3 căn bệnh ai cũng mắc ít nhất một lần trong đời, có loại xuất hiện từ 5.000 năm trước đến nay vẫn đe doạ tính mạng trẻ em
Thủy đậu, sởi và quai bị là những căn bệnh dễ lây, không quá nguy hiểm. Song ở một số trường hợp, nó lại có thể gây biến chứng, thậm chí là tử vong.
Chúng ta biết rằng, hầu hết các căn bệnh đều do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và tấn công cơ thể. Chúng gây bệnh một lần và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, trên thế giới cũng tồn tại một số loại bệnh rất đặc biệt mà mỗi người “chỉ” có thể mắc một lần duy nhất trong đời, sau đó thì miễn dịch hoàn toàn...
1. Thuỷ đậu
Varicella (thủy đậu) là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh do virus varicella-zoster (VZV) gây ra và ít nhất một lần trong đời chúng ta có thể mắc bệnh này. Sau lần lây nhiễm sơ cấp, VZV vẫn ở trong cơ thể (trong hạch thần kinh cảm giác) như bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn. Nhiễm VZV là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Khi virus được kích hoạt, chúng dễ gây ra bệnh zona thần kinh.
Bệnh thủy đậu không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng.
Bệnh thủy đậu thường là gây ảnh hưởng đến trẻ em. Trước khi vaccine thủy đậu ra đời năm 1995, hầu hết người Mỹ đều mắc thủy đậu khi còn nhỏ. Ngày nay, một số người đã được tiêm phòng vẫn có thể mắc bệnh thủy đậu, bên cạnh những người chưa được tiêm phòng hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Trước khi phát ban xuất hiện, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, sốt kéo dài 3-5 ngày (39°C), kém ăn, đau nhức cơ, khớp. Ngoài ra, người bệnh cũng có triệu chứng giống cảm lạnh như ho, sổ mũi, kèm theo đau đầu.
Sau những triệu chứng này, cơ thể sẽ xuất hiện phát ban ngứa trên mặt, cơ thể hoặc bên trong miệng. Phát ban sẽ phát triển thành từng đốm và đôi khi cũng có thể xuất hiện trên mí mắt hoặc bộ phận sinh dục. Mức độ nghiêm trọng của phát ban có thể khác nhau.
Các nốt ban sẽ phát triển thành các mụn nước chứa đầy dịch và chuyển sang màu đục. Những vết phồng rộp này phải mất 3-5 ngày để hồi phục. Sau đó, các mụn nước sẽ đóng thành vảy. Những vảy này bong ra sau khoảng một tuần.
Trong một số trường hợp, trẻ có thể mắc thủy đậu nhiều lần, bao gồm:
- Trẻ mắc thủy đậu lần đầu tiên từ rất sớm, đặc biệt khi trẻ chưa đến 6 tháng tuổi.
- Bị nhiễm trùng nhẹ hoặc nhiễm khuẩn trong lần mắc đầu tiên.
- Có một số vấn đề với hệ miễn dịch của trẻ.
- Sau khi mắc thủy đậu lần một, hầu hết trẻ em đều được xem là đã có miễn dịch tự nhiên và không cần tiêm vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc để tiêm cho trẻ trong trường hợp nếu lúc đó trẻ còn rất bé và mới chỉ mắc nhẹ. Việc phòng ngừa này sẽ giữ cho trẻ không mắc phải thủy đậu lần hai.
- Với những trẻ đã được tiêm phòng, nguy cơ mắc thủy đậu lần hai cũng giảm đi rất nhiều trong trường hợp phơi nhiễm với những người mắc thủy đậu.
2. Sởi
Sởi là một trong những căn bệnh cổ xưa nhất mà con người từng mắc phải, xuất hiện từ cách đây 5.000 năm. Bệnh này có tên tiếng Anh là “measles”, có gốc từ “masern” trong tiếng Đức - nghĩa là “đốm”.
Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị những biến chứng nặng nề của bệnh. Những biến chứng thường gặp khi mắc bệnh sởi được ghi nhận tại các cơ sở y tế bao gồm:
- Viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.
- Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.
- Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.
- Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.
- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.
Mặc dù nguy hiểm nhưng bất cứ người mắc sởi nào nếu qua khỏi sẽ không bao giờ bị căn bệnh này “làm phiền nữa”. Trong quá khứ, thầy thuốc Ba Tư tên Muhammad ibn Zakariya ar-Razi (còn gọi là Rhazes) (860-932) là người đưa ra những mô tả đầu tiên về sởi trên thế giới. Tuy nhiên, khi đó ông cho rằng, sởi chỉ là một biến thể của bệnh đậu mùa mà thôi.
Sau thời của Rhazes, sởi chìm vào quên lãng tới hơn 600 năm. Tới thời cận đại, người ta mới lại chú ý tới nó sau những đại dịch sởi hoành hành khắp nơi. Ngày 15/10/1958 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại sởi.
Sam Katz - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho thử nghiệm phiên bản vaccine sởi đầu tiên, vốn dựa trên mẫu virus được phân lập 4 năm về trước bởi Thomas Peebles. Tuy nhiên, thử nghiệm không hoàn toàn thành công khi 9/11 em được tiêm thử nghiệm vẫn có các dấu hiệu và triệu chứng của sởi nhẹ.
Năm 1963, Edmonston B trở thành vaccine sởi đầu tiên trên thế giới. Do phản ứng phụ như phát ban, sốt cao nên sau này, nhiều loại vaccine mới đã được cải tiến ra đời như Schwarz và Attenuvax… thay thế cho Edmonston.
Hiện nay, loại vaccine thông dụng nhất ra đời từ năm 2005 có tên MMRV, là vaccine thích hợp cho nhiều loại bệnh cùng lúc bao gồm sởi – quai bị - rubella – thủy đậu.
3. Quai bị
Quai bị cũng là một căn bệnh được xếp vào danh sách những căn bệnh chỉ mắc một lần trong đời, sau đó thì miễn dịch hoàn toàn.
Quai bị thường được biết tới với cái tên “má chàm bàm”, bệnh này do một loại virus ARN thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae gây ra. Khi mắc quai bị, người bệnh có biểu hiện sưng một hay nhiều tuyến nước bọt với biểu hiện rõ nhất là hai má và mang tai.
Bệnh này ít gây tử vong song có rất nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn, viêm khớp xương hàm, viêm màng não… và tới nay, quai bị không có thuốc đặc trị. Cách tốt nhất được các bác sĩ khuyến cáo là tiêm chủng vaccine phòng quai bị.
Lật lại lịch sử y học thế giới, có thể thấy quai bị được phát hiện ra từ rất sớm. Ông tổ ngành y Hippocrates trong cuốn sách được viết từ thế kỷ V TCN đã nhắc tới căn bệnh này. Theo đó, bác sĩ người Hy Lạp đã mô tả các triệu chứng của căn bệnh này khá chính xác như sưng một bên má, cổ họng cũng như sưng tinh hoàn ở một số bệnh nhân nam.
Tới thế kỷ XVIII và XIX, quai bị đã phổ biến khắp thế giới. Theo nhiều tài liệu lịch sử, đây chính là tác nhân gây ra nhiều đại dịch trong thời kỳ này, đặc biệt là ở các doanh trại quân đội, trường nội trú, bến cảng và nhà tù. Trong thế chiến I, quai bị được xếp vào những nguyên nhân gây suy giảm ý chí và sức lực chiến đấu của quân đội Pháp.
Mãi tới năm 1967, vaccine đầu tiên phòng quai bị mới xuất hiện nhờ Maurice Hilleman. Ông đã thành công trong việc phân lập virus gây quai bị từ chính con gái 5 tuổi của mình đang mắc bệnh. Vaccine đó sau này được đặt tên là “Jeryl Lynn strain”. 9 năm sau, loại virus MMR (tích hợp quai bị-sởi-rubella) mới đã được cấp phép sử dụng và trở thành loại vaccine phổ biến rộng rãi cho tới ngày nay.
Nguyễn Phượng (Tổng hợp)