1001 chuyện các ông bầu bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Điều gì xảy ra nếu các ông bầu đang tham gia tài trợ cho bóng đá nắm chặt tay nhau vì sự phát triển của bóng đá nước nhà?
- Ứng viên cho chức Chủ tịch VFF: Chưa ai 'xung phong'
- Bàn về ghế Chủ tịch VFF
- Bí ẩn danh tính ứng viên Chủ tịch VFF khóa VIII
1. Năm 2000, giải bóng đá chuyên nghiệp ra đời với sự góp mặt của các đội bóng tư nhân. Sự thay đổi có tính bước ngoặt này thật sự mang lại một luồng sinh khí mới cho bóng đá Việt. Các đội bóng do các doanh nghiệp nuôi nấng, chăm bẵm, tăng cường lực lượng ngoại binh chất lượng (và tất nhiên đội bóng sẽ mang lại hình ảnh trên thương trường cho doanh nghiệp đó) như HAGL, Gạch Đồng Tâm… nổi như cồn. Chắc mọi người còn nhớ những “tuyên ngôn” của ông bầu Đoàn Nguyên Đức kiểu như “HAGL thua ai thì thua nhưng không thể thua Gạch”.
Cuộc chiến “Gạch - Gỗ” không chỉ nóng trên khán đài mà còn nóng trên mặt báo. HAGL - một doanh nghiệp chế biến gỗ, hay Gạch ĐTLA - một doanh nghiệp sản xuất gạch là những cái tên hoàn toàn lạ lẫm nay được nhiều người biết tới bởi ít nhất ngày nào cũng có khoảng 10 tờ báo thể thao nhắc đến cái tên này. Doanh số trong năm đầu của HAGL tăng 150% là nhờ bóng đá.
Mỗi đội đều có sách lược riêng, nếu bầu Đức nhắm tới cầu thủ chất lượng từ Thái Lan, kiểu như Kiatisak, Dusit, Sakda… thì bầu Võ Quốc Thắng lại chú trọng vai trò của HLV mà điển hình là việc mời ông Calisto lúc đó đang có chân trong Hội đồng HLV quốc gia của Bồ Đào Nha. Cả hai đội đều thành công với việc giành cú đúp vô địch V-League (HAGL năm 2003 và 2004; Gạch ĐTLA năm 2005 và 2006).
Tuy nhiên, sau đó máu vô địch của bầu Thắng và bầu Đức cũng nguội dần, cùng sự đầu tư giảm sút và sự xuất hiện của những thế lực mới như Becamex Bình Dương, Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Có thể nói thời gian đó, bóng đá có sức hút từ dư luận nên khán đài luôn đông cứng khán giả và đi cùng với nó là giải đấu có chất lượng cao bởi sự cạnh tranh lành mạnh. Các đội bóng chơi nhiệt tình, chuyển nhượng nhiều cầu thủ có chất lượng và tất nhiên thì kéo theo vài nhà tài trợ có tiếng tăm khác.
2. Lại nói chuyện ông bầu Đỗ Quang Hiển. So với bầu Đức và bầu Thắng, ông Hiển khá kín tiếng. Việc ông tài trợ cho cả 2 đội bóng là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T cũng gây ồn ào một vài thời điểm và cả hai CLB này đều đã từng giành ngôi vương. Sau khi ông Đoàn Nguyên Đức trúng cử chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách lĩnh vực Tài chính -Tài trợ và Võ Quốc Thắng đắc cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty VPF thì bầu Hiển đã đi một nước cờ khác - tài trợ cho nhiều đội hơn nữa, đó là thêm Than Quảng Ninh, Quảng Nam và Sài Gòn FC, không cần đội bóng gắn thêm tên nhà tài trợ. Người xưa hay nói: “Mãnh hổ nan địch quần hồ” đã thể hiện rõ ở bóng đá Việt. Và Quảng Nam, một cái tên mới toanh vừa vô địch V- League 2017 là một bằng chứng rõ nhất.
Sự nhiễu nhương của bóng đá Việt, dù mang tiếng chuyên nghiệp là ở đây. Có thể trừ bầu Thắng tính tình hiền lành và coi như đã buông đội bóng ĐTLA, còn bầu Đức thì “nổ” liên tục khi ông sắm 2 vai: Phế ông Miura, dựng Hữu Thắng, tuyên bố xanh rờn rằng “tôi sẽ lo hết”, “SEA Games 29 không vô địch cứ gọi tôi là Đức nổ”. Và gần đây nhất là việc giới thiệu, đàm phán đề đưa ông Park Hang Seo vào ghế HLV ĐTQG và U23 Việt Nam.Vì mục đích gì thì không khó để nhận ra.
Tóm lại, khi bầu Đức phủ bóng ở tầm vĩ mô VFF, chọn HLV trưởng, chọn lực lượng cho các ĐTQG, thì bầu Hiển lại “chơi” tầm V-League. Chưa biết ai thắng ai.
Giá mà VFF là cấp quản lý cần nghiêm túc ngay từ đầu trước “lợi ích nhóm” của một vài ông bầu. Giá mà sự cạnh tranh như thuở ban đầu tiếp tục diễn ra. Giá mà các ông bầu cùng nhìn về một hướng thì bóng đá Việt đã khác.
Ôi, giá mà…
Đỗ Hải Âu