20 năm sau World Cup 'tai tiếng', tuyển Hàn Quốc khát khao khẳng định mình
Hàn Quốc từng tạo nên kỳ tích khi lọt tới bán kết World Cup 2002 nhưng đằng sau đó là những cuộc tranh cãi gay gắt, những thuyết âm mưu được vẽ ra và yếu tố tham nhũng cũng được đề cập tới.
Hàn Quốc là nước chủ nhà đăng cai World Cup 2002 cùng Nhật Bản. Không nhiều người đặt kỳ vọng hai đội tuyển này sẽ vượt qua vòng bảng trước khi giải đấu bắt đầu. Thế nhưng, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều bước tiếp với vị trí nhất bảng. Đó có thể coi là bất ngờ của giải đấu.
Sau đó, Nhật Bản dừng bước tại vòng 16 đội khi thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-1. Tuy nhiên, bất ngờ của Hàn Quốc không dừng lại đó giống Nhật Bản. Họ đã loại Ý rồi tới Tây Ban Nha trước khi chấp nhận thua trận trong trận đấu với người Đức tại bán kết. Bất kỳ đội bóng nào cũng muốn giành chức vô địch nhưng với Hàn Quốc, việc lọt tới bán kết World Cup 2002 cũng mang rất nhiều giá trị và ý nghĩa.
Hàn Quốc là một tập thể không có cầu thủ nổi tiếng và được dẫn dắt bởi HLV Guus Hiddink. Chiến tích lọt tới bán kết World Cup 2002 luôn được người Hàn Quốc kể lạ với một giọng đầy tự hào. Tuy nhiên, ở góc nhìn của người Ý và Tây Ban Nha, sự bất bình vẫn được thể hiện rõ dù câu chuyện đã trôi qua 20 năm. Đã có những tranh cãi nổ ra, những thuyết âm mưu được vẽ và cả yếu tố tham nhũng cũng được nhắc tới. Tuy nhiên, những điều này nhằm vào FIFA chứ không phải đội tuyển Hàn Quốc.
Dưới đây là toàn bộ con đường Hàn Quốc đã trải qua tại kỳ World Cup 2002.
Vòng chung kết World Cup 2002 đã khởi đầu suôn sẻ với Hàn Quốc. Họ nằm trong bảng đấu cùng với Ba Lan, Mỹ và Bồ Đào Nha. Đội bóng của HLV Hiddink đã giành được 7 điểm và đứng đầu đầu bảng đấu. Họ vượt qua vòng bảng cùng với đội tuyển Mỹ.
Thời điểm này, thành tích của Hàn Quốc đã vượt qua sự kỳ vọng của người hâm mộ. Họ nhập cuộc với đội tuyển Ý bằng tinh thần thi đấu thoải mái. Tuy nhiên, đáng buồn khi đó lại chỉ là sự khởi đầu cho những tranh cãi gay gắt đến tận bây giờ.
Christian Vieiri đã đưa người Ý vươn lên dẫn trước ở phút 18. Hầu hết mọi người đều không nghĩ sẽ có bất ngờ nào trong trận đấu này và Ý sẽ là người đi tiếp. Tuy nhiên, bàn gỡ hòa muộn của Seol Ki Hyeon cùng pha lập công ở thời gian hiệp phụ của Ahn Jung Hwan đã khiến Ý bị loại khỏi giải đấu.
Trong suốt trận đấu, các cầu thủ và CĐV của Ý đã vô cùng phẫn nộ trước số lần phạm lỗi của Hàn Quốc mà không bị trọng tài người Ecuador Byron Moreno thổi phạt. Pha xoạc bóng bằng hai chân của Choi Jin Cheul vào Gianluca Zambrotta và cú thúc cùi chỏ của Kim Tae Young với Alessandro Del Piero là những tình huống nổi bật.
Ngoài ra, Francesco Totti còn phải nhận 2 tấm thẻ vàng trong những tình huống cầm bóng tấn công. Tấm thẻ vàng thứ 2 của Totti là do trọng tài Moreno xác định anh ngã giả vờ trong vòng cấm. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc tới bàn thắng của Damiano Tommasi bị từ chối vì lỗi việt vị.
