20 năm sao hạng B trước khi Ngô Kinh vụt sáng với 'Chiến Lang 2'
(Thethaovanhoa.vn) - Nam diễn viên kiêm đạo diễn Ngô Kinh đã "đánh bại" Vua hài Châu Tinh Trì để lập kỷ lục "Vua" phòng vé mọi thời ở đất nước tỷ dân với quả bom tấn Chiến Lang 2. Thành công ngoạn mục của Chiến Lang 2 đã khiến người ta đặt ta nhiều câu hỏi, song điều mà nhiều người yêu điện ảnh quan tâm là Ngô Kinh đã làm gì trong những năm qua trước khi anh tạo được cú đột phá lớn "không tưởng" này.
- Vì sao ‘Chiến Lang 2’ không 'hút' khán giả Tây dù 'cực hot' ở Trung Quốc?
- 'Chiến Lang 2' là phim tiếng Hoa đạt doanh thu cao nhất mọi thời
- 'Chiến Lang 2' của Ngô Kinh: Một Rambo của Trung Quốc
Hồi năm 2006, tờ Post nhận định Ngô Kinh là "học trò sáng giá nhất để nối gót Lý Liên Kiệt và Thành Long".
Song mặc dù được coi là một trong những nghệ sĩ trình diễn võ thuật xuất chúng nhất Trung Quốc, kể từ khi anh bắt đầu xuất hiện đều đặn trên màn bạc và màn ảnh nhỏ từ đầu những năm 2000, Ngô Kinh chỉ "dậm chân" ở các vai chính trong những bộ phim hạng B bình thường của Hong Kong hoặc là vai phụ trong những bộ phim có kinh phí lớn hơn, như SPL2: A Time for Consequences (Sát phá lang 2 - 2015) và Call of Heroes (Nguy thành tiêm bá – 2016) .
Trong sự nghiệp của mình, Ngô Kinh đã dành phần lớn thời gian để làm việc dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn Hong Kong.
Xem trailer phim Chiến Lang 2:
Dưới đây là 5 đạo diễn mà anh đã hợp tác nhiều nhất:
1. Viên Hòa Bình: Ngô Kinh bắt đầu xuất hiện trong dòng phim võ thuật Hong Kong với phim Thái Cực Quyền II (Tai Chi II - 1996), phần tiếp theo của tập phim Thái Cực Trương Tam Phong (Tai Chi Master – 1993) do Lý Liên Kiệt thủ diễn chính và cũng do Viên Hòa Bình đạo diễn.
Sau đó, Ngô Kinh tiếp tục hợp tác với Viên Hòa Bình trong loạt phim truyền hình Tân Thiếu Lâm Tự (New Shaolin Temple – 2000). Đó là thời điểm danh tiếng của Viên Hòa Bình đang "nổi như cồn" với thành công của phim đoạt giải Oscar Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) mà ông là đạo diễn võ thuật.
Xem trailer phim Thái Cực Quyền II:
2. Diệp Vĩ Tín: Mặc dù trong phim gay cấn cảnh sát Sát phá lang (2005) của đạo diễn Diệp Vĩ Tín, Ngô Kinh chỉ hóa thân thành một kẻ giết người mắc bệnh tâm thần với mái tóc nhuộm vàng, tuy nhiên vai diễn trong tập phim này và trong tập Sát phá lang 2 đã đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của anh, từ dòng phim cổ trang sang dòng phim hành động đương đại.
Xem trailier phim Sát phá lang 2:
Bên cạnh đó, Diệp Vĩ Tín và Ngô Kinh đã có sự hợp tác tạo dấu ấn trong phim hài giả tưởng Khai tâm ma pháp (Magic to Win – 2011).
3. La Thủ Diệp: Trong gần một thập kỷ từ giữa những năm 2000 trở đi, La Thủ Diệu được người hâm mộ điện ảnh Hong Kong coi là một Ed Wood (nhà làm phim kiêm nhà sản xuất Mỹ trong những năm 1950) thời hiện đại khi ông đam mê viết kịch bản, đạo diễn kiêm sản xuất phim.
Xem trailer phim Hắc Quyền:
Tài nghệ võ thuật của Ngô Kinh đã "lọt vào mắt xanh" của La Thủ Diệu và anh đã được mời diễn xuất trong phim Hắc Quyền (Fatal Contact - 2006) và Huyết chiến (Fatal Move - 2008). Các cảnh hành động Ngô Kinh trong cả hai bộ phim này đã góp phần làm tăng tính giải trí và sức lôi cuốn của phim.
4. Trần Mộc Thắng: Ngô Kinh đã thủ diễn chính trong 4 phim của nhà làm phim Trần Mộc Thắng, nhiều nhất đối với bất cứ đạo diễn nào mà anh từng hợp tác. Có điều, trong tất cả các bộ phim ấy, từ Nam nhi bản sắc (Invisible Target - 2007), Toàn thành giới bị (City Under Siege - 2010) tới Tân Thiếu Lâm Tự (Shaolin - 2011) và Nguy Thành Tiêm Bá (Call of Heroes), anh đều đóng vai phụ. Tuy nhiên, tất cả các vai của anh đều có những cảnh thu hút khán giả với những màn đấu võ "bắt mắt".
Xem trailer phim Tân Thiếu Lâm Tự:
5. Lưu Trấn Vĩ: Ngô Kinh đã có 3 phim hợp tác với đạo diễn Lưu Trấn Vĩ, gồm các phim hài: Cơ khí hiệp (Kungfu Cyborg - 2009), Việt quan bảo hạp (Just Another Pandora’s Box - 2010) và Đại thoại Tây Du 3 (A Chinese Odyssey Part Three - 2016). Trong phim Đại thoại Tây Du 3, Ngô Kinh trong vai nhà sư đã khiến nhiều khán giả cười nghiêng ngả.
Xem trailier phim Đại thoại Tây Du 3:
Tuấn Vĩ
Tổng hợp