18 tuổi có cần bố mẹ 'tháp tùng' đi thi?
(Thethaovanhoa.vn) - Một người cha bị tai nạn khi đưa con đi thi. Một người mẹ bật khóc vì bị con quát khi hỏi con “làm bài tốt không?”. Một sĩ tử bị đình chỉ thi vì cuộc gọi của cha ngoài phòng thi... Đó là ba trong số hàng trăm câu chuyện buồn xảy ra với những bậc phụ huynh khi đưa con đi thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Hình ảnh những người cha, người mẹ từ các vùng quê khắc khổ đưa con lên thành phố dự thi đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ. Những câu chuyện đáng buồn như trên cũng không phải bây giờ mới có.
Nhưng không gì là nhất thành bất biến. Trong xu thế giáo dục hiện đại hướng tới việc học sinh, sinh viên ngày càng trở nên tự lập trong cuộc sống, câu hỏi đặt ra là: Cha mẹ có nên đưa những người con 18 tuổi (đã đủ tuổi chịu trách nhiệm công dân) “lai kinh ứng thí”? Và sự kỳ vọng này của các gia đình đang phản ánh điều gì về kỳ thi THPT quốc gia và nền giáo dục nước nhà?
PGS Văn Như Cương: Cần trang bị ý chí tự lực cho con em
Năm 1954, tôi được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học. Tính đi, tính lại, số tiền ấy chỉ đủ tiền ô-tô mà không đủ để ăn uống, ở trọ và tiền đi về. Nên tôi quyết định đi bộ từ Nghệ An ra Hà Nội một mình để thi đại học. Trên đường đi, tôi may mắn gặp một xe quân sự. Hỏi chuyện và hiểu hoàn cảnh, những người lính đã cho tôi đi cùng lên Hà Nội.
Lên đến thủ đô, tôi xin tá túc ở nhờ một nhà công nhân, tự nấu ăn bằng số tiền bố mẹ đưa cho làm lộ phí đi đường. Đến ngày hôm nay nhìn lại, tôi không hề trách cách bố mẹ ứng xử với mình mà ngược lại, những bước đi tự lập đầu tiên nơi kinh kỳ khiến tôi sau này làm chủ cuộc sống hơn.
Về chuyện các bố mẹ đưa con đi thi hiện nay, tôi thấy đây là một sự nuông chiều không cần thiết. Các em học sinh 18 tuổi đi thi đại học chứ không phải các em đi học mẫu giáo.
Câu hỏi đặt ra là: cha mẹ có theo sát, chăm bẵm con đến hết đời con được không? Chắc chắn là không. Vậy muốn con cái nên người, theo tôi, nên vun đắp cho con em ý chí tự lực. Đó là hành trang lớn nhất mà các bậc phụ huynh nên trang bị cho con em thay vì chăm chút từng ly, từng tí cho các em.
Việc cha mẹ gác công việc đưa con em đi thi còn phản ánh một câu chuyện lớn hơn của ngành giáo dục. Đó là sự lạc hậu. Cho đến giờ, chúng ta vẫn coi phải vào đại học mới thành tài, đại học là cánh cửa duy nhất để con em có cuộc sống tốt đẹp sau này, đại học là trận chung kết cuối cùng cho sự phát triển của con người. Thế nên trong 4, 5 ngày thi mà cả xã hội sôi sục. Các cấp, ban ngành như cùng đồng hành với các sĩ tử.
Cũng bởi vậy, nhiều gia đình nông thôn đã bán trâu, bán bò để ăn mừng con “vượt vũ môn”, cha mẹ thắt lưng buộc bụng để con cái trên thành phố không cần làm thêm gì, chỉ cần tập trung học cho tốt. Nhưng khi con ra trường, các bậc phụ huynh lại hoang mang trước một vấn đề khác: việc làm.
Khi ý chí tự lực bị thui chột vì chăm bẵm, kỹ năng sinh tồn của con người trở nên rất yếu ớt. Nên tôi cũng không ngạc nhiên khi nhiều em sinh viên ra trường bằng đỏ sau một thời gian vật vã ở thành phố mà không bám trụ được, các em về quê làm một công việc không phù hợp với chuyên môn đã học.
