoái lưỡng nan.
Thế nên, việc duy nhất mà những nhà quản lý buộc phải làm đó là kêu gọi phải chăm lo, đầu tư, tăng cường nâng cao chất lượng bóng đá trẻ. Điều đó thì đúng rồi, nhưng làm nó như thế nào? Phải bắt đầu từ đâu? Và tập trung vào việc gì mà chúng ta đánh giá vừa cấp thiết mà lại vừa lâu dài nhất?
2. Chưa biết thế nào, thì chuyện ở Hà Tĩnh "nổ" ra. Sự việc này quá tồi tệ, nhưng còn tệ hơn khi có sự xuất hiện của cái tên tuyển thủ U23 Nguyễn Ngọc Thắng. Chúng ta chưa biết trung vệ trẻ này thực hiện hành vi phạm pháp này lâu chưa, hay chỉ là mới bị những "anh lớn" rủ rê, nhưng rõ ràng một cầu thủ đang có cả tương lai tốt đẹp trước mắt mà không ý thức được hành vi hủy hoại sự nghiệp của mình thì thật đau lòng.
Điều này buộc chúng ta nhớ đến vụ án đánh bạc tại CLB Bà Rịa Vũng Tàu, với 4/5 cầu thủ bị khởi tố sinh từ năm 2002 trở về sau. Họ đều còn rất trẻ, sự nghiệp bóng đá chỉ mới bắt đầu.
Bóng đá Việt Nam không thiếu những vụ cầu thủ trẻ vi phạm pháp luật ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Rất nhiều "tấm gương" còn sờ sờ ra đấy, từ Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng đến Nguyễn Thành Long Giang…
Ở góc độ khác, cũng có những tấm gương của nhiều người trẻ thành công nhờ chơi bóng đá giỏi và có thu nhập cao trong 5 năm huy hoàng dưới triều đại HLV Park Hang Seo. Cái xấu, cái tốt đều có cả, vấn đề nằm ở chỗ lựa chọn của cầu thủ trẻ.
Thế nên, cần đặt vấn đề một cách nghiêm túc về bóng đá trẻ chứ không chỉ là những hô hào suông. Chúng ta nâng cao chất lượng ở khâu đào tạo thì đúng rồi, nhưng việc bổ sung kiến thức văn hóa, kỹ năng sống khi họ bước vào thi đấu chuyên nghiệp, rõ ràng là chuyện không thể không làm. Đào tạo tốt để làm gì nếu các tài năng ấy không thắng nổi các cám dỗ ngoài xã hội.
Một trong những "người trong cuộc" là cựu cầu thủ Nguyễn Thành Long Giang đã từng nhận xét cầu thủ bây giờ dễ nhúng chàm hơn các thế hệ trước. Họ có thu nhập cao, dùng mạng xã hội nhiều, và bóng đá Việt Nam hiện nay dù phát triển rất nhanh nhưng xét về chuyên môn thì vẫn không thay đổi quá nhiều về cách làm bóng đá, tính chuyên nghiệp còn yếu, nhiều trận đấu vô thưởng vô phạt, trong khi cầu thủ thì lại tự do hơn chứ không bị giám sát nhiều như các thế hệ trước.
Nói cách khác, chẳng ai quan tâm đến việc phần "mềm" của các cầu thủ trẻ. Trong một môi trường bóng đá chưa chuyên nghiệp, tài năng thôi là chưa đủ. Cầu thủ trẻ mà sa ngã sớm, đá bóng toan tính nhiều, thái độ không nghiêm túc, thì làm sao có được các thế hệ tương tự thời điểm 2018?
Kiểu như chúng ta áp dụng công nghệ VAR nhưng cầu thủ vẫn cứ mắc lỗi ngớ ngẩn, vẫn chơi bóng theo thói quen ở cấp độ quốc tế. VAR không thay đổi được bản chất chơi bóng theo kiểu bán chuyên của cầu thủ.
Trong 2 vụ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng nói trên, dễ nhận thấy là có số đông cầu thủ cùng thực hiện. Các vụ việc được phát hiện bởi cơ quan công an, và đã theo dõi từ lâu. Nghĩa là vi phạm có tính hệ thống trong thời gian dài. Điều đáng nói là những hành vi cá cược theo kiểu tự dàn xếp tỷ số trên sân hay sử dụng chất kích thích thường thì có những biểu hiện cụ thể trong cách hành xử của cầu thủ khi thi đấu cũng như quá trình sinh hoạt trong tập thể.
Nếu các đội bóng thực sự quan tâm đến cầu thủ của họ nghĩ gì, sinh sống ra sao cũng như nghiêm túc lắng nghe các cảnh báo từ VFF, VPF thì sẽ ngăn ngừa được sớm, qua đó cũng giúp cho cầu thủ không hủy hoại sự nghiệp.
3. Nói cho cùng, bóng đá Việt Nam cần những cú ngã đau như thế này. Tấm áo đẹp và cơ thể thiếu sức sống là những gì đang ở trước mắt.
Bản chất của vấn đề nằm ở ý thức chuyên nghiệp của cả nền bóng đá, bao gồm cầu thủ, những chủ sở hữu CLB, người làm chuyên môn và chính những đơn vị điều hành bóng đá như VFF hay Công ty VPF. Không thể chờ đợi việc tự cầu thủ nâng cao ý thức chuyên nghiệp, mà phải bắt đầu từ cơ chế quản lý con người của CLB bởi đây là điều thiết thân với đội bóng.
Chúng ta phát triển bóng đá chuyên nghiệp là để nâng cao tính cạnh tranh giữa các CLB với nhau, qua đó thúc đẩy động lực thi đấu của cầu thủ thông qua thu nhập và khả năng duy trì sự nghiệp lâu dài. Hãy nhớ lại cuộc đua giữa bầu Hiển và bầu Đức, giữa 2 cách làm bóng đá trẻ của Hà Nội FC và HAGL 10 năm trước, đã đem đến những điều tốt đẹp như thế nào cho bóng đá Việt Nam nhiều năm qua.
Trong khi đó, các cuộc đua tại V-League hiện nay đọng lại được gì trong con mắt của giới chuyên môn và trái tim của các CĐV? Không ai muốn thấy Hà Nội FC tiếp tục thâu tóm các danh hiệu ở bóng đá quốc nội, nhưng việc họ cùng các "lò" bóng đá trẻ như Thể Công Viettel hay HAGL sa sút thành tích thì cũng chẳng có gì vui, cho dù V-League đã và sẽ có thêm những tân vô địch.
Giai đoạn rực rỡ của bóng đá Việt Nam thật ra chưa trôi qua quá xa. Thế hệ của các cầu thủ tạo ra những ngày đẹp đẽ ấy thực ra vẫn đang chơi bóng đỉnh cao và giúp cho V-League có thêm những nhà vô địch mới.
Nên câu hỏi đặt ra là ngoài việc mơ mộng với tấm vé World Cup, chúng ta đã làm gì để tận dụng được khoảng thời gian thăng hoa ấy nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nội địa trên mọi phương diện, để rồi chỉ trong một thời gian chưa dài, mọi thứ tệ hại xuất hiện với tần suất dày đặc đánh gục niềm tin của người yêu bóng đá Việt Nam.
Mất cái gì cũng có thể làm lại được, chứ muốn lấy lại niềm tin thì không thể cứ hô hào, hay chọn một HLV đến từ quê hương của ông Park Hang Seo, hay thuyết phục ông Mai Đức Chung quay lại, là xong được đâu.