40 năm Ủy ban Olympic Việt Nam: 'Nhà đại sứ' thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Ít được nhắc đến trong bối cảnh chung của thể thao nước nhà, kể cả thời chuyên nghiệp, nhưng với vị trí, vai trò của mình, Ủy ban Olympic quốc gia xứng đáng là "nhà đại sứ" của Thể thao Việt Nam.
Từ lịch sử ít người biết
Ngành TDTT là đơn vị quản lý Nhà nước về tất cả các hoạt động thể dục, thể thao. Nhưng để có thể hội nhập với quốc tế mà cụ thể là phong trào Olympic thế giới, thì mỗi quốc gia cần phải thành lập một tổ chức thể thao thống nhất với Hiến chương cùng những điều luật, điều lệ riêng của Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) và được chính phủ nước mình cho phép hoạt động. Đó chính là Ủy ban Olympic quốc gia.
Và hiểu theo nghĩa đơn giản hơn, Ủy ban Olympic quốc gia là nơi tập hợp các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các tổ chức thể thao tự nguyện, các tổ chức thành viên khác chủ yếu tham gia vào các hoạt động thể thao quốc tế, cùng một số hoạt động thể thao trong nước.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, ở Việt Nam đã có 9 Hiệp hội thể thao quốc gia, được các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc tế công nhận là: Điền kinh, bơi, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, xe đạp, quần vợt, quyền anh, đấu kiếm. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam cũng từng tham dự các kỳ Olympic, ASIAD cũng như SEA Games.
Tuy nhiên, phải đến sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam mới chính thức được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngày 20/12/1976). Và đến tháng 12/1979, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã trình đơn xin gia nhập Phong trào Olympic Quốc tế và ngày 28/4/1980, Uỷ ban Olympic quốc tế đã ra quyết định công nhận chính thức Uỷ ban Olympic quốc gia Việt Nam là thành viên của phong trào Olympic quốc tế, là đại biểu duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam trong phong trào Olympic quốc tế có quyền được tham gia các Đại hội thể thao Olympic, các Đại hội thể thao châu lục và Đông Nam Á.
Ngày 19/7/1980, đoàn Thể thao Việt Nam - thành viên chính thức của Uỷ ban Olympic quốc tế chính thức ra mắt cùng lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong lễ khai mạc Olympic Moscow tổ chức trên SVĐ Luzhniki.
Đến những bước hội nhập toàn diện
Sau Olympic Moscow 1980, Thể thao Việt Nam tiếp tục tham dự ASIAD 1982 tại New Dehli, Ấn Độ và xạ thủ Nguyễn Quốc Cường đã mang về tấm huy chương quốc tế đầu tiên - HCĐ nội dung súng ngắn bắn nhanh.
Nhưng cũng ít người biết rằng, quá trình hội nhập của phong trào Olympic Việt Nam với quốc tế chỉ thực sự hoàn thiện vào năm 1989 khi tham gia trở lại Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và cử Đoàn Thể thao tham dự SEA Games 15 ở Kuala Lumpur (Malaysia).Kể từ đó đến nay, 40 năm đã đi qua, Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam không ngừng hoàn thiện và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của thể thao nước nhà, tạo ra những chuyển biến tích cực của phong trào Olympic Việt Nam trên 3 lĩnh vực chiến lược: Thể thao cho mọi người, Thể thao đỉnh cao và Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực thể thao.
Đặc biệt trong năm 2016 này, thành công của thể thao nước nhà tại Olympic, Paralympic với những tấm HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công... hay của các đội tuyển bóng đá futsal, U19... cũng có công từ Ủy ban Olympic quốc gia.
Tuổi 40 và xứng đáng là "nhà đại sứ"của thể thao, nhưng thách thức vẫn tiếp tục đặt ra cho Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam mà lớn nhất có lẽ là công tác xã hội hóa với một tổ chức chuyên môn mang tính tự nguyện này.
Cụ thể hơn, là Ủy ban Olympic quốc gia cần tạo được sức tác động lớn hơn đến các tổ chức do mình quản lý như: Các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia; các tổ chức, Hiệp hội quốc gia của HLV, VĐV, trọng tài... để không chỉ nâng tầm chuyên môn, hội nhập sâu và giành thành tích cao ở đấu trường quốc tế mà còn là thu hút thêm những nguồn lực từ xã hội để phát triển thể thao theo hướng đi chuyên nghiệp hóa.
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa