250 đại biểu tham dự Hội thảo 'Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế'
250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không tham dự Hội thảo "Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế".
Hội thảo do báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 25/4 tại thành phố Nha Trang.
Theo BTC, đây là hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không đầu tiên sau Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 15/3, có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch Việt Nam, hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch, đặc biệt là việc thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam sau dịch Covid-19, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung như:kế hoạch, định hướng của ngành Hàng không trong việc kết nối đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành Hàng không và Du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính cắt giảm quy trình thủ tục phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh phát triển...
Hội thảo chia làm 2 phiên. Trong phiên 1, sau phần phát biểu khai mạc của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, phát biểu chào mừng của Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, báo cáo đề dẫn của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các diễn giả, đại biểu sẽ trình bày thảo luận về việc: Hợp tác hàng không- du lịch: Mở cửa bầu trời, kết nối các đường bay quốc tế; Kinh nghiệm quốc tế phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; Đề xuất các giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để thu hút khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm; Tăng cường quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tới khách quốc tế sau dịch Covid-19; Cơ chế đặc thù, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không phục hồi; Hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không để phục hồi du lịch.
Trong Phiên thảo luận trực tiếp do PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam điều phối, các diễn giả, đại biểu sẽ làm rõ thực tế thu hút khách quốc tế ở các địa phương và giải pháp của địa phương để thu hút khách; Xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới; Quảng bá xúc tiến du lịch tới đối tác trong và ngoài nước; Tìm kiếm thị trường mới; Xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm; Xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh...
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, dù "mở cửa" đón khách quốc tế sớm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn so với các nước. Cụ thể, trong quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,6 triệu lượt, bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 80% trong năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, Hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Hàng không và Du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.
Theo ông Hà Văn Siêu, các vấn đề cần thảo luận đó là giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành Hàng không và Du lịch...
Bà Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi tourism JSC) - phát biểu tại Hội thảo: Yếu tố quan trọng nhất để du khách quay lại nhiều lần và tạo sức lan tỏa truyền thông điểm đến – chính là chất lượng dịch vụ có đáp ứng đúng kì vọng nhu cầu của du khách hay không. Sau đại dịch, đa số các cơ sở lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí… đều đã xuống cấp hoặc giảm đáng kể. Nhân sự trong ngành Du lịch cũng bị mai một và thiếu trầm trọng cả về số lượng, chất lượng. Với tình trạng này, cho dù có thu hút được du khách đến, nhưng sẽ khó giữ chân được du khách, khó kích thích tiêu dùng, càng khó để tạo hiêu ứng lan tỏa cảm xúc.
Để khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong các nội dung sau: Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cải tạo các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đón tiếp du khách; Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực có chất lượng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế; Làm chặt công tác quản lý thị trường, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp có ý thức kinh doanh bài bản, bền vững, thanh lọc những yếu tố kinh doanh chộp giật, tạo ấn tượng xấu cho du khách và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm.
Một số đại biểu chia sẻ, đối với ngành Hàng không, cần giải quyết lợi ích của hành khách khi bị hủy chuyến; "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay chính là visa cho khách quốc tế, cần tăng thời gian lưu trú, mở rộng danh sách các nước; giá vé các điểm du lịch và giá vé máy bay ở Việt Nam hiện nay quá cao khiến cho khách quốc tế hủy chuyến...
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam; các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch...
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, hai ngành Hàng không và Du lịch cần phối hợp tăng cường hợp tác quảng bá, xúc tiến điểm đến; hình thành các sản phẩm hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và cũng như trên thế giới.