"Thật đáng buồn. Tôi đã phải chịu đựng rất nhiều vì điều đó. Đã có những tình huống căng thẳng và rất nhiều sai lầm dành cho đội tuyển Ý.
Totti không xứng đáng bị thẻ đỏ. Tình huống không phải phạt đền nhưng cũng không phải tình huống ăn vạ. Một trọng tài có cảm nhận rõ ràng (cho trận đấu) sẽ không rút thẻ trong tình huống đó cho một cầu thủ đã bị thẻ vàng trước đó", ông Blatter chia sẻ.
Trọng tài Moreno nhanh chóng trở thành một nhân vật phản diện ở Ý. Ngay cả chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng phải thừa nhận ông Moreno điều khiển trận đấu là không đủ tốt cho một trận đấu tại World Cup.
Sau giải World Cup, trọng tài Moreno còn gây ra một lùm xùm nữa. Trong trận đấu Liga de Quito và Barcelona Sporting Club tại giải quốc nội Ecuador, ông đã cho trận đấu bù giờ tới 13 phút. Trong thời gian này, Quito đã ghi được 2 bàn thắng để ngược dòng giành thắng lợi 4-3 chung cuộc. Cuối cùng, trọng tài Moreno bị cấm cầm còi 20 trận.
Đối với Ahn Jung Hwan, việc ghi bàn thắng quyết định đã kết thúc sự nghiệp của anh ở Ý. Cầu thủ người Hà Quốc khi đó đang chơi cho Perugia dưới dạng cho mượn và chủ sở hữu của CLB, Luciano Gaucci, nói rằng Jung Hwan sẽ "không bao giờ đặt chân đến CLB nữa".
Chiến thắng trước Ý đã dẫn đến những thuyết âm mưu hoang đường rằng FIFA đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo Hàn Quốc, với tư cách là đồng chủ nhà, thi đấu tốt tại giải đấu. Những ý kiến như vậy ngày càng lớn hơn khi trọng tài Gamal Ghandour (Ai Cập) cũng mắc 2 sai lầm nghiêm trọng trong trận đấu giữa Hàn Quốc và Tây Ban Nha ở tứ kết.
Đầu tiên các trọng tài đã từ chối bàn thắng của Tây Ban Nha khi Kim Tae Young phản lưới nhà. Sau đó, trọng tài cũng xác định tình huống đi bóng của Joaquin đã đi ra ngoài biên trước khi anh tạt bóng cho Morientes ghi bàn trong hiệp phụ.
"Mọi người đều thấy 2 bàn thắng đó hợp lệ. Nếu Tây Ban Nha không giành chiến thắng thì đó là vị họ (trọng tài) không muốn chúng tôi thắng", Ivan Helguera phát biểu sau trận đấu.
Những người Hàn Quốc đã tỏ ra khó chịu và thất vọng trước những tuyên bố từ các đội tuyển châu Âu. Không có bất kỳ ý kiến nào về hành vi sai trái từ phía Hàn Quốc nhưng họ cảm thấy những cáo buộc, thuyết âm mưu và tuyên bố về hành vi "chi phối" trọng tài gây ảnh hưởng tới hình ảnh chung của đội tuyển Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận nỗ lực tổ chức giải đấu đến từ Hàn Quốc. Họ đã thắp sáng giải đấu bằng những màn cổ động đầy màu sắc và đầy năng lượng xung quanh các sân vận động của họ. Họ đã thể hiện tốt ngoài sân cỏ cũng như trên sân.
Chiến thắng trước Tây Ban Nha đã đưa Hàn Quốc vào trận bán kết với Đức. Câu chuyện thần kỳ của họ cũng dừng lại ở đó trước sự cứng rắn của người Đức.
Trong suốt 20 năm qua, hình ảnh của Hàn Quốc tại World Cup 2002 luôn phải chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan tới trọng tài. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ khiến hy vọng của người dân xứ sở kim chi dành cho đội tuyển giảm sút. Lứa cầu thủ tới World Cup 2022 vẫn mang theo cả hy vọng tái diễn thành của đàn anh 2002 một lần nữa.
Quý Dậu