Nhà báo Mỹ Trà: Chỉ nên đưa con đi thi như để động viên tinh thần
Hồi cấp 3, tôi học xa nhà nên việc đi xa một mình tôi đã quen. Nhưng tôi rất cảm động khi vào ngày thi, mẹ bảo mẹ sẽ đưa tôi đi thi đại học. Mẹ vừa đưa tôi đi thi, vừa tranh thủ chở quần áo đi bán. Hôm đó, tôi có những cảm nhận rất đặc biệt về tình thương yêu của mẹ bên cạnh gánh lo cơm áo gạo tiền.
Theo tôi, cần phân định rạch ròi giữa việc đưa con đi thi đại học để thể hiện sự quan tâm, ủng hộ tinh thần với việc đưa con đi thi để chăm bẵm hậu cần. Trong trường hợp thứ nhất, tôi thấy nếu không quá bận, thì cha mẹ đưa con đi thi như một cử chỉ ân cần như khi xem con chơi bóng, xem con thi hát... là bình thường. Còn trường hợp thứ hai, vô hình trung, sự chăm bẵm sẽ trở thành phản giáo dục. Tư duy ỷ lại, lệ thuộc và ích kỷ khi chỉ coi mình là tâm của vũ trụ, công việc của mình là quan trọng nhất, tất cả những người xung quanh phải hỗ trợ hình thành từ những cảnh huống này.
Thêm nữa, giáo dục đọc- chép hiện nay trong trường phổ thông cũng như đại học càng triệt tiêu tư duy độc lập của các em học sinh. Các em làm những điều người khác muốn các em làm. Các em thi bởi bố mẹ các em khát khao các em đỗ đạt. Và các em học cũng vì ước mơ của bố mẹ. Khi con người không nghĩ chuyện học cho bản thân, cho niềm đam mê và ước vọng của riêng mình là lúc chúng ta thất bại hoàn toàn trong việc giáo dục.
Nên theo tôi, từ nông thôn tới thành thị, việc các bậc phụ huynh đưa con em đi thi không đáng trách. Nhưng, các ông bố, bà mẹ nên xác định tâm thế của mình. Đi theo con để ủng hộ con, tiếp sức tinh thần cho con. Còn những việc cơ bản lâu nay vẫn bị coi là việc hậu cần như thuê trọ, nấu cơm... hãy cứ để các em tự làm.
Giảng viên Vũ Xuân: Không nên áp đặt quan điểm
Tôi nghĩ, chúng ta không nên áp đặt quan điểm là phụ huynh nên hay không nên đưa con dự thi đại học. Bởi các sĩ tử sống trong những bối cảnh khác nhau, bản lĩnh cá nhân khác nhau nên khó thể tìm quy chuẩn chung.
Cụ thể, với số đông các sĩ tử, việc phụ huynh đi cùng tạo cho con em chỗ dựa thoải mái trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời là cần thiết và không đáng lên án. Còn với những em bản lĩnh vững vàng, các em có thể tự đi thi mà không cần trợ lực đằng sau.
Theo tôi, các em đang tham dự một kỳ thi sòng phẳng. Nên những việc ngoài phòng thi, gia đình hay bản thân các em có thể tự do lựa chọn cho mình đường hướng tốt nhất để vào phòng thi, các em phát huy được tối đa khả năng có thể.
Những trường hợp bất cập của phụ huynh thời gian gần đây chỉ là cá biệt. Đó không phải là phổ quát. Điều chúng ta cần là nhận thức và truyền thông hiệu quả để hạn chế những rủi ro hãn hữu này xảy ra. Chứ chúng ta không thể áp đặt quan điểm là phụ huynh không nên đưa con đi để không xảy ra những chuyện đáng buồn.
Còn việc để con em tự đi thi để con em tự lập. Tôi nghĩ lập luận này có phần hơi nâng cao quan điểm. Tinh thần tự lực của các em không thể hiện nhiều chỉ trong vài ngày thi. Mà ta phải nhìn nhận tinh thần này trong suốt quá trình học tập, tu dưỡng của các em. Và nữa, mấy ngày thi không phải thời điểm để đặt nền móng cho sự tự lập của các em. Các em cần được xây dựng điều này từ sớm hơn. Và khi ấy, chúng ta sẽ không khâm phục thái quá những em tự đi thi để quay lại trách cứ những thí sinh được bố mẹ đưa đi thi.
Phạm Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần