2 di sản trên đường đệ trình UNESCO ghi danh: Độc đáo 'bách khoa thư' của người Mường
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà giới học giả trong nước và quốc tế đều gọi Mo Mường là "Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường. Bởi, tất cả những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong di sản văn hóa đặc biệt ấy.
Chính bởi bề dày như vậy, đã có rất nhiều khái niệm về Mo Mường tồn tại trong văn hóa dân gian Hòa Bình và giới nghiên cứu. Tựu trung, theo cách định nghĩa được chấp nhận nhiều nhất, đó là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường.
Pho sử thi mênh mông
Đáng nói, dù gắn với tâm linh và cúng lễ, nhưng do người Mường trước đây chưa có chữ viết, Mo Mường trong lịch sử tồn tại của mình luôn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển tải mang đến cho người dân kiến thức về lịch sử, văn hóa, đạo đức, phong tục truyền thống... qua những lời Mo rất cụ thể.
Lời Mo –yếu tố quan trọng để cấu thành Mo Mường – có thể tạm hiểu là những bài văn vần được sử dụng làm lời khấn. Như những gì đã được khảo sát, những câu thơ Mo ấy là một thế giới mênh mông, tích tụ trong nó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường. Đó có thể là những câu chuyện phản ánh tư duy của con người về sự ra đời của trời đất,về thế giới quan và vũ trụ quan,về sự phát minh ra lửa, về xã hội kỳ quần hôn – nơi con người phải trải qua những đớn đau để sàng lọc nòi giống; về quá trình đấu tranh với thiên nhiên để kiến lập cuộc sống tốt đẹp hay về tình yêu, hôn nhân của thời kỳ chế độ phong kiến đã bước vào giai đoạn suy vong...
Và cũng từ sự phong phú ấy, trong những năm qua, số câu thơ Mo được sưu tầm và công bố từ cộng đồng người Mường thuộc 3 tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Hòa Bình đã chạm tới con số gần 100.000 câu. Đáng nói, đây mới chỉ là một phần của những câu thơ Mo đang hiện hữu trong cộng đồng người Mường. Bởi, như khẳng định của nhà nghiên cứu văn hóa Mường Bùi Văn Thành, các tác phẩm Mo được hình thành từ những nôổ (dòng) Mo vô cùng đa dạng và chưa thể khám phá hết.
Ở góc độ diễn xướng, Mo Mường cũng vô cùng đặc biệt – khi thống kê trong đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo” của tỉnh Hòa Bình (ban hành vào cuối 2019) cho biết: có tới 23 nghi lễ của người Mường có sử dụng Mo, và tạm được phân theo 4 nhóm chính: cầu phúc, gọi hồn, trừ tà và đặc biệt là tang lễ. Những diễn xướng dân gian này là sự pha trộn giữa âm nhạc, múa, nghệ thuật biểu diễn…, trong đó có những diễn xướng có thể kéo dài tới 12 ngày đêm khi tổ chức tang lễ theo truyền thống, với hàng chục ngàn câu thơ được thể hiện.
Đặc biệt, các nghệ nhân Mo Mường – chủ thể thực hành di sản này – cũng luôn giữ một vị trí đặc biệt trong cộng đồng. Họ chính là những người “trí thức dân gian” trong giai đoạn người Mường chưa có chữ viết riêng và chưa được hưởng một nền giáo dục quốc dân như ngày nay.
Những thăng trầm đặc biệt
Sự chú ý đặc biệt của những trí giả người Pháp về Mo Mường tại vùng văn hóa Hòa Bình ngay từ đầu thế kỷ XX là một minh chứng về sức hút và chiều sâu của di sản này. Cụ thể, công trình đầu tiên nhắc tới Mo Mường là chuyên khảo Tỉnh Mường Hòa Bình của Piere Grossin, xuất bản năm 1926. Để rồi, 22 năm sau đó, công trình dân tộc học nổi tiếng Người Mường – Địa lý nhân văn và Xã hội học của Jeanne Cuisinier cũng dành hẳn một chương cho tang lễ Mường và Mo Mường.
Về phía Việt Nam, do điều kiện lịch sử, việc nghiên cứu Mo Mường bắt đầu phát triển mạnh chỉ từ thập niên 1970. Do sự chi phối của tư tưởng bài trừ mê tín dị đoan khi đó, những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào phần Mo kể chuyện (Mo Tlêu) có nội dung gắn với các thần thoại và truyền thuyết của người Mường.
Tuy nhiên, những thành tựu trong xu hướng này vẫn đến rất nhanh: năm 1976, bản Đẻ đất đẻ nước của Hòa Bình được công bố. Đây là bản Mo Mường đã được dịch ra tiếng Việt, với quy mô 17 chương và 6811 câu thơ Mo. (Trước đó một năm, một phiên bản khác bằng tiếng Mường với 8825 câu thơ đã được công bố tại Thanh Hóa). Lập tức, văn bản này đã khiến giới nghiên cứu trong và ngoài nước ngỡ ngàng – để rồi sau đó, việc nghiên cứu Mo Mường được mở rộng và thu hút sự chú ý của các học giả thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau…
Ở một góc độ khác, việc thực hành di sản Mo Mường trong giai đoạn này cũng gặp một số vấn đề do xu hướng bài trừ mê tín dị đoan. Tuy nhiên, như lời các chuyên gia, Mo Mường vẫn được duy trì để tồn tại như một dòng chảy đặc biệt trong cộng đồng Mường – khi mà cuộc đời mỗi con người nơi đây đều gắn với nó ngay từ khi sinh ra (lễ mụ sinh, lễ vía) đến khi dựng vợ, gả chồng (lễ cưới), khi làm lễ cầu yên, cầu sức (lễ cúng ma nhà, ma rừng) và đặc biệt là khi nằm xuống…
Và đến thời điểm hiện tại, dù môi trường thực hành di sản Mo Mường đã bị thu hẹp một phần khi nhiều nghi lễ không còn phù hợp với đời sống văn hóa (một số nghi lễ trừ tà, làm vía, cầu phúc lộc)… hoặc bị thu hẹp (tang lễ thường chỉ tổ chức trong 48 giờ), nhưng di sản này vẫn có vị trí đặc biệt trong đời sống người Mường – mà điển hình là việc Mo Mường Hòa Bình được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Cũng theo đề án bảo tồn di sản này, trên tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 190 nghệ nhân Mo Mường, đều là người có uy tín và am hiểu các phong tục tập quán địa phương. Họ sẽ là đối tượng quan trọng để bảo tồn Mo Mường, cũng như xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO trong thời gian tới.
Chọn hướng tiếp cận nào? Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), một chuyên gia của Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Hồ sơ đệ trình lên UNESCO có thể xây dựng theo 2 hướng: tập trung vào văn bản Mo (còn gọi là Sử thi Mo) hoặc tập trung vào phần diễn xướng Mo. Tuy nhiên, dù tiếp cận theo hướng nào, hồ sơ cũng nhất thiết không thể bỏ các yếu tố về tâm linh và tín ngưỡng dân gian trong di sản này. |
Sơn Tùng